Quang Dũng chia sẻ về thí sinh chuyển giới của Vietnam Idol
"Nhân trường hợp của Hương Giang với format Idol, tôi rất thích vì nó vượt qua khỏi cái tầm của một cuộc thi hát. Thí dụ như Quốc Thiên là một anh chàng ở nhà phụ bán hột vịt lộn. Hương Giang cũng là câu chuyện của giấc mơ", đạo diễn nói.
- Anh là một trong số 3 vị giám khảo của "Vietnam Idol", thời gian gần đây "Vietnam Idol" và "The Voice" (Giọng hát Việt) thường được nhắc đến như là hai chương trình “đối đầu” nhau. Dễ thấy nhất là khi Nam Khánh la mắng thí sinh là “sao hát nhóm mà không nâng nhau lên”, còn HLV "The Voice" thì dạy thí sinh rằng “đây là một cuộc chiến”.
- Tôi nghĩ chỉ là do sự dàn dựng trong âm nhạc thôi. Vòng đối đầu của The Voice hay trong band của Idol thì cũng vậy thôi, họ vẫn hòa quyện với nhau thành một bài hát và có những chỗ riêng để thấy được mỗi người có một cái riêng. Điều quan trọng là mình sắp xếp chỗ nào hòa quyện, chia câu, chỗ nào người này thể hiện, người kia thể hiện. Trong cuộc thi nào thì thí sinh cũng phải chứng tỏ khả năng của mình, nhưng họ không được phá vỡ tinh thần âm nhạc. Tôi không coi The Voice của Việt Nam, nhưng ở The Voice của Mỹ thì họ cũng dàn dựng như vậy. Ở The Voice họ đẩy vấn đề đối đầu lên trên, việc xây dựng sân khấu như võ đài cũng là vì vậy.
- Đức Tuấn từng nói là việc dùng song ca để dìm nhau xuống là sai về tinh thần âm nhạc, như tôi nghĩ thì ở các cuộc thi "The Voice" quốc tế người ta chọn người nâng bạn mình lên thay vì dìm nhau xuống?
- Thực ra tôi nghĩ giám khảo họ tinh lắm, người đó có thể xuất sắc nhưng chưa chắc họ đã chọn. Ở Vietnam Idol có những bạn hát trong nhóm cũng không phải là dở nhưng họ không thích hợp nên không được chọn. Có những người trong nhóm thấy “mờ” hơn nhưng mà mình lại thấy rằng ở vòng vocal họ làm rất tốt, ở vòng band họ không nổi trội nhưng họ biết cách làm sao “nâng” cho cả band nổi trội thì mình chọn cái người đó. Không phải là cứ ai nổi trội ở vòng hát nhóm là họ sẽ chọn đâu vì nhiều khi cái sự tự nổi trội của họ lại phá đi tinh thần của nhóm, hay mình thấy sự ích kỷ đó là vấn đề.
Thật ra format Idol rất hay, nó hay ở chỗ nó cho mình thấy cả quá trình của một người đi hát trong vòng 6 tháng. Ngày đầu tiên vòng Audition (thử giọng) hát không micro, không hỗ trợ âm thanh, hát chay, tới vòng 60 được hát micro thì lúc đó sẽ thấy: À, người này hát hay nhưng giọng có ăn micro hay không, bởi có những người giọng hay nhưng không “ăn” micro. Tới vòng piano có những bài hát có nhịp thì sẽ lộ ra những người có thể hát hay nhưng khi vô nhịp thì lại không vô được. Rồi vô vòng hát band, bắt đầu thấy anh có bè được không, anh có nghe được người khác hay không? Cứ như vậy, qua mỗi vòng thì sẽ loại dần những thí sinh không phù hợp để tới vòng cuối cùng chọn ra người toàn năng nhất.
Tâm lý của thí sinh cũng vậy, từ vòng Audition tới vòng nhà hát họ chỉ hát cho ba giám khảo nghe thôi, và cùng lắm tới vòng Nhà hát thì có mấy thí sinh nữa nghe. Tới vòng studio thì nâng cấp hơn, hát phải có khán giả nghe. Giống như một người lúc đầu hát cho bạn bè, gia đình, thầy cô mình nghe, sau đó mới hát cho khán giả nghe. Khán giả ở vòng studio khán giả nhỏ hơn, đến gala khán giả đông hơn. Đúng một quá trình của một người ca sĩ. Điều đó rất thú vị.
Đạo diễn Quang Dũng làm giám khảo cho cuộc thi Vietnam Idol. |
- Như anh nói, không hẳn là ai xuất sắc thì sẽ được chọn vậy anh nuối tiếc thí sinh nào nhất trong quá trình làm giám khảo của anh?
- Thật ra thì trong cuộc đời làm giám khảo của mình tôi cũng chưa nuối tiếc ai quá nhiều. Nhưng cũng có những trường hợp mình đã bỏ qua họ, sau đó họ trở nên nổi tiếng. Ví dụ như Noo Phước Thịnh ngày trước có casting ở cuộc thi Nốt nhạc ngôi sao, chương trình đó đòi hỏi vừa diễn xuất vừa hát nên lúc đó Noo Phước Thịnh không đạt được tất cả những thứ đó. Nhưng tôi nghĩ chính nhiều khi việc bị từ chối đó làm cho người ca sĩ mạnh mẽ hơn, hay hơn nếu như người ta có nghị lực. Bởi theo tôi cuộc thi chỉ là một trong những con đường để người ta thành danh. Những người có tài thực sự thì họ đi đâu cũng thành danh. Cho nên thật ra mình cũng không tiếc nuối.
Có những bạn thấy hay nhưng cũng non, ví dụ như bạn Nguyễn Thị Bảo Châu ở Huế chẳng hạn, bạn ấy rất hay nhưng hơi non. Thật ra thì nếu bạn đó đủ nghị lực, đủ mạnh mẽ thì tôi nghĩ lần sau nên thi tiếp, chứ bây giờ cho bạn vô khi bạn chưa đủ “chín” đôi khi lại hại bạn.
- Theo dõi "Vietnam Idol" thí thấy rằng anh rất thích thí sinh Hương Giang?
- Hương Giang là một nhánh của chương trình. Nhưng đây là một cuộc thi hát thì tôi vẫn muốn nói về âm nhạc hơn. Nhân trường hợp của Hương Giang với format Idol tôi rất thích vì nó vượt qua khỏi cái tầm của một cuộc thi hát. Nếu các bạn xem các kỳ trước cũng vậy, tức là nó có chuyện của xã hội trong đó. Idol người ta nói nhiều về câu chuyện của những giấc mơ. Thí dụ như Quốc Thiên là một anh chàng ở nhà phụ bán hột vịt lộn. Hương Giang cũng là câu chuyện của giấc mơ.
Nguyễn Quang Dũng rất thích Hương Giang. |
- Mọi người nói Hương Giang được vào vòng trong còn có những “lý do khác”?
- Ở góc độ của tôi thì tôi nghĩ đó là câu chuyện của giấc mơ. Thật ra thì với tôi nhìn Idol kiểu khác. Khi tôi chọn 16 người hay 10 người vào top 10 thì tôi rất mong muốn không phải theo thứ tự em hát hay nhất tới em hát hay thứ 10 mà còn có nhiều lý do khác. Nếu tinh ý coi thì những người chung thể loại với nhau được xếp chung vào một nhóm. Bởi vì thị trường âm nhạc rất đa dạng, ví dụ như là Lam Trường, có Trần Lập, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà… thì tôi muốn 10 người vào vòng trong giống như là đại diện cho từng dòng. Xét những người chung với nhau người nào đặc sắc nhất thì tôi chọn. Hương Giang là một người đại diện một nhóm đặc sắc để mình lựa chọn. Nếu như để xét Hương Giang từ 1 đến 16 chưa chắc đã đạt, hay chưa chắc đã nằm trong top 16 nhưng cô ấy là hình ảnh đại diện của một giấc mơ. Đó là sự nỗ lực.
- Vậy tôi nên hiểu rằng sự nỗ lực là điều quan trọng bậc nhất để thành công tại "Vietnam Idol"?
- Chắc chắn là mình không phải bắt cô ấy nỗ lực mà bản thân cô ấy đã nỗ lực sẵn rồi. Nhưng cô ấy nỗ lực tới đâu thì một thời gian ngắn cũng rất là khó trả lời. Mình trao cho cô ấy một chỗ để cô ấy có thể tự quyết định cuộc đời mình. Khi xếp cô ấy vào 1 trong 8 cô gái vào vòng trong thì tôi nghĩ tất cả đều cần nỗ lực, còn câu chuyện cảm xúc thì chỉ là lúc đầu, đến giờ mọi người đã chấp nhận chuyện đó rồi thì không có lý do gì mình cứ luẩn quẩn về chuyện đó. Và tôi cũng không muốn cô ấy luẩn quẩn ở chuyện đó. Chỉ có điều cô ấy phải chứng minh được câu hỏi: Nếu em là một ca sĩ thì em phải có những gì?
Nguyễn Quang Dũng từ chối nói về Khánh Thi. |
- Thôi không nói chuyện công việc nữa, Khánh Thi có lần từng nhắc đến chuyện tình cảm với anh nhưng anh... im lặng?
Thật ra tôi không có thói quen nói chuyện riêng tư trên báo chí, dĩ nhiên mình cũng phải tôn trọng những người khác bởi mỗi người một kiểu. Tôi không chia sẻ bởi vì một số lý do. Thứ nhất, tôi làm ngành giải trí, hàng ngày tôi được báo chí hỗ trợ rất nhiều trong công việc nhưng tôi phân định rất rõ ràng giữa riêng tư và công việc, những chuyện riêng tư của tôi tôi ít khi nào nói tới lắm. Tôi không muốn “chập” công việc và tình cảm làm một vì sẽ có một lúc mình thất bại thì mình có một cái nhánh ở bên kia, giống như một cái phao để cứu mình thoát khỏi.
- Ví dụ như một câu trả lời ngắn gọn là “có hoặc không” về chuyện tình và đám cưới với Khánh Thi?
- Cái này tôi xin không nói tới.
Theo Dân trí