Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quang Lê 'đối đấu' Trọng Tấn và cuộc chiến giữa hai cây đàn

Độc huyền cầm, không chỉ phát ra thanh âm giản dị như tâm hồn người Việt mà còn khiến chính những người nghệ sĩ đứng trên sân khấu xích lại gần nhau hơn, dù họ vốn đầy khác biệt.

Phạm Đức Thành - một nghệ sĩ đàn bầu có tiếng vừa tổ chức live show riêng đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi Độc huyền cầm, đã diễn ra vào tối 3/3 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Trước khi diễn ra, không ai nghĩ rằng một ngày đàn bầu lại có thể trở thành chủ thể trung tâm trong một đêm nhạc. Càng bất ngờ hơn, khi khán giả Hà Nội tỏ ra phấn khích, một vài người thổ lộ "Chưa bao giờ thấy đàn bầu có thể biến hóa tài tình đến như vậy".

Quang Le doi dau Trong Tan anh 1
Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành mặc áo dài cách tân, để tóc dài. Ảnh: Hải Bá.

Cuộc chiến giữa hai cây đàn

Phạm Đức Thành có ngoại hình đậm chất nghệ sĩ. Ông để tóc dài, mặc áo dài cách tân và ngồi ở vị trí trung tâm sân khấu, phía trước là cây đàn bầu. Nam nghệ sĩ gọi đàn bầu (độc huyền cầm) là "công chúa" trong dàn nhạc dân tộc, một thứ nhạc cụ chỉ Việt Nam mới có.

"Gảy thành tiếng, uốn cần thành điệu", đó là miêu tả của Phạm Đức Thành về đàn bầu. Tiếng đàn của Phạm Đức Thành, theo nhận xét của NSƯT Thanh Thanh Hiền là "ngọt lịm", ngọt đến mức, mỗi lần nghe, nữ ca sĩ đều cảm thấy "bủn rủn" cả người.

Phạm Đức Thành đệm đàn cho hầu hết các tiết mục trong đêm nhạc, từ màn thể hiện của Thanh Thanh Hiền, Trọng Tấn, Quang Lê. Tiếng đàn bầu hòa với giọng hát của các ca sĩ vừa ăn ý vừa cho người nghe cảm giác quyện chặt, chẳng thể tách rời.

Phạm Đức Thành cũng chinh phục hoàn toàn người nghe qua những màn độc tấu như Hành vân, Lý ngựa ô, Ru con, Cò lả, Bèo dạt mây trôi… Thứ âm thanh của đàn bầu qua bàn tay của nam nghệ sĩ khi cao bổng, lúc lại trầm đục, nhưng điểm chung là đều rất tình.

Không chỉ thể hiện việc đàn bầu có thể độc tấu hay đệm cho ca khúc của ca sĩ, Phạm Đức Thành còn chứng tỏ đàn bầu có thể "chiến đấu" với nhạc cụ phương Tây.

Đàn bầu đã "khiêu chiến" với saxophone qua màn kết hợp giữa Phạm Đức Thành và nghệ sĩ saxophone nổi tiếng Trần Mạnh Tuấn. Cả hai hòa tấu trong tiết mục Lòng mẹ với hai âm thanh khác nhau nhưng đầy hòa quyện.

Tiếng kèn len lỏi trong tiếng đàn bầu và ngược lại tạo nên những dư âm đẹp trong lòng người thưởng thức.

Quang Le doi dau Trong Tan anh 2
Nam nghệ sĩ có màn biểu diễn thăng hoa của nghệ sĩ violin Minh Hiền.

Nhưng "cuộc đấu" gay cấn nhất phải thuộc về đàn bầu với violin qua màn thể hiện của nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền và nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành. Cả hai cùng thách đố nhau, Minh Hiền chơi một đoạn bằng violin, sau đó Phạm Đức Thành chơi lại đúng giai điệu bằng đàn bầu.

Màn thể hiện được cho là thăng hoa và ngẫu hứng nhất đêm nhạc. Nếu Phạm Đức Thành gọi đàn bầu là "công chúa" của dàn nhạc dân tộc thì nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền lại ví violin là "nữ hoàng" của dàn nhạc phương Tây.

