Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quinvaxem hay Pentaxim đều có thể xảy ra biến chứng

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 1 triệu liều Quinvaxem được tiêm, trong khi lượng tiêm Pentaxim chiếm rất nhỏ, xảy ra tai biến trong số 1 triệu liều là khó tránh khỏi.

Tại buổi họp báo về công tác tiêm chủng cũng như tình trạng thiếu hụt vắc xin, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lo ngại, nếu phụ huynh không tiêm chủng mở rộng nữa, dịch sẽ bùng lên.

Để hiểu rõ hơn về việc tiêm phòng vắc xin Quinvaxem và Pentaxim, Zing.vn đã trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai.

Trả lời về tầm quan trọng của vắc xin, bác sĩ Chính cho hay để giảm thiểu khả năng bùng phát dịch bệnh, tỷ lệ tiêm phòng với loại bệnh đó phải đạt ít nhất 80 - 90% số trẻ/số người thuộc đối tượng phải tiêm phòng.

Ảnh minh hoạ: Dương Ngọc.

Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, những trẻ dễ mắc bệnh nhất được xếp theo thứ tự:

Thứ nhất: Trẻ không được tiêm phòng, không có miễn dịch với bệnh.

Thứ hai: Những trẻ được tiêm phòng nhưng không đầy đủ hoặc hiệu giá kháng thể của vắc xin kém.

Tiếp đến là những trẻ được tiêm phòng đầy đủ bằng loại vắc xin có hiệu giá kháng thể phù hợp. Cuối cùng là những trẻ đã mắc bệnh và đã có miễn dịch tự nhiên.

Tuy nhiên vụ việc hỗn loạn chen lấn để tiêm vắc xin dịch vụ Pentaxim tại 182 Lương Thế Vinh hôm 25/12 cho thấy người dân đang quay lưng với Quinvaxem trong khi Pentaxim đang khan hiếm hàng. Lượng cầu vượt gấp nhiều lần số lượng có thể cung cấp.

Điều này có thể dẫn tới hậu quả là hàng triệu bà mẹ không có tiền sẽ không muốn cho con mình đi chích loại miễn phí vì lo sợ, điều đó sẽ dễ dàng bùng lên dịch bệnh khiến trẻ gặp nguy hiểm.

Nên tiêm loại vắc xin nào?

Vắc xin 5 trong 1 của Tiêm chủng mở rộng Quinvaxem ngừa được 5 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, vi khuẩn Hi), trừ bại liệt. Khi trẻ tiêm vắc xin này sẽ được bổ sung thêm uống để ngừa bại liệt.

Vắc xin 5 trong 1 của tiêm chủng dịch vụ Pentaxim có thể ngừa được 5 trong 6 bệnh trên trừ viêm gan B. Trẻ cần bổ sung liều vắc xin viêm gan B đơn sau khi tiêm.

“Tùy vào điều kiện kinh tế, xã hội, năng lực y tế, khí hậu, địa lý và nhân chủng học mà mỗi quốc gia nên chọn một loại vắc xin phù hợp nhất để có thể tạo được miễn dịch cộng đồng đủ mạnh bảo vệ người dân. Nếu không tạo được miễn dịch cộng đồng thì không chỉ một vài chục cái chết được đổ tội cho vắc xin, mà là hàng trăm, hàng nghìn, hàng chục nghìn... người mắc bệnh và tử vong do bệnh dịch”, bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Tai biến là khó tránh khỏi

Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định về chất lượng vào năm 2006 và được phép lưu hành. Hiện nay, vắc xin Quinvaxem sử dụng tại 94 nước trên toàn thế giới với số lượng khoảng 449 triệu liều. Tại khu vực Đông Nam Á, vắc xin này được sử dụng cho các nước Thái Lan, Philipin, Cam pu chia, Lào và Việt Nam. Riêng Việt Nam, từ năm 2010 đến nay đã sử dụng khoảng 24,9 triệu liều vắc xin Quinvaxem.

Trước tình trạng người dân quay lưng vắc xin này, chuyển sang loại dịch vụ, bác sĩ Chính cho hay: “Các loại vắc xin đều có giá trị phòng bệnh, tuy nhiên mỗi loại có kháng nguyên khác nhau. Các vắc xin đều có thể gây phản ứng. Tuy nhiên mũi tiêm dịch vụ sử dụng ở Việt Nam còn ít nên chưa đánh giá được phản ứng. Còn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng mỗi năm tiêm hơn 1 triệu trẻ nên tỷ lệ tai biến khó tránh khỏi”.

Hại chết con vì chạy theo đám đông

“Giờ thì ai cũng xem Quinvaxem, loại vắc xin mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới khuyên dùng là một loại thuốc độc chích vào có thể gây chết người cho con mình, và ai có tiền đều muốn tìm loại tốt hơn cho con mình, kể cả việc bay ra nước ngoài để chích.

Việc chen lấn giành nhau liều vắc xin đắt tiền hiện nay vẫn chưa là nguy hiểm, mà câu chuyện sẽ còn tiếp diễn là hàng triệu bà mẹ không có tiền sẽ không muốn cho con mình đi chích loại miễn phí rẻ tiền vì tủi thân, điều đó sẽ dễ dàng bùng lên dịch bệnh.

Cần biết rằng vắc xin đắt tiền thì ít tác dụng phụ hơn, nhưng sức bảo vệ yếu hơn. Còn loại rẻ tiền thì có nhiều tác dụng phụ hơn nhưng bảo vệ mạnh mẽ hơn. Nên chưa chắc mắc tiền đã là tốt hơn.

Mỗi một ngày, Việt Nam có khoảng 70 trẻ dưới 1 tuổi chết không rõ nguyên nhân, nên việc trùng hợp vào đợt chích vắc xin là bình thường, đừng hiểu lầm! Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO đã tuyên bố an toàn, nên nghe họ hơn là theo đám đông.

Tóm lại, trẻ phải được chích ngừa, miễn phí hoặc dịch vụ tùy người song đừng thiếu hiểu biết chạy theo phong trào chích dịch vụ, trong tình trạng khan hiếm hàng dẫn tới việc chích trễ. Khi đó bạn có thể hại chết con mình”.

Bác sĩ Huỳnh Phước Sang


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm