Hội thảo Chung tay bảo vệ quyền tác giả là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Telefilm 2016 - Triễn lãm Quốc tế Phim và Công nghệ Truyền hình vào ngày 13/7 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các tổ chức quốc tế và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Ủy ban bản quyền tác giả Hàn Quốc (KCC), Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) và Liên minh các chủ sở hữu quyền (VCA).
Các khách mời bàn về giải pháp bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh. Ảnh: Quang Đức |
Các khách mời của hội thảo đã dành nhiều thời gian để bàn về thuận lợi và khó khăn của việc thực hiện bản quyền tác phẩm điện ảnh ở Việt Nam. Ngoài ra, hội thảo cũng đề cập đến nguy cơ tiềm ẩn mà các trang web độc hại gây ra cho người xem phim “lậu” trên mạng.
“Một thực trạng hiện nay là các tác phẩm điện ảnh được phát hành tràn lan, không có bản quyền ở một số trang web lậu trên mạng. Các trang này sống nhờ quảng cáo nhưng phần lớn là các quảng cáo cho các dịch vụ trái pháp luật, trong đó 27% là quảng cáo sex” – một khách mời cung cấp thông tin.
“Đứa trẻ nào cũng biết sử dụng công nghệ, thậm chí sử dụng rất nhanh và thành thạo. Những thứ độc hại như vậy hoàn toàn có thể xảy ra với cả trẻ em khi chúng xem phim lậu trên mạng. Đó là nỗi lo thực sự của tất cả mọi người” – vị khách mời là chia sẻ thêm.
Đại diện Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ khẳng định: “Các trang web phim lậu không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là vấn đề cần giải quyết ở nhiều nước. Các trang web này có vẻ ngoài rất hiền lành nhưng đằng sau là ẩn chứa việc quảng cáo cho nhiều tội phạm hình sự như cờ bạc, tình dục”.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả. Ảnh: Quang Đức |
Trước nhiều vấn đề được đưa ra “mổ xẻ”, ông Ngô Huy Toàn, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Vấn để bản quyền không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các quốc gia đều quan tâm. Các quốc gia phát triển tình trạng này vẫn xảy ra, do vậy hiện công cuộc đấu tranh bảo vệ bản quyền là không hề đơn giản. Chúng ta có nhiều yếu tố đặc thù nên việc kiểm soát vấn đề này vẫn chưa được triệt để”.
“Nhưng chúng ta may mắn là có hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ tương đối đầy đủ và hoàn toàn tiếp cận với sự tiến bộ của pháp luật thế giới. Ngoài ra, sau một thời gian dài, các danh nghiệp cũng đã bắt đầu kinh doanh điện ảnh hợp pháp. Một trong những cách để ngăn chặn việc vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh là doanh nghiệp chủ động bảo vệ bản quyền của mình và hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình xử lý người vi phạm” – ông Toàn khẳng định.
Nói về khó khăn trong việc xử lý người vi phạm, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết: "Trong môi trường số, cơ quan chức năng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, đối tượng vi phạm thường sử dụng, dùng tên miền nước ngoài, giấu địa chỉ IP. Do vậy, cần phải có sự phối hợp giữa các quốc gia nhưng không phải một sớm một chiêu mà làm được".
"Một số cá nhân đăng ký sử dụng tên miền nước ngoài thông qua đại lý ở Việt Nam nhưng số khác lại trực tiếp đăng ký thẳng với nước ngoài, do vậy rất khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý" - ông Toàn chia sẻ thêm.