"Cuộc đấu giữa nữ hoàng và công chúa" (theo lời của MC Lê Anh) thực sự đã mang lại những cảm xúc mới lạ, và rất hiếm khi chỉ với hai nhạc cụ, khán giả có mặt tại khán phòng lại hưởng ứng nhiệt thành đến vậy.

Quang Lê 'đối đầu' Trọng Tấn

Một trong những điều khác biệt trong live show của nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành là ông đã mời đến những ca sĩ của các dòng nhạc khác nhau. Vẻ như dụng ý của những người thực hiện, là đàn bầu có thể biến hóa trong nhiều thể loại âm nhạc hay nhiều chất giọng ca sĩ khác nhau.

Trọng Tấn hòa với tiếng đàn trong Tiếng đàn bầu - ca khúc làm nên tên tuổi của anh. Quang Lê giới thiệu Bài ca Tết cho em, cũng được đệm đàn bởi Phạm Đức Thành. Nam ca sĩ gọi Phạm Đức Thành là "chú" và tiết lộ "Chú Thành là người đầu tiên đệm đàn cho tôi tại hải ngoại".

Trọng Tấn và Quang Lê vốn theo đuổi hai phong cách âm nhạc khác nhau. Trọng Tấn định danh như một ca sĩ nhạc đỏ, trong khi Quang Lê lại thiên về những ca khúc Bolero.

Thế nhưng, với việc hòa giọng trong Việt Nam quê hương tôi cùng với tiếng đàn bầu của Phạm Đức Thành, sự khác biệt về chất giọng, phong cách đã được rút ngắn.

Quang Le doi dau Trong Tan anh 3
Trọng Tấn - Quang Lê có màn đọ giọng trong đêm diễn. 

Sự khác biệt được xóa đi, âm nhạc chỉ còn lại là cảm xúc của khán giả. Màn kết hợp giữa Trọng Tấn - Quang Lê tỏ ra ăn ý và nhận được sự tán thưởng của khán giả ngồi dưới.

Phấn khích trước tình cảm của người nghe, hai nghệ sĩ đã tiếp tục ngẫu hứng trong một ca khúc Bolero - Con đường xưa em đi.

Đây cũng là lần đầu tiên Trọng Tấn đứng trên một sân khấu lớn và thể hiện một ca khúc Bolero. Nam ca sĩ cho biết nhạc Bolero đòi hỏi về năng khiếu thay vì kỹ thuật, anh gọi đó là "chất".

Trước lời "thách đấu" của Quang Lê, Trọng Tấn còn bày tỏ về việc có thể sẽ ra sản phẩm nhạc Bolero cùng với Quang Lê sau màn kết hợp này.

Tiếng đàn bầu - thứ thanh âm thuần Việt bậc nhất dường như đã khiến chính các nghệ sĩ trở nên gần gũi với nhau hơn dù họ vốn có nhiều khác biệt. 

Live show Độc huyền cầm kéo dài gần 3 tiếng trên sân khấu Nhà hát Lớn - nơi được mệnh danh là "thánh đường nghệ thuật" của Hà Nội, và thực sự đã mang lại những cảm xúc đẹp đẽ.

Và qua đó, tình yêu với đàn bầu, nhạc cụ chỉ Việt Nam mới có nói riêng và nhạc cụ dân tộc nói chung có thể đã được khơi gợi trong khán giả Hà Nội.

Và biết đâu sau Độc huyền cầm có thể sẽ là những đêm nhạc khác tôn vinh nhạc cụ dân tộc và những nghệ sĩ theo đuổi, đắm đuối với những nhạc cụ này. Dù vẫn biết rằng, trong bối cảnh thị trường và thói quen thưởng thức hiện nay, những đêm nhạc như vậy có thể sẽ không... "hot".

Quang Lê liên tiếp đề nghị ca sĩ nhạc đỏ Trọng Tấn hát Bolero

Quang Lê ra điều kiện với Trọng Tấn là sau khi song ca "Việt Nam quê hương tôi", ca hai phải hát một ca khúc Bolero. Sau màn kết hợp, sợ đồng nghiệp quên, nam ca sĩ lại nhắc lại.



Lê Quang Đức

Bạn có thể quan tâm