Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Quốc gia duy nhất đi ngược lại xu hướng làm 4 ngày/tuần

Trong khi nhiều nước hướng tới rút ngắn tuần làm việc, chính phủ Hàn Quốc đề xuất tăng thời gian làm việc từ 52 giờ lên 69 giờ/tuần. Động thái này gây ra phản ứng dữ dội.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, xu hướng làm việc 4 ngày/tuần đang được thúc đẩy. Người lao động tiếp tục được khuyến nghị làm việc 80% thời gian, nhưng vẫn không bị giảm lương.

Nghiên cứu được công bố năm 2022 cho thấy cứ 3 người Australia lại có một người sẵn sàng rời bỏ công việc để chuyển đến công ty cho phép làm việc 4 ngày/tuần nhằm cân bằng giữa công việc - cuộc sống tốt hơn.

Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người nhậm chức vào tháng 5/2022, vừa công bố kế hoạch tăng thời gian làm việc tối đa hàng tuần lên 69 giờ ở đất nước này, cao hơn nhiều so với mức trung bình 38 giờ tại Australia, theo News.com.au.

Bị phản đối

Vốn được biết đến với nền văn hóa tham công tiếc việc, kế hoạch của Hàn Quốc được chính phủ tuyên bố là cách để chống lại dân số già và lực lượng lao động suy giảm.

Tuần làm việc 52 giờ lần đầu được giới thiệu vào năm 2018, cho phép người Hàn làm việc thường xuyên trong 40 giờ cộng với 12 giờ làm thêm. Các công ty phải đối mặt với hình phạt nếu thời gian làm thêm vượt quá số giờ tối đa.

Những thay đổi được đề xuất gần đây sẽ cho phép doanh nghiệp tính thời gian làm thêm giờ hàng tháng, quý hoặc năm.

Đảng Dân chủ đối lập, vốn tăng giờ làm cách đây 5 năm, lập luận rằng kế hoạch mới có nguy cơ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp vì có thể cho phép các doanh nghiệp sa thải công nhân và yêu cầu những người ở lại làm việc nhiều giờ hơn.

Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người Hàn Quốc làm việc nhiều hơn so với lao động tại các quốc gia khác, trung bình 1.915 giờ/năm, trong khi ở Mỹ là 1.791 và Australia là 1.614.

Lam viec 4 ngay/tuan anh 1

Hàn Quốc có kế hoạch tăng tổng thời gian làm việc cho phép đối với người lao động từ 52 giờ lên 69 giờ/tuần. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg.

Tổng thống Yoon Suk Yeol hứa hẹn các quy định mới có thể mang lại cho người lao động nhiều thời gian rảnh hơn. Ông cố gắng xóa tan những lo ngại bằng cách nói rằng giới hạn về số giờ làm việc mỗi tháng, quý hoặc năm sẽ được đưa ra.

Các doanh nghiệp bị cấm cho nhân viên làm việc hơn 60 giờ/tuần sau 3 tuần liên tiếp và áp đặt thời gian nghỉ ngơi tối thiểu 11 giờ giữa các ca. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng điều này không ảnh hưởng đến việc kết nối hoặc gửi email sau giờ làm việc.

Bộ trưởng Bộ Lao động Hàn Quốc Lee Jung-sik nhận định: “Hệ thống giờ làm việc hiện tại không đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của người sử dụng lao động và người lao động mà hạn chế sự lựa chọn của họ. Điều này không phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu vốn nhấn mạnh đến quyền được lựa chọn và chăm sóc sức khỏe”.

“Chúng ta có thể giải quyết các vấn đề xã hội nghiêm trọng như lão hóa nhanh và tỷ lệ sinh thấp bằng cách cho phép phụ nữ lựa chọn giờ làm việc linh hoạt hơn”, ông nói thêm.

Các công đoàn tại xứ sở kim chi coi động thái này là “độc hại”. Trong đó, Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc cáo buộc chính phủ “ép người lao động phải làm việc cường độ cao trong nhiều giờ”.

Làm việc quá nhiều giờ có liên quan đến tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc - chỉ ở mức 0,78. Đây là tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thay thế cần thiết là 2,8.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo rằng làm việc hơn 55 giờ/tuần là mối nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe.

Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách đưa kế hoạch này ra Quốc hội vào tháng 7 để phê duyệt.

Đi ngược xu thế

Khi Hàn Quốc tăng thời gian làm việc, nhiều quốc gia, bao gồm Australia, đang xem xét lợi ích của tuần làm việc 4 ngày.

Người Australia có thể sớm được trả lương 100% để làm việc 4 ngày/tuần nếu các đề xuất sâu rộng từ cuộc điều tra của thượng viện được thông qua.

Thượng nghị sĩ Greens Barbara Pocock, người chủ trì cuộc điều tra, kêu gọi chính phủ xem xét nghiêm túc các cải cách “đầy tham vọng” để nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Trong lịch sử, Australia dẫn đầu thế giới về mức cắt giảm trong tuần làm việc vào những năm 1850. Nhưng hiện nay, quá nhiều người Australia làm việc rất nhiều giờ. Chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc hơn về cách ứng phó với lực lượng lao động đã thay đổi”, bà nói với ABC News Breakfast.

Báo cáo khuyến nghị chính phủ thử nghiệm mô hình 100:80:100. Theo đó, người lao động sẽ được trả lương 100% và duy trì năng suất mặc dù chỉ làm việc 80% thời gian trong tuần.

“Chúng tôi đã nghe rất nhiều kết quả tích cực về những người lao động làm việc 4 ngày/tuần. Đó là ​​sự cải thiện về năng suất, cân bằng giữa công việc - gia đình tốt hơn, đồng thời đạt được kết quả thực sự tốt ở nơi làm việc”, Thượng nghị sĩ Pocock cho biết.

Chương trình thí điểm sẽ được triển khai trên toàn lực lượng lao động Australia và được thực hiện với sự hợp tác của một trường đại học.

Lam viec 4 ngay/tuan anh 2

Làm việc 4 ngày/tuần được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho các công ty và người lao động tham gia thử nghiệm. Ảnh: The New York Times.

Công Đảng Australia cam kết cải cách chế độ nghỉ phép có lương của các bậc cha mẹ, giúp những người mới làm cha có thời gian ở nhà dễ dàng hơn. Đến năm 2026, thời gian nghỉ phép có lương của cha mẹ được hy vọng nâng lên tổng cộng 26 tuần, thay vì 20 tuần hiện có.

Đảng Xanh đang thúc đẩy các chính sách mạnh mẽ hơn, bao gồm các khoản thanh toán cho kỳ nghỉ phép và lộ trình rõ ràng để được nghỉ trọn vẹn 52 tuần.

Ủy ban Công bằng Việc làm được đề xuất xem xét ý tưởng về tuần làm việc 38 giờ và liệu các hình phạt nặng hơn có cần thiết đối với những người sử dụng lao động bắt nhân viên làm việc nhiều giờ hay không.

Australia nằm trong số quốc gia tham gia vào thử nghiệm cắt giảm tuần làm việc 5 ngày xuống còn 4 ngày, cùng với New Zealand, Mỹ, Canada, Vương quốc Anh và Ireland.

Trong hơn 10 tháng, gần 1.000 nhân viên tại 33 công ty khác nhau giảm giờ làm việc của họ trung bình 6 tiếng và làm việc ít hơn một ngày trong tuần mà vẫn nhận được mức lương 100%.

Báo cáo cho thấy doanh thu tăng 8% trong thời gian thử nghiệm, nhưng tăng tới 38% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ vắng mặt của người lao động cũng giảm. 67% nhân viên cho biết họ ít bị kiệt sức hơn.

Người lao động cũng cho biết họ ít mệt mỏi hơn, với mức độ giảm từ 66% trước thử nghiệm xuống 57% sau thử nghiệm. Chứng mất ngủ và các vấn đề về giấc ngủ cũng giảm 8%.

Thành công lớn đến nỗi 2/3 doanh nghiệp quyết định duy trì tuần làm việc 4 ngày. Các công ty đánh giá trải nghiệm tổng thể là 9/10, với tỷ lệ nghỉ việc giảm nhẹ và khả năng thu hút người lao động mới cũng tăng lên.

Cuộc thử nghiệm được điều phối bởi nhóm vận động phi lợi nhuận 4 Day Week Global phối hợp với các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge, Cao đẳng Boston và Đại học Oxford.

Trưởng nhóm nghiên cứu Juliet Schor nói với Bloomberg: “Ở nhiều quốc gia, chúng ta có tuần làm việc 5 ngày được ghi nhận từ năm 1938 và không phù hợp với cuộc sống đương đại. Đối với phúc lợi của những người có việc làm, điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết cấu trúc của tuần làm việc”.

Tương lai của làm việc 4 ngày/tuần

Gần như tất cả công ty tham gia thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần ở Anh đều chọn tiếp tục mô hình này, với nhân viên cho biết họ có thể cân bằng công việc - cuộc sống tốt hơn.

Chàng trai bỏ việc văn phòng đi viết sách

Từ năm 2014, khi tham gia một nhóm dành cho người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, Lê Kiên Trung (sinh năm 1993, Hà Nội) tìm thấy những mẩu chuyện và các lưu ý du lịch Việt Nam khá thú vị. Đến năm 2016, anh viết cuốn sách đầu tiên của mình mang tên The Hanoi Digest. Khi trình bày ý tưởng với cấp trên và nói rằng muốn được nghỉ việc, Trung bất ngờ nhận được sự ủng hộ. Điều này càng thôi thúc Trung phát triển cẩm nang du lịch cho người nước ngoài hơn, không chỉ là Hà Nội mà còn là TP.HCM, Hội An, Ninh Bình,...

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm