Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vừa gửi văn bản báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, trả lời chất vấn của đại biểu về một số vấn đề về nhà máy xi măng Đại Việt gây ô nhiễm môi trường tại Khu kinh tế Dung Quất.
Sống chung với bụi xi măng
Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) khốn khổ sống trong khói bụi, ồn ào do nhà máy xi măng Đại Việt gây ra.
Người dân huyện Bình Sơn dựng lều trước cổng phản đối nhà máy xi măng Đại Việt gây ô nhiễm. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Nguyễn Văn Lành (ngụ xã Bình Đông) cho hay từ năm 2012 nhà máy xi măng Đại Việt đi vào hoạt động, cuộc sống hàng trăm hộ dân nơi đây bị xáo trộn lớn. "Bụi xi măng bay mù mịt, xộc vào nhà, nhiều người mắc bệnh đường hô hấp. Nhà máy gây ồn ào suốt ngày đêm khiến ai cũng mất ăn, mất ngủ", ông Lành than vãn.
Nhiều hộ dân kiến nghị cơ quan chức năng cần phải di dời khẩn cấp các khu dân cư nơi đây hoặc phải di dời nhà máy xi măng Đại Việt đi nơi khác. Sau 5 năm đưa vào vận hành, nhà máy này đã 2 lần xảy ra sự cố kỹ thuật, làm bụi phát tán gây ô nhiễm môi trường. Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất từng di dời 107 hộ dân sống cách nhà máy này 50 m đến nơi ở mới.
Đến tháng 6/2014, chủ đầu tư nhà máy xi măng Đại Việt tiếp tục đánh giá mức độ ô nhiễm và thông báo sẽ di dời tiếp 427 hộ dân sống cạnh nhà máy. Đến tháng 3/2015, sau khi xử lý sự cố, nhà máy hoạt động trở lại nhưng vẫn tiếp tục thải ra bụi mù mịt nên hàng trăm hộ dân dựng lều, ngăn cản không cho hoạt động.
Ô nhiễm kéo dài buộc đóng cửa nhà máy
Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về địa phương đối thoại, xin lỗi người dân thôn Sơn Trà và Tân Hy (xã Bình Đông) vì chưa xử lý dứt điểm tình trạng nhà máy xi măng gây ô nhiễm.
Trả lời cử tri huyện Bình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng cho biết nhà máy xi măng Đại Việt chỉ nộp ngân sách khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Nếu theo đề xuất chủ đầu tư di dời hàng trăm hộ dân nằm trong vùng ô nhiễm của nhà máy đến nơi ở mới, phải cần đến 1.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí quá lớn, quá sức với ngân sách Quảng Ngãi hiện nay.
"Nếu nhà máy xi măng Đại Việt không khắc phục được tình trạng ô nhiễm, người dân không đồng thuận thì sẽ đóng cửa chứ không dây dưa nữa", ông Căng quả quyết.
Người dân dựng lều trước cổng nhà máy xi măng Đại Việt. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trước đó tháng 2, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình từng yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp với Quảng Ngãi, giải quyết dứt điểm một số vấn đề liên quan đến nhà máy xi măng Đại Việt (Khu kinh tế Dung Quất).
Phó thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm tại nhà máy xi măng Đại Việt và lưu ý các nhà máy khác tại các khu kinh tế, khu công nghiệp cả nước.
Nhà máy xi măng Đại Việt có tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng do Công ty CP Xi măng miền Trung đầu tư ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất).
Tháng 8/2005, nhà máy được khởi công xây dựng trên diện tích 6 ha và đưa vào hoạt động từ tháng 6/2012, với công suất thiết kế 500.000 tấn/năm.
Nhà máy xi măng Đại Việt do Công ty cổ phần xi măng miền Trung làm chủ đầu tư ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Google Maps. |