Quang Hải biết đi chợ từ khi sống một mình
"Bạn bè hỏi: “Sao không về nhà ăn cơm?” vì thường thấy tôi hay dùng bữa ở Highland hay đâu đó. Tôi nghĩ đó là tại mình, chính tôi đã không tạo ra cuộc sống gia đình." - Quang Hải tâm sự về 8 năm sống chung với Hải Yến.
- Thời gian qua, anh sống thế nào?
- Rất bình thường.
- Có sự nuối tiếc nào trong lòng anh?
- Thật ra, tôi không bao giờ cảm thấy thoả mãn, từ nhỏ đã luôn cố gắng đạt mục đích của mình. Còn nếu nói về nuối tiếc, đó là tôi chưa làm bố mẹ yên lòng. Là người có điểm xuất phát rất thấp nhưng tôi được chiều chuộng từ nhỏ. Tôi nhớ hoài câu mẹ dặn: “Đàn ông phải quảng đại, nên đi ra đời rộng lớn”.
Tôi nhớ hình ảnh mẹ quảy quang gánh hàng ra chợ, một bên là gạo, một bên là con gái út. Hồi nhỏ, mẹ chăm sóc từng đứa, lớn hơn một chút, mẹ đi theo chúng tôi để chăm sóc con cháu. Đến khi trưởng thành, kết hôn, tôi ở riêng. Vợ tôi không làm dâu một ngày, cũng không nghĩ đến chuyện sinh con… mà tôi không thể tự sinh cháu nội cho bố mẹ.
- Hôn nhân đổ vỡ khiến anh buồn nhiều?
- Trường hợp của tôi không phải cá biệt. Cuộc sống có nhiều kí ức buồn, ngay khi một mình bạn đối xử không tốt, mình đã buồn, huống hồ gì cuộc sống hôn nhân.
Nếu đi bước nữa, tôi sẽ chọn người vợ biết sống cho gia đình
- Anh nghĩ sao về ngoại tình?
- Đó là vấn đề xã hội.
- Người ta nói: “Khi ngoại tình, đàn ông không nghĩ đến chuyện bỏ vợ. Nhưng nếu đàn bà ngoại tình, cô ta muốn bỏ chồng”. Còn anh?
- Chính xác là vậy. Hầu hết mọi người cũng như bản thân tôi không muốn rêu rao chuyện của mình trên báo. Tôi nghĩ, sau mỗi cuộc bể dâu, người ta cần bình tĩnh suy nghĩ lại.
- Quang Hải đã từng ngoại tình?
- Trong suốt 8 năm chung với Hải Yến, tôi tự hào chưa từng ngoại tình. Sau khi hôn nhân đổ vỡ, tôi có gặp gỡ nhiều phụ nữ nhưng chỉ đơn thuần là công việc và bạn bè.
- Anh đã sắp xếp lại cuộc sống của mình chưa?
- Trước khi kết hôn, tôi có cuộc sống theo cách của mình khá ổn định. Nên sau khi lấy vợ, chúng tôi vẫn có nhịp độc lập riêng. Bạn bè hỏi: “Sao không về nhà ăn cơm?” vì thường thấy tôi hay dùng bữa ở Highland hay đâu đó. Tôi nghĩ đó là tại mình, chính tôi đã không tạo ra cuộc sống gia đình.
- Có câu: “ Muốn giữ được người đàn ông, hãy giữ ấm đôi chân và cái dạ dày của họ”.
- Gần đây, khi mẹ lên thăm, tôi khoe: “Mẹ ơi, con biết đi chợ, rành hết giá thực phẩm…”. Nghe xong, bà rất buồn và thương con trai. Mẹ nói, bây giờ ăn uống dễ dàng hơn ngày xưa, hồi ấy mẹ chăm nuôi tôi rất kỹ.
- Sẽ có cuộc hôn nhân mới với Quang Hải hay không?
- Hãy để tự nhiên.
- Anh nghĩ mình còn có thể yêu?
- Còn rung động là còn sống. Không ai biết trước cuộc sống của mình, không ai lập trình được cuộc sống của mình đâu.
Bộ phim mới - Kiên
- Anh đã từng đọc Phố Tầu của nhà văn Thuận, liệu có sự trùng hợp về các thân phận di cư này?
- Tôi không có ý định xây dựng khu phố tựa Phố Tầu trong Kiên. Năm 1999, đến Pháp, tôi thâm nhập khi người Việt tại Quận 13, sau đó quay lại đây nhiều lần. Tôi quan sát cộng đồng người Việt ở đó khá kỹ như quan sát ở Mỹ hay Úc… Thật ra, Kiên do tôi dựng lên chỉ là sự dịch chuyển nhỏ từ miền Bắc vào miền Nam. Và Kiên là nhân vật bình thường, chứ không phải là sự dịch chuyển của cả thế giới.
- Điều gì khiến anh quan tâm đến các thân phận di cư?
- Thật ra, người ta không quan tâm về khoảng cách xê dịch nữa, mà là sự dịch chuyển về giá trị tinh thần. Có người sống tại nơi mình sinh ra, nhưng vẫn cảm thấy cô độc rồi tìm ở một nơi xa xôi. Và càng đi, anh ta càng tìm được phần ẩn trong bản thân. Tôi nghĩ đi là sự trở về.
- Nhưng sự thật, sống là để chuẩn bị cho cái chết sau này?
- Nhiều người chuẩn bị cho cái chết của họ rất nghệ thuật, chỉn chu, không ai có thể bàn luận. Còn tôi thấy chưa bắt đầu mà nghĩ đến kết thúc thì cuộc sống đó đã chết rồi.
- Nếu Chuyện của Pao, diễn viên Hải Yến thủ vai chính, với Kiên, anh định chọn gương mặt nào?
- Tôi rất thích diễn viên Trần Khôn của Đài Loan, anh ấy có cặp mắt quay quắt của cuộc sống. Người thứ hai là diễn viên Gou Xiaodong trong phim Cung điện mùa hè, đó là người được cả về hình thức lẫn nội dung. Tôi chỉ sợ không đủ kinh phí để mời 1 trong 2 diễn viên này vào vai Kiên. Tuy nhiên, tôi vẫn dự trù phương án khác. Gần đây, tôi gặp một người hoạ sĩ và thấy anh ấy mang dáng vấp của Kiên. Khi ấy, dự án về Kiên đang dừng lại. Còn bây giờ, mọi thứ đã tiếp tục, tôi đang tìm anh ấy.
- Dự án về Kiên đã nghe anh nói gần 2 năm, nhưng vẫn chưa thấy chuẩn bị bấm máy, có phải do thiếu tài trợ?
- Tôi dự định cuối năm nay bấm máy, còn năm ngoái bận rộn với Chít và Pi. Bối cảnh của Kiên ở Sài Gòn và tôi sẽ vào đó quay. Phim nhựa không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều tiền. Nếu chỗ này phình, chỗ kia được bóp lại. Tuy nhiên, nếu cần đầu tư, người làm phim cũng không nên tiếc.
Tôi có nhiều nguồn đầu tư cho Kiên. Kinh phí cho một bộ phim không phải chuyện khó khăn, vấn đề với tôi là thời gian. Vì cùng với Kiên, tôi còn 2 dự án phim truyền hình. Hơn nữa, làm phim nhựa và truyền hình với tôi không khác nhau là mấy, cái chính là tôi kể câu chuyện như thế nào. Thầy tôi dạy: “Trong điện ảnh cần có mật mã luân lý, cũng như trong cuộc sống, một anh chàng chỉn chu bỗng dưng một ngày có khuôn mặt khác sự chỉn chu đó”.
- “Mật mã luân lý” ở đây là gì?
- Sự hỗn loạn trong cuộc sống luôn có trật tự, một trật tự mà ta không nhìn thấy được. Ở Chuyện của Pao, tôi có câu: “Ai cũng có bí mật, bí mật của bạn theo bạn hết cuộc đời”. Còn Kiên là: “Không ai biết trước cuộc đời mình”.
- Có khi nào anh đi tìm lời giải cho câu hỏi: “Mình là ai”?
- Câu hỏi ấy theo tôi suốt cuộc đời. Từ năm 20 tuổi đến giờ, tôi luôn tự hỏi: Mình là ai? Mình từ đâu đến? Đến để làm gì? Và làm như thế nào? Tôi nghĩ cuộc đời như sự “training” (huấn luyện) liên tục, cũng như bộ máy vậy. Hiện nay, người ta vừa phát hiện một chất liệu mới, tôi thấy hay hay. Người ta có thể nặn chất liệu này thành hình dạng bất kì ở nhiệt độ thấp hoặc cao. Nhưng khi ở nhiệt độ bình thường, nó sẽ trở lại trạng thái ban đầu. Tôi không dám so sánh con người với chất liệu đó.
- Và anh là một con người như vậy? Gồng mình khi bị cuộc sống nhào nặn, nhưng khi cuộc sống trở lại bình thường, anh trở lại con người nguyên bản?
- Tất cả mọi người đều như vậy.
- Vẫn có nhiều người không chịu được sự nhào nặn khắc nghiệt của cuộc sống nên đã bị out?
- Tôi nghĩ rất ít người bị out, vì nếu chấp nhận buông xuôi, họ sẽ chết.
- Vì sao anh nghĩ họ sẽ chết chứ không chỉ thất bại?
- Thất bại đôi lúc cũng là một phần của thành công. Vì khi thất bại, ta đang chạm đến bi kịch. Và có thể chính trong bi kịch ấy sẽ có chỗ nào đó loé sáng, giúp anh thoát khỏi tình trạng hiện tại.
- Anh tự nhận xét về mình?
- Tôi ham sống, muốn sống nhiều nơi. Tôi không hoàn hảo và đôi khi gây khó chịu cho người đối diện. Nhiều người bảo Quang Hải vênh váo khi tôi vô tình đi qua họ và không chào hỏi. Tôi nghĩ đó là lẽ thường. Người ta không đủ thời gian để ứng xử và làm tất cả mọi người hài lòng. Sách về thuật Đắc nhân tâm tròn trịa quá, đến mức muốn có một người như vậy chỉ có mua tivi. Với tôi, “đắc nhân tâm” chỉ là bước đầu tiên dạy con người sống thế nào. Còn thật ra, không ai dạy mình tốt bằng tự nhiên. Con người ta vấp ngã và đứng lên, không cuốn sách nào dạy mình sống hoàn hảo được.
Quang Hải thú nhận: “Tôi không muốn trả lời chuyện hôn nhân nữa. Tôi không dám nhận đã thất bại trong hôn nhân”. Khuôn mặt khẽ co thắt, đôi mắt như có màu rượu vang, anh khàn giọng kể… Anh bạn tôi có cuộc hôn nhân với cô gái Bắc Ninh. 8 năm, anh không biết bữa ăn sáng nào do cô ấy nấu. 8 năm, anh nuông chiều vợ để nhận quả đắng… Khi gặp nhau, cô ấy chỉ nặng 36kg, giọng nói còn nặng địa phương. Bước đi, dáng điệu vẫn còn quê kiểng và cô ấy không biết nói một từ tiếng Anh. Khi đó, công việc, tài chính của anh đều ổn định. Rồi anh đưa cô vào Sài Gòn, xin cho cô làm trợ giảng tại trường múa và đưa đón cô đến trung tâm tiếng Anh học 2 tiếng/ngày. Anh đợi tan lớp rồi đưa cô đi làm. Anh vô tình truyền cho cô nhiệt huyết cùng sự đam mê điện ảnh của mình. Khi đạo diễn Phillip Noyce sang Việt Nam lần cuối để tuyển diễn viên cho vai Phượng, anh đã nỗ lực dành vai này cho vợ. Anh đã tập diễn cho vợ trước ống kính của mình, giúp cô tập nói chuẩn bằng tiếng Anh. Phút cuối, Phillip đã chọn cô. Không chỉ thế, anh còn “lấy một lát cắt” trong kế hoạch của mình, dựng bộ phim nhựa, cho cô vào vai chính. Thành công mỉm cười. Họ được mời đi nhiều nước, dự các liên hoan phim. Anh là con trai độc nhất của một gia đình có bốn chị em. Sống với nhau 8 năm, nhưng vợ anh không hề gọi điện cho bố mẹ chồng. Ông bà nằm viện, cũng không thấy bóng con dâu. Họ càng ngày càng già yếu, mong có đứa cháu nội bế bồng. Anh đã đau khổ suốt 8 năm khi đồng ý cho cô bỏ đứa con vì sự nghiệp của cô. Giờ 40 tuổi, anh thèm có con vô cùng, nhưng… Đêm 30 Tết năm ngoái, về nhà, anh không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ thú nhận: “Con thất bại rồi, mẹ ạ”. Người cha già đến cạnh con trai, thì thầm: “Bố thích điều này, con làm cho bố nhé. Tí nữa, con đưa bố đi xem bắn pháo hoa được không?”. Mắt đỏ hoe, mũi cay nồng, anh quên rằng, đã lâu quá rồi anh không còn chút thời gian dành cho bố mẹ… Ngô Quang Hải nói một câu cho mình: “Hôn nhân đổ vỡ, chẳng thể đổ lỗi cho người này người kia. Chuyện ấy chỉ có người trong cuộc mới hiểu, người ngoài cuộc không bao giờ chạm được vào sự thật. Nếu đi thêm bước nữa, tôi sẽ chọn người vợ mà mẹ cô ấy là người sống cho gia đình. Nếu không, tôi sẽ lại thất bại”. |
Theo Mốt & Cuộc Sống
Phim về trùm ma túy thắng lớn ở Quả cầu Vàng 2025
Với màn trình diễn xuất sắc trong "Emilia Pérez", Zoe Saldaña đã mang về Quả cầu Vàng đầu tiên trong sự nghiệp.
Phim 'Chị dâu' sắp thu 100 tỷ đồng
"Chị dâu" tuần thứ 2 liên tiếp hụt hơi trước đối thủ từ Thái Lan "404 Chạy ngay đi", song vẫn kịp thu 95 tỷ đồng.
Đạo diễn lên tiếng khi 'Squid Game 2' bị chỉ trích
Đạo diễn Hwang Dong Hyuk cho biết việc mời T.O.P và Oh Dal Soo tham gia "Squid Game 2" là vì thấy cả hai hợp với vai diễn, không quan tâm ồn ào.