Đang được cách ly tập trung ở Pháp Vân (Hà Nội), Đinh Quang Nghị (sinh năm 2000, Hà Nội) quyết định dành toàn bộ 18 triệu tiền tiết kiệm để ủng hộ công tác chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Trước đó, nam sinh đã xin phép và nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ bố mẹ.
Nghị cho biết 18 triệu này là số tiền mình tích lũy được từ việc dạy thêm tiếng Anh và hoạt động khác ở Mỹ.
Cậu muốn thể hiện sự biết ơn khi được về nước cách ly, cũng như thực hiện trách nhiệm với cộng đồng trong thời điểm khó khăn. Khi còn tiền, 10X không muốn đất nước phải chăm sóc y tế miễn phí cho mình.
“Một lý do nữa khiến mình quyết định quyên góp là nhiều học sinh, sinh viên khác có thể đưa ra ý kiến không đồng tình với cách kiểm soát, thực hiện cách ly trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Bởi vậy, việc bắt bẻ, chê bai các khu cách ly là có phần quá đáng”, Nghị nói với Zing.vn.
Bên cạnh đó, du học sinh này thống nhất với gia đình không gửi đồ tiếp tế để giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ hậu cần ở đây, vốn đã rất vất vả.
Hành động của chàng trai 20 tuổi đang nhận được sự ủng hộ và khen ngợi của cộng đồng.
“Giá mà ai cũng nghĩ được như bạn ấy. Chi phí, nguồn lực của Nhà nước dành cho việc cách ly đang tăng lên hàng giờ, hàng ngày, cả về vật chất và công sức, sự hy sinh của rất nhiều người. Vì vậy, cần lắm sự sẻ chia, chung tay thiết thực, cả về tiền bạc lẫn sự trân trọng biết ơn! Hơn ai hết, nững người từ nước ngoài về đang cách ly nên có sự chung tay với đất nước”, một người nhận xét.
Chàng trai 20 tuổi được khen ngợi vì đóng góp 18 triệu đồng tiền tiết kiệm cho công tác chống dịch. Ảnh: NVCC. |
“Được đi cách ly là một niềm hạnh phúc”
Giống như Đinh Quang Nghị, nhiều người được cách ly tập trung nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh đón nhận điều này bằng thái độ tích cực. Một số coi đó là kỳ nghỉ dưỡng, khoảng thời gian để sống chậm lại, yêu thương và thấu hiểu hơn. Số khác lại xem đây là trách nhiệm của mình đối với xã hội, cộng đồng.
Trên mạng xã hội, hàng loạt bài viết kể chuyện trong các khu cách ly “dễ thương”, “ấm áp tình người” được lan tỏa trên mạng xã hội.
Các tác giả không phải nhà văn, nhà thơ mà là du học sinh, người lao động Việt ở nước ngoài về, thậm chí là công dân ngoại quốc. Họ viết từ cảm nhận thật nhất và lòng biết ơn khi đất nước dang vòng tay bao dung đón mình trở về.
Với những người này, khi hết 14 ngày, tờ giấy chứng nhận hoàn thành đợt cách ly chính là bằng khen, phần thưởng, chứ không phải tờ “giấy xóa nợ” hay “lệnh thả trại”.
Từ Đức trở về Việt Nam lần này, Hải Tú (sinh năm 1997) - mẫu ảnh nổi tiếng ở Sài Gòn - được cách ly tập trung ở Trường Quân sự Quân khu 7 (TP.HCM) giống nhiều du học sinh khác. Tại trang cá nhân, cô chia sẻ nhiều hình ảnh tích cực và 10 điều nhận ra sau một tuần ở nơi tập trung.
Theo lời Hải Tú, từ khi cách ly, cô ăn uống điều độ, tập thể dục chăm chỉ, da đẹp hơn, quen thêm nhiều bạn, biết trân trọng sức khỏe bản thân.
“Sáng bánh ướt, trưa cơm sườn canh chua và mận, tối mì xào bò nước tương. Mấy anh bộ đội vẫn luôn nhiệt tình hết mình đội nắng gửi đồ vô cho mọi người. Thương lắm. Đầy đủ tiện nghi, phòng có view ngắm hoàng hôn, có bồ câu vô thăm mỗi ngày”, cô viết trong ngày đầu cách ly.
Hot girl Hải Tú, nam vương Cao Xuân Tài khoe hình ảnh về cuộc sống trong khu cách ly. Ảnh: FBNV. |
Từ khu cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức), nam vương Thế giới 2018 Cao Xuân Tài khiến nhiều người thích thú khi cập nhật hình ảnh vui vẻ với các loại đồ ăn vặt nhiều như ở tiệm tạp hóa.
Trong ngày thứ 5 cách ly (24/3), Cao Xuân Tài cho biết tình hình ở đây dần ổn định. Ngoài cung cấp nhu yếu phẩm, việc kiểm tra thân nhiệt ngày càng đầy đủ và đúng giờ. Nhân viên y tế và dân quân hối hả làm việc, một câu “anh chị thông cảm”, 2 câu “anh chị vui lòng”.
“Tài và bạn ở trong khu cách ly còn tranh thủ được 2 tiếng một ngày để tập thể dục trong khoảng khuôn viên quy định, vừa để nâng cao đề kháng, nhìn người qua lại, vừa tận hưởng cái không khí yên ả đến bất ngờ dù đang ở trong khu cách ly. Tài thật sự thấy bất ngờ và vui mừng vì trong những lúc hoạn nạn như vậy thì mọi người càng biết thông cảm với nhau nhiều hơn”, anh cho biết.
Không chỉ người nổi tiếng, hành trình cách ly của nhiều bạn trẻ là du học sinh từ nước ngoài về cũng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.
Nguyễn Ngọc Linh, du học sinh từ Milan (Italy), thể hiện tình yêu thương dành cho các cán bộ công tác tại khu cách ly Trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh bằng những bức tranh đáng yêu. Cô so sánh những ngày này giống như một kỳ nghỉ dưỡng dành cho bản thân.
Với Nguyễn Thị Lệ Quyên - du học sinh trở về từ Hàn Quốc, “những ngày trong khu cách ly ở Vĩnh Long khiến mình như được trở về tuổi thơ”. Đó là nơi không máy lạnh nhưng xung quanh cây cối rất mát mẻ, không tủ lạnh nhưng có thùng mút trữ đá, không máy giặt lại được rèn luyện kỹ năng giặt tay, nước lâu lâu bị mất nhưng vẫn có nước trong hồ dự trữ, mọi thứ đơn giản không bộn bề và bình yên đến lạ.
“Cuộc sống trong khu cách ly không đầy đủ tiện nghi nhưng rất giàu tình cảm. Được hỗ trợ để chăm sóc sức khoẻ là một điều may mắn”, nữ du học sinh nói với Zing.vn.
Khi kết thúc 14 ngày cách ly ở Hà Nội, Nhật Anh - du học sinh - ngậm ngùi: “Được đi cách ly là một niềm hạnh phúc. Bản thân tôi cảm thấy hơi buồn vì không được tiếp tục ở lại. Thật lòng thì cách ly ko khác gì được đi nghỉ dưỡng”.
Vợ chồng ông bà David và Cath Butler (người Anh) viết thư cảm ơn y bác sĩ chăm sóc mình trong 14 ngày cách ly tại Hà Nội. Ảnh: FBNV. |
Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam đang làm rất tốt, rất quy củ trong công tác chống dịch. Họ bày tỏ lòng biết ơn khi được hưởng sự chăm sóc tận tình, chu đáo trong những ngày cách ly.
“Trang thiết bị của bệnh viện ở đây rất khác với ở Anh, song chúng tôi đã có tất cả những gì mình cần. Chúng tôi rất hiểu thực tế này, đây là điều cần làm trong hoàn cảnh hiện nay và chúng tôi rất biết ơn bệnh viện cũng như tất cả cán bộ ở đây đã chăm sóc chúng tôi rất tốt”, vợ chồng ông bà David và Cath Butler (người Anh) viết trong bức thư tay cảm ơn y bác sĩ chăm sóc mình trong 14 ngày cách ly tại Hà Nội.
Đối với Fadero Olakunle Nicolas (quốc tịch Nigeria), 2 tuần cách ly tại Trường Quân sự thành phố Cần Thơ là quãng thời gian tuyệt vời và mang cho anh nhiều cảm xúc. “Không có gì để phàn nàn. Thức ăn rất tuyệt. Tôi cảm thấy rất biết ơn những người lính đã nhường phòng cho chúng tôi. Họ phải vào rừng sống trong nhiều ngày”, Nicolas nói với Zing.vn.
Thấu hiểu và chung tay đẩy lùi dịch bệnh
Để phục vụ công tác chống dịch Covid-19, nhiều khu ký túc xá (KTX) của trường đại học được trưng dụng thành khu cách ly tập trung, trong đó phải kể đến KTX ĐH Quốc gia TP.HCM tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức.
Những ngày qua, nhiều câu chuyện đẹp, ấm lòng được lan tỏa từ nơi đây.
Đó là hàng trăm sinh viên trước khi thu dọn đồ ra khỏi KTX đã để lại một phần đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm, thậm chí là sách cho tình nguyện viên, người được cách ly. Thậm chí, nhiều sinh viên còn gửi tin nhắn, email cho trường, Ban quản lý KTX để xin được gửi đồ lại trong phòng cho mọi người sử dụng.
Đó là hàng trăm tình nguyện viên gồm bộ đội, giảng viên, nhân viên của trường đã tham gia dọn dẹp phòng ký túc suốt nhiều ngày để trao phòng trống cho công tác cách ly.
Đó là những bức ảnh ghi lại cảnh các nhân viên, đội tình nguyện dùng bữa trên hành lang, trải chiếu nằm ngủ ở sân sau KTX lan truyền trên các diễn đàn khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Những hình ảnh xúc động về sự đóng góp của các tình nguyện viên trong công cuộc chống dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Vũ, ĐH Quốc gia TP.HCM. |
Sau khi Bộ GD&ĐT quyết định trưng dụng KTX ĐH Lao động - Xã hội cơ sở Sơn Tây (Hà Nội), đội ngũ cán bộ, nhân viên của trường được huy động, cùng với nhân công được thuê, đã tới khẩn trương lau chùi, dọn dẹp. Khu KTX trường có 6 tòa nhà, có thể phục vụ khoảng 800 người, bao gồm cả người cách ly lẫn bộ phận phục vụ.
“Giáo viên và lãnh đạo trường cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc khi được góp một phần sức lực trong việc phòng chống dịch. Mỗi chiếc giường, khu bếp, khoảng sân đều đã được dọn dẹp, lau chùi bằng tấm lòng của ĐH Lao động - Xã hội”, thầy Trần Hùng, giảng viên của trường, nói với Zing.vn.
Chị Nguyễn Thanh Thủy tự tay nấu ăn và đem tặng cho cán bộ y tế. Ảnh: NVCC. |
Không chỉ các tổ chức, đơn vị sự nghiệp trong xã hội mới tham gia đóng góp vào công cuộc chống dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã chung tay san sẻ với cộng đồng những khó khăn trong thời gian này.
Mong muốn góp một phần công sức và thể hiện lòng biết ơn đối với đội ngũ y, bác sĩ đang hàng ngày căng mình chống dịch, chị Nguyễn Thanh Thủy, chủ một quán ăn tại Hà Nội, đã nấu 120 suất cơm rồi vận chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) - nơi đang điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19.
Các suất cơm gồm có rau củ quả, thịt, tôm, cơm và canh. Ngoài ra, mỗi phần đều kèm thêm nước hoa quả ép để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Nói với Zing.vn, Thủy cho biết việc làm này xuất phát từ tấm lòng tri ân, ngưỡng mộ các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu.
“Mình hy vọng những phần ăn nóng sốt hàng ngày sẽ là sự động viên, khích lệ tinh thần các y bác sĩ trong cuộc chiến gian khó này”, chị nói.
Đừng than vãn, hãy làm điều tích cực
Trong đợt dịch, những người nổi tiếng như fashionista Châu Bùi, siêu mẫu Võ Hoàng Yến, nam vương Cao Xuân Tài có thể than phiền, kêu ca khi việc đi cách ly tập trung có thể ảnh hưởng tới công việc bận rộn của mình, thế nhưng họ vẫn chọn đối diện với điều này bằng năng lượng tích cực.
Chẳng ai trách sinh viên - những người phải dọn đồ ra khỏi KTX để nhường chỗ cho người cách ly - nếu họ tỏ ra mệt mỏi, khó chịu vì phải tìm nơi ở khác trong thời gian gấp gáp, thế nhưng họ vẫn chọn hành động tốt và làm người tử tế.
Họ đơn giản hành động như bản năng, rằng hãy lễ phép với người lớn, biết cảm ơn và xin lỗi, sống tích cực, giúp đỡ người gặp khó khăn... Đây đều là những bài học đạo đức ai cũng từng nghe trong cuộc sống, nhưng không phải ai cũng nhớ.
Đất nước đang bước vào giai đoạn chống dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, thách thức mới. Giữa đại dịch, mỗi người có 2 lựa chọn: than vãn, đầu hàng khi phải xa cách xã hội, đi cách ly hoặc yêu thương, thấu hiểu, san sẻ cùng cộng đồng để vượt qua.
Nhưng nếu ai lập tức có ý định muốn than phiền, xin mượn lời nhắn nhủ của tác giả Randy Pausch trong cuốn sách “Bài giảng cuối cùng”: “Trong cuộc sống, có quá nhiều người hay than vãn về các vấn đề của họ. Tôi luôn tin rằng nếu bạn lấy một phần mười năng lượng cho việc than vãn để dùng vào việc giải quyết vấn đề, thì bạn sẽ ngạc nhiên thấy công việc trôi chảy”.
Không ai nói rằng con người phải lớn lao, vĩ đại mới có thể làm việc có ích cho cuộc đời. Điều kỳ diệu được khởi nguồn từ những hành động nhỏ nhưng chân thành.
Như W.Clement Stone đã từng nói: “Nếu thực sự có lòng biết ơn, bạn sẽ làm gì? Hãy chia sẻ với mọi người”.