Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quang Lê: 'Nhiều fan tặng tôi hàng chục triệu'

"Tôi thường dùng toàn bộ số tiền đó để làm từ thiện. Bản thân những người cho mình tiền đều biết họ có cho tôi cũng không dám xài, sẽ mang đi cho người khác", nam ca sĩ hải ngoại chia sẻ.

Quang Lê: 'Nhiều fan tặng tôi hàng chục triệu'

"Tôi thường dùng toàn bộ số tiền đó để làm từ thiện. Bản thân những người cho mình tiền đều biết họ có cho tôi cũng không dám xài, sẽ mang đi cho người khác", nam ca sĩ hải ngoại chia sẻ.

- Gần đây khán giả thấy anh về nước biểu diễn nhiều và các show diễn của anh luôn chật kín khán giả. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, một ca sĩ hút khán giả như thế không phải chuyện dễ?

- Tôi cảm thấy vui và may mắn vì không dễ dàng để được khán giả yêu thương và đón nhận. Là người con đã xa quê 20 năm nhưng chỉ khoảng 2 năm trở lại đây, tôi mới về Việt Nam hát cho khán giả nhiều hơn. Thú thực, tôi cảm thấy mình hợp với thời tiết ở Việt Nam, ăn uống, tinh thần cũng rất thoải mái nên "có da có thịt" hơn so với những ngày đầu tiên về.

Là người con xa quê, có dịp được trở về và vẫn được khán giả yên mến tôi càng cảm nhận được tình gắn bó nồng nàn và đặc biệt hơn cả ngày xưa.

Quang Lê về Việt Nam và xuất hiện trên khá nhiều các sân khấu, phòng trà để phục vụ khán giả trong nước.

- Có thể thấy, anh dường như là nghệ sĩ hải ngoại thành công nhất khi về Việt Nam biểu diễn?

- Thực sự tôi cũng không biết nữa, chỉ biết cố gắng nhiều hơn. Có thể do tôi mới về Việt Nam và từ trước đến giờ khán giả chỉ coi qua ti vi băng đĩa nên nhiều người còn tò mò muốn xem ở bên ngoài tôi hát như thế nào, có hay như trong đĩa họ vẫn nghe hay không. Khán giả Việt Nam thường rất thích nghe ca sĩ hát live, vì thế thành công hay không là khi mình đối diện với họ và thể hiện như thế nào.

Nếu mình chinh phục được khán giả, chắc chắn họ sẽ yêu mến. Còn nếu như họ đi coi mình lần đầu tiên mà không tạo được ấn tượng, tôi nghĩ chắc chắn khó có lần 2 hoặc có chăng khán giả chỉ nghe qua đĩa. Trong trường hợp đó có thể mình bán được đĩa nhưng khi ra sân khấu mình sẽ thiếu khán giả.

Trong những lần về nước gần đây, khi đi hát tại các sân khấu lớn, tôi luôn được cổ vũ nhiệt tình. Riêng tại các phòng trà, thời gian đầu lượng khán giả không được như mình mong đợi nhưng khi đã quen dần, khán giả mỗi đêm đến cổ vũ tôi ngày một tăng lên. Tại đây, mỗi đêm tôi có thể vừa hát vừa tâm tình đến 20 ca khúc. Khi khán giả cảm thấy thích thú và được thư giãn, họ sẽ trở lại nhiều hơn.

- Khán giả đến với các phòng trà, đặc biệt với dòng nhạc của anh cũng phải là người có thu nhập khá mới dám bỏ số tiền đó để đi thưởng thức âm nhạc mỗi đêm?

- Đây là thực tế hoàn toàn đúng vì khách phòng trà họ phải yêu quý mình lắm mới bỏ ra số tiền như vậy. Nếu như mình không diễn hết mình, họ sẽ cảm thấy không xứng đáng với số tiền bỏ ra đó. Khán giả đến với mình họ không chỉ mất thời gian, tiền bạc mà nếu mình không làm hài lòng, họ sẽ thất vọng. Điều may mắn cho tôi là mỗi lần về phòng trà thường đông hơn mọi khi. Đó là tia hy vọng mình cần phải giữ và cố gắng nhiều hơn.

Quang Lê luôn hát bằng tất cả trái tim của mình và điều đó chinh phục khán giả.

- Ngoài chuyện hát hay, dòng nhạc được nhiều người yêu thích, khán giả còn thấy anh kể chuyện hay tâm tình bằng âm nhạc như rót mật vào tai?

