Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Quanh đi quẩn lại chỉ ăn và uống, thế là hết Tết'

Nhiều độc giả của Zing.vn có cùng quan điểm nên giảm bớt những lễ nghi, thủ tục xã giao rườm rà ngày Tết để nó trở thành dịp đoàn viên đúng nghĩa.

Sau bài viết "Tết là ngày nghỉ mà không được một giấc ngủ ngon" của Zing.vn, nhiều độc giả đã bày tỏ quan điểm khác nhau về việc đây là kỳ nghỉ nhưng mọi người phải bận bịu, lo lắng cho những lễ nghi, bổn phận trong gia đình và các mối quan hệ xã hội quá nhiều.

Không ít người bày tỏ bản thân cũng rơi vào hoàn cảnh chán chường mỗi dịp Tết khi hết nấu ăn, dọn dẹp lại phải đi chúc tụng khắp nơi. Những người này cảm thấy bản thân không có thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa.

Bên cạnh đó, có những độc giả cho rằng Tết là dịp đặc biệt để đoàn tụ, không nên chỉ biết than phiền về việc gặp gỡ, thăm hỏi nhau. Thay vào đó, mọi người cần biết cân bằng lịch trình, giảm bớt các thủ tục, đơn giản hóa các lễ nghi để Tết trở nên nhẹ nhàng, dễ thở hơn.

Tet khong duoc nghi ngoi anh 1

Tết luôn được xem là dịp sum họp, đồng nghĩa với nhiều cuộc gặp gỡ từ gia đình đến người quen ngoài xã hội.

"Ngày Tết mở mắt đã lo sắp cỗ rồi"

Phần lớn độc giả đồng tình ngày Tết có khá nhiều công việc phải thực hiện, chiếm nhiều thời gian. Nhiều người mong muốn được nghỉ ngơi nhưng bắt buộc phải lao vào dọn dẹp, nấu nướng, thăm hỏi dù bản thân thấy mệt mỏi.

Kể về kỳ nghỉ Tết của mình, độc giả Tuan Nguyen bày tỏ bản thân thấy sợ nhiều hơn hào hứng.

Năm nào cũng vậy, cứ ngày 27 Tết, anh lại có một ngày dài ăn uống với đồng nghiệp trong công ty. Ngày 28, anh tiếp tục "điệp khúc" ăn tất niên với đồng nghiệp ở cơ quan vợ. Đến ngày 29-30, anh cùng gia đình tất bật dọn dẹp và tranh thủ có vài giấc ngủ ngon.

"Mùng Một đi chúc Tết nội ngoại, đến nhà ai cũng bị mời rượu, không uống thì ngại. Mùng 2 là trực Tết công ty, lại bị đồng nghiệp mời chén rượu, vui vui lại uống. Mùng 3 thì sáng lên chùa, trưa ăn hóa vàng tại nhà, tối ở nhà tiếp khách, lại uống rượu. Mùng 4, trưa ăn hóa vàng nhà các cậu của vợ, tối ăn hóa vàng nhà các bác", Tuan Nguyen ngán ngẩm khi kể về lịch trình ăn uống suốt những ngày nghỉ lễ.

"Mùng 5 đi làm. Quanh đi quẩn lại chỉ ăn và uống, thế là hết Tết, chẳng được nghỉ ngơi gì mấy", tài khoản này nói thêm.

Tet khong duoc nghi ngoi anh 2

Nhiều người mệt mỏi khi phải tham dự nhiều cuộc hội họp, ăn uống từ trước đến hết 3 ngày Tết. Ảnh: Getty.

Độc giả Trần Huy Hoàng nhận xét lễ nghi, phong tục ngày Tết quá rườm rà, nhiều thủ tục.

"Ngày cúng 2 lần, mở mắt đã lo sắp cỗ rồi. Còn chưa nói từ trước Tết đã phải làm bánh rán, thái thịt lợn, lau dọn mất đến cả tuần. Cả năm đi làm chỉ mong có ngày nghỉ để nghỉ ngơi, cũng nên nghĩ đến việc giảm thủ tục đi", Trần Huy Hoàng viết.

"Mình cũng nản Tết quá. Lại điệp khúc gói giò, gói bánh chưng, bánh tét, dọn nhà, nấu đồ cúng. Lắm lúc chỉ muốn Tết có một ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa", Nguyen Vi cũng có cùng quan điểm phong tục Tết nặng nề và tốn thời gian.

Để Tết đúng nghĩa là ngày đoàn viên

Bên cạnh những ý kiến cho rằng những ngày Tết có lắm lễ nghi, khiến người ta mệt mỏi, không ít người nhận định Tết là nét văn hóa đẹp của dân tộc, sự nặng nề là do cảm nhận của từng cá nhân.

Không phủ nhận sự rườm rà, có phần nặng lễ nghĩa của ngày Tết song một số ý kiến bày tỏ nên thay đổi từ tư tưởng của mỗi người để Tết trở thành ngày đoàn tụ gia đình đúng nghĩa. Không nên áp đặt những suy nghĩ phải chào hỏi xã giao, lễ lạt phiền hà.

Tet khong duoc nghi ngoi anh 3

Độc giả Zing.vn bày tỏ nên thay đổi nhận thức để Tết là ngày đoàn viên đúng nghĩa, tránh lễ nghi rườm rà.

Một số độc giả nhận định không nên quá áp lực khi nghĩ về Tết mà nên đón nhận với sự thoải mái, coi đây đơn giản là ngày đoàn viên chứ không phải dịp để "câu nệ", "lễ nghĩa xã giao" với nhau.

"Mình luôn nghĩ bố mẹ chồng cũng như bố mẹ đẻ, ai cũng muốn con cháu về thăm nhà vì rất ít khi gặp nên chia ra về chơi, không có gì để kêu ca. Còn nấu nướng bây giờ không còn quá vất vả. Đi du lịch có điều kiện thì đi lúc nào cũng được, còn với mình ngày Tết nhất định mình muốn về với bố mẹ, thăm hỏi họ hàng cả hai bên nội, ngoại", tài khoản Kim Ji viết.

Độc giả Ba Hung đồng quan điểm, cho rằng Tết với nhiều người phải làm ăn xa như mình là cơ hội ít ỏi để về thăm gia đình.

"Có những người xa quê làm ăn hay học hành, chắc chỉ được gặp và quây quần bố mẹ tính bằng ngày như mình. Từ 18 tuổi tới giờ hơn 30 tuổi rồi chắc khoảng 30 lần gặp. Tết tuy mệt nhưng vui", Ba Hung nói.

Hoàng Lân Vũ cảm thấy Tết là dịp nghỉ dài ngày nhưng cũng là cơ hội gặp gỡ nhau sau thời gian dài không gặp mặt, bởi vậy việc hỏi han nhau là chuyện nên làm.

"Tết về quê mà không đi gặp gỡ, thăm hỏi mà chỉ ở nhà ăn, nghỉ thì còn gì là Tết. Còn chuyện cỗ bàn thì mọi người nói đúng, nên đơn giản cỗ cúng. Khách đến nhà chỉ đơn giản có cốc trà, ít hạt dưa, hạt bí là đủ, người đến thăm cũng thấy dễ chịu hơn", Hoàng Lân Vũ bày tỏ.

Độc giả Tu Hanh nói lễ nghi ngày Tết rườm rà do khách quan một phần nhưng mỗi gia đình cũng có thể giản lược cho phù hợp. Theo độc giả này ngày Tết chỉ cần được nghỉ ngơi, khoẻ mạnh, mọi người được sum vầy bên nhau là vui.

"Đã 5 năm nay, gia đình tôi bỏ tất cả các loại cúng, nấu ăn cầu kỳ ngày Tết rồi, giải phóng sức lao động cho phái yếu. Ít đi chúc tụng, chỉ đi thăm bố mẹ đẻ 2 bên, anh chị em ruột, bạn bè cực kỳ thân thiết là xong. Còn lại là thời gian nghỉ ngơi, ăn uống bình thường, không bia rượu, không các món ăn cầu kỳ. Đúng nghĩa Tết là holiday", người này viết.

'Tết là ngày nghỉ mà không được một giấc ngủ ngon'

Luôn mong Tết là dịp nghỉ ngơi sau một năm vất vả, nhiều bà nội trợ, sinh viên hay người đi làm "vỡ mộng" khi suốt ngày phải đi thăm hỏi, chúc tụng, chuẩn bị cỗ bàn.

Kiều Trang - Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm