QUAY CUỒNG CHINH PHỤC GIẢNG ĐƯỜNG ĐẠI HỌC
"Còn 29 ngày, học đi. Cố lên. Mục tiêu: Học viện Hàng không. Chungang University. SKĐA, xe máy GSX 150..." là những dòng chữ mà học sinh lớp 12 viết lên bàn, dán vào đồ vật tại lớp luyện thi nhằm tự động viên mình quyết tâm vượt vũ môn.
“Em muốn thi đậu vào khoa Giáo dục đặc biệt của Đại học Sư phạm TP.HCM, để sau này có thể giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh như mình. Sắp tới ngày thi rồi, em còn cảm thấy hơi thiếu thiếu, nhưng sẽ tiếp tục cố gắng để đạt được ước mơ của mình”, Nguyễn Du Hải Âu, cô bé bị đa khớp bẩm sinh, học sinh lớp 12A6, trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TP.HCM), chia sẻ.
Đó chỉ là một trong số 222 giấc mơ khác của học sinh trường Nhân Việt trước ngày thi THPT quốc gia vào cuối tháng 6. Tất cả đang tập trung tổng lực ôn luyện ở giai đoạn nước rút để có thể đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới.
Nguyễn Du Hải Âu, học sinh lớp 12A6, bị đa khớp bẩm sinh, không thể đi lại bình thường được. Mỗi ngày, các bạn cùng lớp phải thay phiên cõng em lên, xuống lớp học để người nhà đưa về. |
Vùi đầu học ba ca mỗi ngày
Kể từ khi kết thúc học kỳ 2, toàn bộ học sinh khối 12 đã được ban giám hiệu trường Nhân Việt xây dựng lịch học chi tiết từ 7h đến 22h30 mỗi ngày, giúp các em hệ thống kiến thức lớn của các môn học.
Ca một bắt đầu từ 7h đến 11h20, ca hai 13h40 đến 16h55, ca ba 19h đến 22h30. Lịch học này áp dụng cho tất cả học sinh nội trú và bán trú.
“Buổi sáng và chiều, các em học với giáo viên bộ môn, luyện những dạng đề mới, câu hỏi khó. Buổi tối, chúng tôi chia học sinh thành từng nhóm nhỏ để tự học, khảo bài với nhau”, thầy Nguyễn Lam Quang Thoại, Phó hiệu trưởng nhà trường, nói.
Học sinh lớp 12A6 trong giờ học môn tiếng Anh buổi sáng. |
Những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh tranh thủ học mọi lúc, mọi ngóc ngách trong trường.
Ngồi học một mình trong lúc các bạn đang ăn cơm, Nguyễn Hương Giang, học sinh lớp 12A4, cho hay: “Còn ít thời gian quá nên em phải cố gắng học thôi, được lúc nào hay lúc đó. Em có nguyện vọng thi vào Học viện Hàng không, ngành Dịch vụ Thương mại Hàng không. Em nghĩ đã ôn được 80% rồi, còn phải cố gắng nhiều hơn nữa”.
Hình ảnh học sinh tự học được dễ dàng bắt gặp ở mọi ngóc ngách trong trường. |
Nguyễn Hương Giang, học sinh lớp 12A4, ngồi học một mình ở hành lang trong lúc các bạn ăn cơm. |
Thầy Nguyễn Phạm Văn Sơn, giáo viên chủ nhiệm và quản nhiệm nội trú ở trường, cho biết thêm: “Nhiều đêm, tôi đi kiểm tra nề nếp học sinh và bắt gặp nhiều em vẫn còn tranh thủ trốn ra hành lang học lúc 1-2h sáng. Cảm xúc ban đầu của tôi là vui khi các em rất ý thức được sự quan trọng của kỳ thi sắp tới và quan tâm việc học ngay cả trong giờ ngủ.
Tuy nhiên, tôi cũng rất thương và lo cho sức khoẻ của các em, thường hay khuyên răn phải cân bằng được thời gian học tập và nghỉ ngơi mới có thể giữ thể trạng tốt nhất cho ngày thi”.
Lịch học dày đặc từ sáng đến khuya khiến nhiều em lộ rõ sự mệt mỏi. Những gương mặt thẫn thờ vì thiếu ngủ lúc sáng sớm, những cái ngáp ngắn dài, những lúc ngủ gục, tay vẫn còn cầm bút viết hoặc khi đổ bệnh vẫn cố gắng học tiếp, là hình ảnh không phải hiếm gặp tại đây.
Gương mặt phờ phạc của nhiều học sinh nam trước giờ học buổi chiều. |
Cân bằng giữa học tập và sinh hoạt thể chất
Tuy lịch học dày, học sinh trường Nhân Việt luôn được thầy cô khuyến khích tham gia các hoạt động thể thao để vừa giải toả áp lực sau những giờ học căng thẳng, mệt mỏi, vừa giúp các em có được thể chất, sức khoẻ tốt nhất khi chuẩn bị bước vào "trận đánh lớn".
Sau mỗi ca học, tuỳ theo sở thích bản thân, các em có thể chơi bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá ngay tại khuôn viên trường. Một phòng tập thể hình cũng sẵn sàng phục vụ học sinh sau thời gian học buổi chiều. Không khí trong lúc chơi thể thao, tập luyện luôn vui vẻ. Những nụ cười ấy chính là liều thuốc an thần tốt cho các em trong giai đoạn ôn thi "nước rút" căng thẳng.
Không chỉ vậy, một TV màn hình lớn cũng được trang bị trong mỗi phòng ký túc xá để các em xem những chương trình giải trí và cập nhật tin tức. Điện thoại di động bị cấm hoàn toàn trong khuôn viên trường nên đây chính là nguồn thông tin duy nhất để học sinh nội trú giao tiếp với xã hội.
Cá biệt, có em mang cả thú nuôi vào trường để bầu bạn. Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 12A7, vừa chơi đùa với chú chuột hamster, vừa chia sẻ: “Đây chính là người bạn nhỏ của em. Có nó trong những ngày này, em thấy đỡ áp lực hơn”.
Bữa ăn trong trường luôn được chú trọng, đa dạng chất dinh dưỡng để đảm bảo các em đủ năng lượng để luyện thi. Ngoài bữa chính, học sinh còn được phục vụ thêm bữa ăn xế và ăn khuya với sữa tươi, sữa chua, bánh ngọt, mì…
Học sinh ăn cùng nhau ngay tại khuôn viên trường. |
Bữa ăn sáng của học sinh nội trú. |
Ngoài ra, thời gian ngủ của các em cũng được chú trọng để bạn trẻ có sức khoẻ tốt. Đúng 22h45, sau khi kết thúc ca học tối, toàn bộ phải vào phòng ký túc xá để ngủ và thức dậy lúc 6h30 sáng.
Buổi trưa, sau bữa ăn, học sinh phải vào phòng ngủ lúc 12h, thức dậy lúc 13h20. Lịch sinh hoạt này của học sinh luôn được giáo viên quản nhiệm nội trú giám sát, đôn đốc.
Tất cả đều được phục vụ chu đáo để các em chỉ cần tập trung nhiệm vụ duy nhất: Học tập nghiêm túc, đạt kết quả cao trong kỳ thi.
Những ước mơ phía trước
“Ước mơ của em là thi đỗ Đại học Luật TP.HCM, ngành Quản trị Kinh doanh. Em biết nhiều trường khác cũng đào tạo ngành này nhưng rất thích Đại học Luật và môi trường ở đó. Em muốn trở thành luật sư từ nhỏ rồi. Đến giờ, em nghĩ mình đã ôn tập được 80% lượng kiến thức, còn 20% để đạt được ước mơ”, Lại Nguyễn Đoan Tâm, học sinh lớp 12A6, tâm sự khi vẫn ngồi bên bàn học với những trang giấy ngổn ngang.
Lại Nguyễn Đoan Tâm mong muốn đỗ Đại học Luật TP.HCM. Em đang tích cực ôn tập để đạt được nguyện vọng của mình. |
Trong khi đó, Lương Thái Hồng, học sinh lớp 12A4, ngồi một mình chờ bố đến trường rước về nhà sau khi kết thúc ca học buổi tối lúc 22h45.
“Em mong sẽ đậu Đại học Sài Gòn, ngành Tài chính Ngân hàng. Em mới học được khoảng 50%-60% thôi nên chưa đủ tự tin. Còn ít ngày nữa, em phải cố gắng học để không phụ lòng ba mẹ”, Thái Hồng nói.
Lương Thái Hồng, học sinh bán trú, ngồi chờ bố đón về khi đồng hồ đã gần điểm 23h. |
Thầy Phạm Hữu Đức, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6, cho biết trong những ngày này, không chỉ học sinh mà toàn bộ giáo viên cũng chịu áp lực không kém. Đầu năm học lớp 12, tuỳ theo nhận định về năng lực học sinh của lớp, mỗi giáo viên chủ nhiệm phải đưa ra cam kết về kết quả của kỳ thi này với ban giám hiệu.
“Sống chết gì cũng phải thực hiện đúng theo cam kết đó, nếu không, giáo viên chủ nhiệm phải là người chịu trách nhiệm”, ông nói.
Thầy Đức cam kết với trường là lớp mình sẽ đạt được chỉ tiêu 100% đỗ đại học, với 70% học sinh vào trường công lập và 30% trúng tuyển trường dân lập.
“Mỗi ngày, tôi phải vào trường lúc 6h30, khi học sinh còn chưa đến lớp và về nhà lúc 22h30, cùng ăn, học, ngủ, cùng 'chiến đấu' với các em. Thời gian dành cho gia đình và bản thân gần như không còn. Tuy nhiên, để học sinh đạt được kết quả tốt, tôi có trách nhiệm phải làm việc đó. Tôi rất có niềm tin vào lứa học sinh năm nay và hy vọng rằng các em sẽ đạt được ước mơ của mình”.
Thầy Phạm Hữu Đức, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6, mỗi ngày đến trường lúc 6h30 sáng, khi lớp vẫn chưa có học sinh vì các em còn đang ở sân trường ăn sáng. |
Giáo viên chủ nhiệm là người đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn này, trực tiếp đôn đốc, nhắc nhở các em học tập. |
Những câu nói động viên, cổ vũ tinh thần cũng được học sinh dán và ghi lên nhiều vật dụng trong lớp học như những lời nhắc nhở cho sự cố gắng vì một kỳ thi quan trọng.
Có em công khai tại lớp ôn luyện những mục tiêu hướng tới, như muốn có chiếc xe máy mà gia đình hứa trao giải khi đỗ đại học. Có em viết hẳn tên trường lên bàn hoặc giấy khen, cũng có bạn trẻ tự động viên mình với dòng chữ "Cố lên", "Còn 29 ngày nữa"...
Mong ước thi đỗ vào trường Sân khấu Điện ảnh và mua được môtô của học sinh Nguyễn Lê Hoàng Long. |
Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra, các học sinh lớp 12 sẽ bước vào một cuộc sống mới.
Chỉ cần niềm tin đủ lớn, với nền tảng đã chuẩn bị kỹ càng và đôi khi là một ít yếu tố may mắn, tin rằng, các bạn sẽ đạt được ước mơ của đời mình.