- Tôi cũng không biết nó bắt đầu từ lúc nào nhưng kể từ khi tôi biết những câu chuyện thật của bài hát, khi hát luôn có cảm xúc thật nhiều hơn. Ví dụ như chúng ta đều biết đến ca khúc Giọt lệ đài trang nhưng rất ít người biết xuất xứ của nó như thế nào.

Trên thực tế, đó là câu chuyện của nghệ sĩ Châu Kỳ với Vũ Thị Kim Anh - một cô gái lầu son gác tía mà nhạc sĩ từng trồng cây si trước nhà. Sau một thời gian, khi gặp lại Kim Anh của ngày xưa giờ đã tàn tạ đi rất nhiều nhạc sĩ xót xa lắm. Qua tìm hiểu, biết được ngọn nguồn câu chuyện cô gái đã gục vào vai nhạc sĩ khóc. Giọt nước mắt ấy chính là Giọt lệ đài trang. Khi nghe được câu chuyện, hát bài hát đó Quang Lê cảm động hơn nhiều.

Vì thế, tôi muốn khán giả biết được những câu chuyện thật của mỗi ca khúc. Tôi còn lưu giữ nhiều câu chuyện như thế lắm như: chuyện của cô Thắm với nghệ sĩ Trúc Phương trong Hai chuyến tàu đêm, chuyện cô Bạch Yến trong ca khúc Tình bơ vơ của chú Lam Phương...

Vì thế chỉ khi hát trong phòng trà hay liveshow riêng mới có dịp để Quang Lê chia sẻ. Dần dần, khán giả bắt đầu thích giống như những người mê đồ cổ vậy đó. Tôi may mắn là trước khi nhiều nhạc sĩ qua đời, tôi đã được gặp và nghe chính họ kể lại những câu chuyện đó.

- Đồng nghĩa với việc anh đã nghe các nhạc sĩ kể lại hàng trăm câu chuyện bằng âm nhạc của họ?

- Tôi là người tỉ mỉ và kính trọng những người đã làm ra tác phẩm đó. Nếu không có họ, dù tôi có tài năng đến mức nào, khán giả sẽ chẳng bao giờ biết đến mình. Bây giờ khán giả nhớ đến tôi là nhớ đến Đập vỡ cây đàn, Gõ cửa trái tim, Xin thời gian qua mau, Biển tình... Nhờ những bài hát giá trị của các nhạc sĩ đó, tôi cảm thấy mình được thơm lây. Trời cho tôi tiếng hát, nhưng ngược lại phải có bài hát hay của nhạc sĩ giỏi, cộng lại mình mới thành công được.

Có một câu chuyện rất xúc động đó là tôi từng hát rất nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Lam Phương. Khi sang Pháp, tôi từng gặp Tata Hường - người tình mà nhạc sĩ từng viết tặng đến vài chục ca khúc. Dù nhiều khán giả biết đến tên nhưng chưa có một ai biết mặt của người phụ nữ này. Tôi năn nỉ bằng mọi cách mới xin được chụp một tấm hình chung nhưng cô nhất mực không cho phép công bố. Nếu có dịp phát hành một album của nghệ sĩ Lam Phương, được Tata Hường đồng ý chắc chắn tôi sẽ tiết lộ tấm hình này vì không có ai có nó cả.

- Trong những lần về Việt Nam biểu diễn trước đây, câu chuyện anh được khán giả yêu mến tặng quà thậm chí là cả tiền mặt từng khiến nhiều người cảm động. Là người trong cuộc anh nghĩ gì về điều đó?

- Theo tôi nghĩ, cái đó trở thành phong tục tập quán của người Việt Nam vì khi mình đón một người từ nơi xa về thường có những món quà. Đó là tấm lòng của khán giả và tôi xin ghi nhận. Tôi cũng cảm thấy may mắn vì được khán giả xem mình như người trong gia đình, như một người con.

Họ quan tâm gửi cho tôi từng món đặc sản ở quê như nhãn, vải, gói bột sắn dây... và đó là những thứ vô giá. Họ chưa bao giờ gặp mặt nhưng vẫn thương mình qua làn sóng tivi, thương qua âm nhạc - một sợi dây vô hình mà lại nối được những trái tim đến với nhau. Tôi trân trọng và thầm cám ơn trời đã cho mình tiếng hát để hôm nay mình là người gắn kết, đưa mọi người đến gần với nhau.

Những lần được khán giả tặng tiền như này, Quang Lê luôn dành nó để làm từ thiện.

- Ngoài những món quà quê, có những fan còn tặng anh quà bằng tiền mặt trị giá vài chục triệu đồng. Vậy anh sử dụng những số tiền đó như thế nào?

- Có nhiều người cho tôi nhiều tiền, điều này hoàn toàn đúng. Ví dụ như khi biểu diễn ở Hải Phòng, có bà mẹ đã cho Lê 20 triệu đồng vì sợ về Việt Nam diễn không biết có đủ quần áo mới hay không.

Gần đây nhất khi hát tại phòng trà Không Tên, tôi được Hoa hậu Á châu thế giới Bích Liên tặng 1.000 USD. Tôi quyết định không dùng số tiền đó và xin phép Hoa hậu Bích Liên không xài số tiền đó mà kết hợp với một bệnh viện để đi trao quà từ thiện. Tôi quan tâm nhiều hơn đến những người già và trẻ em vì trẻ em là tương lai của đất nước còn những người già luôn cần sự giúp đỡ nhiều hơn. Thú thực là tiền đi hát tôi cũng đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày.

- Các cụ có câu "của biếu là của lo, của cho là của nợ" có bao giờ anh nhận những số tiền đó mà bị ra một điều kiện nào không?

- Thực tế những số tiền tôi nhận không phải là quá lớn để có thể làm được một việc gì cho sự nghiệp âm nhạc. Tất nhiên, với những số tiền khoảng 20 triệu đồng cũng không thể nói nó là nhỏ. Cho nên tôi thường dùng toàn bộ số tiền đó để làm từ thiện.

Bản thân những người cho tôi tiền cũng biết, họ cho tôi, tôi cũng không dám xài mà sẽ mang đi cho người khác. Điều đó có nghĩa là tôi đã giúp những tấm lòng hảo tâm kia gieo trồng những hạt giống tình thương và những đồng tiền đó được sử dụng quá ý nghĩa. Bản thân những người cho tôi tiền họ cũng được hưởng phúc đức và tôi được hưởng phúc theo.

Trong đêm nhạc ra mắt CD đầu tiên ở Việt Nam, tôi đã gom góp toàn bộ số tiền khán giả cho, tiền bán đĩa ở hải ngoại được 50 triệu đồng tặng vào quỹ từ thiện của báo Thanh Niên, đi xây nhà tình thương, trao 300 phần quà cho các hộ nghèo ở Đồng Tháp. Những món quà đó có thể chưa nhiều nhưng tiiu cố gắng nhiều nhất để làm trong khả năng. Ngoài tặng quà, tôi còn hát giao lưu miễn phí như một món ăn tinh thần dành cho họ. 

- Anh nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng việc anh hay các ca sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn, thu nhập còn cao hơn ở nước ngoài hiện nay?

- Theo tôi được biết, nhiều ca sĩ hải ngoại yêu Việt Nam và sẵn sàng về nước để sinh sống, hoạt động nghệ thuật, không phải vì ở nước ngoài họ khó khăn. Nếu nói về thu nhập ổn định, chắc chắn cát-xê của các nghệ sĩ hải ngoại sẽ cao hơn khi hát ở Việt Nam. Bản thân tôi một tháng nếu tính về thu nhập khi chạy show ở Mỹ cũng khoảng 20-30.000 USD. Khi về Việt Nam chắc chắn số tiền sẽ không được như vậy. Về Việt Nam là để thay đổi không khí và hát phục vụ cho bà con mình. Tôi tự thấy những điều đó là mình nên làm.

- Đó là lý do lần trở về và làm liveshow lần này anh quyết định làm ở một sân khấu bình dân hơn, với giá vé mềm?

- Khi tôi công bố sẽ làm show Hát trên quê hương lần này với mức giá mềm như vậy, nhiều khán giả đã viết thư về khen ngợi và họ vui lắm. Bản thân tôi cũng mời được Kỳ Duyên về để đảm nhận công việc dẫn dắt khán giả. Làm show lần này, tôi tâm niệm mình lấy số đông để phục vụ và cống hiến cho khán giả.

Riêng chuyện làm show lớn như Hát trên quê hương năm vừa rồi ở nhà hát Hòa Bình, tôi chưa dám tính vì chi phí cao, phát hành đĩa lậu nhiều quá trong khi đĩa xịn bán được rất hạn chế.

Theo Khám phá

Theo Khám phá

Bạn có thể quan tâm