Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quậy phá tại tòa có thể ngồi tù

Từ 1/1/2018, khi BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chính thức có hiệu lực, người có hành vi quậy phá tại phiên tòa có thể sẽ bị khởi tố về tội Gây rối trật tự phiên tòa.

Gần đây, trong phiên xử một vụ ly hôn tại TAND TP Đà Nẵng, vợ chồng đương sự mâu thuẫn rất căng thẳng. Trong lúc phiên tòa đang diễn ra, người vợ do quá bức xúc đã la hét, chửi bới thậm tệ người chồng.

Chưa hết, chị này còn bất ngờ… tự xé toạc quần áo trên người mình ra để ăn vạ. Rất may là ngay sau đó, lực lượng bảo vệ đã có mặt can thiệp kịp thời để phiên tòa được tiếp tục diễn ra.

Bức xúc nên bất chấp

Theo thẩm phán Đặng Văn Mạnh (Chánh Văn phòng TAND TP Đà Nẵng), việc các đương sự có hành vi gây rối, chửi bới, cãi lộn lẫn nhau như trên thỉnh thoảng vẫn xảy ra tại các phiên tòa, nhất là ở các phiên tòa dân sự cấp quận, huyện hoặc các phiên xét xử lưu động. Thậm chí tại các phiên hòa giải mà tòa tổ chức, chuyện con cái quát mắng cha mẹ, vợ chồng chửi nhau cũng không hiếm.

“Các hành vi này chủ yếu bột phát do những bức xúc, mâu thuẫn giữa các đương sự với nhau diễn ra trước và trong quá trình giải quyết, xét xử vụ án. Riêng các trường hợp đương sự hoặc người tham dự phiên tòa có hành vi gây rối, chửi bới người tiến hành tố tụng nói chung và HĐXX nói riêng thì trên thực tế Đà Nẵng chưa có vụ việc nào xảy ra” - thẩm phán Mạnh cho hay.

Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cũng kể: “Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đương sự vì nóng giận, bức xúc mà có hành vi chửi bới, thóa mạ, thách thức nhau ngay trước mặt HĐXX. Rõ ràng đó là các biểu hiện manh động không thể chấp nhận được trong không gian pháp đình mà đúng ra sự thượng tôn pháp luật, tính tôn nghiêm phải được đặt lên hàng đầu”.

Quay pha tai toa anh 1
Một vụ người nhà bị cáo quậy tưng tại TAND huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). 

Quy định tội danh riêng

Theo thẩm phán Đặng Văn Mạnh, trước đây các trường hợp gây rối làm mất trật tự tại các phiên tòa sẽ bị xử lý theo quy định tại nội quy phiên tòa ban hành kèm Thông tư số 01 ngày 28/4/2014 của Chánh án TAND Tối cao.

Đối với các hành vi gây rối gây hậu quả nghiêm trọng, người gây rối còn có thể bị xử lý hình sự về các tội tương ứng được quy định trong BLHS hiện hành (Ví dụ, tội Gây rối trật tự công cộng hoặc tội Chống người thi hành công vụ - NV). Tuy nhiên, hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa, phiên họp lại chưa được BLHS hiện hành quy định thành một tội phạm riêng.

Kể từ ngày 1/1/2018, khi BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực, các trường hợp quậy phá làm mất trật tự tại các phiên tòa, phiên họp của tòa có thể bị khởi tố về tộiGgây rối trật tự phiên tòa, phiên họp theo Điều 391.

Khoản 1 điều luật này quy định: Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của bộ luật này thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Khoản 2 điều luật này quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp. Hành hung thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của bộ luật này.

Ủng hộ việc BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định xử lý hành vi gây rối trật tự phiên tòa thành một tội danh riêng, luật sư Lê Cao nhấn mạnh:

“Tòa án là nơi cần sự tôn nghiêm và sự thượng tôn pháp luật. Nếu trước tòa, người dân xem thường pháp luật, xem thường tòa thì rất khó để cho thấy tác dụng giáo dục ý thức pháp luật, tác dụng răn đe và trừng phạt của pháp luật đang được thực thi.

Việc quy định tội danh cụ thể với hành vi quậy phá, gây rối tại các phiên tòa, phiên họp là rất cần thiết. Nó vừa góp phần bảo vệ tính tôn nghiêm của pháp luật, vừa tạo thêm hành lang pháp lý bảo vệ an toàn của người tiến hành tố tụng nói riêng và người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa nói chung”.

Cũng theo luật sư Lê Cao, để phát huy được giá trị và hiệu quả của quy định này, tòa án và các cơ quan liên quan cần phổ biến rộng rãi cho người dân, thậm chí cần đưa vào các thông báo, ghép cảnh báo với nội quy phiên tòa và những nơi dễ nhìn thấy để những người đến tham gia phiên tòa, phiên họp nắm được mà biết tự kiềm chế, tự điều chỉnh hành vi của mình.

Hai trường hợp loại trừ để xử tội khác

Theo quy định tại Điều 391 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trường hợp có hành vi đập phá tài sản tại phiên tòa, phiên họp mà có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì có thể bị xử lý hình sự về tội này theo Điều 178.

Tương tự, hành vi hành hung thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác tại phiên tòa, phiên họp mà có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội này theo Điều 134.

Đổ phân lên đầu bên kia

Hơn hai năm trước, trong phiên xử phúc thẩm một vụ án dân sự tại TAND TP Đà Nẵng, HĐXX bị một phen tá hỏa khi chứng kiến bà Hà (72 tuổi, mẹ của bị đơn) đổ nguyên chai nước chứa phân lên đầu ông Hùng (đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn). Nguyên nhân được cho là do bà Hà quá bức xúc trước những lời khai của ông Hùng.

Vụ việc này đã gây náo loạn công đường. Chủ tọa phiên tòa phải tuyên bố tạm hoãn phiên tòa, dời thời gian xét xử sang buổi chiều cùng ngày để có thời gian vệ sinh phòng xử. Sau đó, chủ tọa đã yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp buộc bà Hà phải rời khỏi phòng xét xử, đồng thời lập biên bản xử phạt hành chính cảnh cáo về hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa.

* Tên một số nhân vật đã đổi.

http://plo.vn/phap-luat/quay-pha-tai-toa-co-the-ngoi-tu-740274.html

Theo Tâm An/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm