Trước những đợt phong tỏa gần đây vì dịch Covid-19, thị trường bán lẻ của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề.
Triển vọng dành các thương hiệu cao cấp trong 6 tháng còn lại được đánh giá là ảm đạm và không mấy khả quan khi so sánh với mức chi tiêu cho hàng xa xỉ nội địa vào năm ngoái, theo Jing Daily.
Tuy nhiên, mảng kinh doanh hàng hiệu xa xỉ đã qua sử dụng trên các sàn thương mại điện tử lại ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Điều này được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng trẻ tuổi, chủ yếu thuộc thế hệ Z (sinh năm 1996 trở về sau), trong bối cảnh đồ second-hand ở Trung Quốc ngày càng phát triển.
Vào năm 2021, người dân nước này đã chi khoảng 73,6 tỷ USD để mua đồ hiệu trong nước, tăng đáng kể so với mức 53,6 tỷ USD trong năm 2020 và gần gấp đôi thời điểm trước đại dịch.
Các đợt đóng cửa diễn ra ở nhiều thành phố là một trong những yếu tố khiến nhu cầu tiêu xài cho các mặt hàng sang trọng chậm lại trong nửa đầu năm 2022.
Ngay cả khi thời kỳ phong tỏa không không bao giờ trở lại, việc chênh lệch giá của các thương hiệu như Louis Vuitton, Celine và Chanel giữa thị trường Trung Quốc với nước ngoài cũng khiến một số người tiêu dùng xem xét lại dự định mua sắm của họ.
Thế nhưng, thái độ của họ với quần áo, đồ dùng cũ lại thay đổi nhanh chóng và cởi mở hơn so với các thế hệ đi trước. Xu hướng mua sắm trực tuyến đã tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường hàng hóa second-hand.
Người tiêu dùng xứ Trung đang chi nhiều tiền hơn cho hàng hiệu đã qua sử dụng. Ảnh: DKSstyle. |
Sự kỳ thị với đồ cũ biến mất
Ngoài có cái nhìn thoáng hơn với hàng hiệu đã qua sử dụng, người mua trẻ tuổi còn thể hiện sự thiếu kiên nhẫn khi ai cũng nóng lòng có được món đồ yêu thích, ngay cả khi chúng là đồ cũ.
Đối với họ, việc có tên trong danh sách chờ của những thương hiệu cao cấp quan trọng hơn. Vì sau này, đó là điều kiện ưu tiên để được mua những chiếc túi hàng đầu tại cửa hàng.
“Người tiêu dùng ở đất nước tỷ dân đã tích trữ một lượng lớn hàng hóa xa xỉ trong những năm gần đây. Trong đó đa số là quà tặng, các sản phẩm của thương hiệu mới và không thua kém đồ xa xỉ mua trong cửa hàng”, Sohu đưa tin.
Trước đó, Sohu cho biết thêm, họ cần có sự may mắn để ghi tên mình trong danh sách dài đằng đẵng hoặc xếp hàng nhiều giờ liền nếu muốn mua những món đồ có phiên bản giới hạn.
Việc người tiêu dùng gen Z chuyển sang sử dụng công cụ trực tuyến để mua đồ second-hand cũng mang lại hy vọng hạn chế xu hướng tăng giá hàng hiệu.
Tuy nhiên, ngay cả khi các gã khổng lồ công nghệ đầu tư nhiều hơn vào nền tảng nội bộ, chẳng hạn như Alibaba’s Idle Fish, thương hiệu quốc tế vẫn chiếm ưu thế và tình trạng hàng giả tràn lan hiện nay vẫn là những thách thức lớn thị trường Trung Quốc.
Về phần các doanh nghiệp nước ngoài, khi tiếp cận xứ Trung, họ sẽ cần phải xem xét những điểm mạnh và sự khác biệt để có thể cạnh tranh với đối thủ trong nước vốn đã có sẵn tiềm lực.
Một nhân viên đang kiểm tra sản phẩm cao cấp đã qua sử dụng cho khách hàng. Ảnh: Bloomberg. |
Không giống như các nền tảng toàn cầu như The RealReal hoặc Vestiaire Collective, cả hai đều có thể mua hàng xa xỉ từ khắp nơi trên thế giới, những ứng dụng của Trung Quốc hoạt động theo mô hình ký gửi, thường lấy nguồn từ những người bán có trụ sở trong nước.
Mặc dù có giá cả phải chăng, hàng tồn kho ổn định, yếu tố tiên quyết đối với người tiêu dùng vẫn là nơi cung cấp dịch vụ tốt nhất. Như Sohu đã chỉ ra, vấn đề lớn nhất với sự phát triển của ngành thương mại điện tử khi kinh doanh hàng cao cấp đã qua sử dụng là mức độ hài lòng của khách hàng.
Họ quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm, chất lượng dịch vụ và sự hưởng thụ tinh thần hơn là ham muốn vật chất. Trong khi đó, điều này rất khó được thỏa mãn thông qua nền tảng trực tuyến.