Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc gia hẻo lánh nhất thế giới lần đầu có máy ATM

Tuvalu - quốc đảo nhỏ bé giữa Thái Bình Dương - vừa lắp đặt máy ATM đầu tiên, đánh dấu bước chuyển mình lịch sử trong hệ thống tài chính của nước này.

Tuvalu có điểm cao nhất chỉ khoảng 4,5 m so với mực nước biển. Ảnh: Reuters.

Tuvalu - thiên đường nhiệt đới nằm giữa Thái Bình Dương - là một trong những quốc gia hẻo lánh nhất thế giới, nổi tiếng với những rạn san hô rực rỡ và nguồn hải sản phong phú.

Nằm giữa Australia và Hawaii, Tuvalu biệt lập đến mức mọi giao dịch - dù là của người dân hay du khách - từ trước đến nay đều được thực hiện bằng tiền mặt. Vì thế, việc quốc gia này chính thức đưa vào hoạt động những cây ATM đầu tiên vào ngày 15/4 vừa qua đã trở thành một sự kiện lớn, CNN Travel đưa tin.

Tại đảo chính Funafuti, Thủ tướng Feleti Teo cùng các quan chức địa phương đã có mặt trước một trong những máy ATM mới để chúc mừng cột mốc lịch sử này. Ông đã trao tặng chiếc máy mới cho đất nước và cùng các quan chức địa phương cắt một chiếc bánh socola khổng lồ nhân sự kiện.

Quoc dao Tuvalu anh 1

Thủ tướng Feleti Teo (thứ hai từ phải sang) và các quan chức ăn mừng lễ lắp đặt máy ATM tại Tuvalu. Ảnh: Chính phủ Tuvalu.

Siose Teo - Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Tuvalu, đơn vị vận hành ATM - gọi đây là một "thành tựu to lớn" và là "bước chuyển đổi mang tính đột phá" giúp "trao quyền kinh tế cho người dân Tuvalu", nơi có dân số chỉ khoảng 11.200 người.

Nisar Ali - đại diện Công ty Pacific Technology Limited, đơn vị thiết kế ATM - chia sẻ với đài ABC (Australia): "Nó chắc chắn sẽ phá vỡ các rào cản, đưa người dân đến gần hơn với các dịch vụ ngân hàng hiện đại và đáng tin cậy".

Tuvalu là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới với 9 hòn đảo nhỏ, có tổng diện tích vỏn vẹn khoảng 26 km2. Rất ít du khách đặt chân tới đây. Theo dữ liệu chính phủ, chỉ hơn 3.000 lượt khách du lịch đến Tuvalu trong năm 2023.

Cả nước chỉ có một sân bay, nằm tại Funafuti, phục vụ vài chuyến bay mỗi tuần từ quốc đảo láng giềng Fiji. Khi không có máy bay nào hạ cánh, đường băng trở thành sân chơi của người dân, từ đá bóng cho đến chơi bóng bầu dục. Giữa các đảo trong nước, người dân di chuyển bằng phà do không có đường bay nội địa.

Với điểm cao nhất chỉ khoảng 4,5 mét so với mực nước biển, Tuvalu cực kỳ dễ tổn thương trước tình trạng nước biển dâng. Đây là một trong những quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi khủng hoảng khí hậu.

Không chỉ làm xói mòn bờ biển, nước mặn còn xâm lấn, làm hư hại diện tích đất nông nghiệp vốn rất hạn chế của quốc gia này. Nhiệt độ ấm lên của biển cũng đe dọa đến hệ sinh thái biển xung quanh.

Tuvalu từng khiến thế giới chú ý vào năm 2021 khi Ngoại trưởng khi đó - ông Simon Kofe - phát biểu tại Liên Hợp Quốc trong khi nước ngập đến đầu gối - nhằm nhấn mạnh nguy cơ biến mất của quốc gia.

Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?

Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.

> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'

Kiểm lâm Thái Lan chết đuối khi tìm điện thoại bị du khách đánh rơi

Một nhân viên kiểm lâm tại Công viên quốc gia Lam Khlong Ngu (Thái Lan) thiệt mạng khi cố gắng nhặt điện thoại di động du khách đánh rơi xuống dòng suối bên trong hang động.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm