Nhóm hàng hóa xa xỉ đang ngày càng phát triển tại Arab Saudi. Ảnh minh họa: Arab News. |
Với nền kinh tế ngày càng được đa dạng hóa, kết hợp với lối sống được cải thiện và thu nhập bình quân đầu người tăng cao, Arab Saudi ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ.
Không có gì ngạc nhiên khi các thương hiệu cao cấp toàn cầu như Gucci, Louis Vuitton hay Chanel đều mở cửa hiệu flagship tại vương quốc này. Trong khi đó, Prada, Tiffany cùng Mulberry đã tăng cường sự hiện diện khi khai trương nhiều cửa hàng đơn lẻ, Arab News đưa tin.
Theo báo cáo của Nhóm tư vấn và nghiên cứu phân tích thị trường quốc tế, quy mô thị trường xa xỉ của Arab Saudi đạt 8,3 tỷ USD vào năm 2022. Tập đoàn IMARC dự đoán thị trường sẽ chạm mốc 15,8 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 11,6%.
Yếu tố tác động
Có nhiều yếu tố khiến Arab Saudi nhanh chóng trở thành quốc gia đồ hiệu mới tại châu Á.
Dưới góc nhìn của các nhóm nghiên cứu, nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng xa xỉ rõ ràng đang được thúc đẩy bởi các nhóm giàu có, trong đó phần lớn là Gen Z (sinh năm 1997-2012).
Vương quốc này được biết đến như một thị trường trẻ trung về đa số góc độ, khi dân số thuộc thế hệ Z chạm mốc 8 triệu vào năm 2021.
Wojciech Orlowski, Giám đốc quốc gia của Bateel International tại Arab Saudi, khẳng định các nhà bán lẻ từ thương hiệu tên tuổi liên tục tìm cách thích nghi với sự thay đổi trong sở thích và hành vi của người tiêu dùng trẻ. Nếu không, họ khó thúc đẩy sức mua của lượng khách hàng tiềm năng.
Ngày càng nhiều Gen Z và phụ nữ Arab Saudi chi mạnh tay cho mặt hàng xa xỉ. Ảnh minh họa: The New Yorker. |
Bên cạnh đó, việc thành lập hàng loạt trung tâm thương mại hiện đại cũng cung cấp không gian để mở rộng hoạt động của các nhãn hàng trong khu vực.
“Các nhà bán lẻ cao cấp đang cung cấp lối mua sắm cá nhân hóa nhằm thu hút và giữ chân ‘thượng đế’. Còn nhóm trung tâm thương mại chủ yếu tập trung cung cấp tiện ích như dịch vụ đỗ xe, trợ giúp đặc biệt, nhà hàng ăn uống cao cấp và nhiều dịch vụ mang tính trải nghiệm khác.
Nhờ đó, họ dễ dàng ‘câu kéo’, khiến khách hàng sẵn lòng chi trả nhiều hơn”, Yousef Barghouth, Phó giám đốc đại lý bán lẻ Savills tại Arab Saudi, chia sẻ.
Trong khi đó, Hind Ali, Cố vấn cấp cao của Euromonitor International Dubai, cho rằng vương quốc đang mở rộng cơ sở hạ tầng giải trí, vui chơi và bán lẻ để mở đường cho phong cách sống của người tiêu dùng đẳng cấp thế giới. Đây là lý do quan trọng, mang ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ với nhu cầu sắm sửa xa xỉ phẩm.
Ảnh hưởng văn hóa
Chi tiêu xa xỉ đặc biệt phát triển trong tháng Ramadan, dịp lễ quan trọng với cộng đồng Hồi giáo. Theo Ali, nhóm hàng hóa chăm sóc cá nhân, quần áo và giày dép, đồ trang sức và túi xách sang trọng luôn “thắng đậm” vào dịp này.
Một báo cáo của Euromonitor International, tập trung vào các cơ hội không giới hạn trong sự sang trọng ở Arab Saudi, đã nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của việc tôn vinh văn hóa và di sản địa phương.
“Động lực này đã được chính phủ hỗ trợ nhưng rõ ràng cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu của người tiêu dùng đang phát triển. Điều này đang mở ra và khuyến khích các cơ hội kinh doanh. Nếu biết nắm bắt, các thương hiệu lớn sẽ thu về lợi nhuận ‘khủng’”, Ali nói thêm.
Một cửa hàng Gucci nổi tiếng tại Arab Saudi. Ảnh minh họa: AboutHer. |
Ngoài ra, nhằm quảng bá di sản địa phương và tận dụng sự giàu có của chính mình, Arab Saudi cũng rất chú trọng đến thời trang địa phương.
Năm 2020, vương quốc này thành lập Ủy ban Thời trang nhằm thu hút các nhà thiết kế và thương hiệu quốc tế, đồng thời khuyến khích nhận thức lâu dài về văn hóa riêng.
Đồng thời, theo báo cáo của Bộ Văn hóa Arab Saudi, họ có cơ hội tiềm năng mạnh mẽ để phát triển chuỗi giá trị thời trang cao cấp.
“Đất nước này có tất cả các yếu tố của một trung tâm thời trang. Thời trang cao cấp đang nhanh chóng trở thành biểu tượng của Arab Saudi. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng nhất là học cách khai thác phong cách riêng, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị thời trang cao cấp.
Đồng thời, chúng tôi cũng chuẩn bị xây dựng một studio phát triển sản phẩm mới tại thủ đô Riyadh trong năm 2023. Đây sẽ là một trong những bước tiến quan trọng, đưa lĩnh vực hàng hóa xa xỉ của vương quốc lên một tầm cao mới”, Burak Cakmak, Giám đốc điều hành Ủy ban Thời trang, nói với Arab News.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.