Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội thảo luận thông qua Hiệp định CPTPP

Trong tuần, Quốc hội chủ yếu tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, bên cạnh đó là thảo luận việc thông qua Hiệp định CPTPP.

Tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 6, Quốc hội xem xét nhiều dự án luật quan trọng như Luật Đặc xá, Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Chăn nuôi, Luật Kiến trúc… Quốc hội cũng cho ý kiến về việc thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cho ý kiến về Hiệp định CPTPP

Theo chương trình, sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Sau đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Hiệp định.

Trước đó vào sáng 2/11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đọc tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết được sự đồng ý của Bộ Chính trị và ủy quyền của Chính phủ, ngày 8/3 tại Chile, Bộ trưởng Công Thương ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với bộ trưởng phụ trách kinh tế của 10 nước.

ky hop thu 6 quoc hoi khoa XIV anh 1
Quốc hội sẽ lần đầu thảo luận về việc thông qua Hiệp định CPTPP. Ảnh: Hoàng Hà.

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho hay việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp nước ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Đến nay, 6 nước đã hoàn thành thủ tục pháp lý về việc phê chuẩn, các nước còn lại đang tiến hành thủ tục nội bộ để phê chuẩn. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ít nhất 6 nước ký kết hoặc ít nhất 50% số nước ký kết đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó.

Xem xét nhiều dự án luật liên quan đến an ninh quốc phòng

Trong sáng 5/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày báo cáo về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Sau đó, Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Ngày 22/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2016 về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Trong Nghị quyết có yêu cầu việc thí điểm cấp thị thực điện tử được thực hiện trong thời hạn 2 năm kể từ ngày 1/2/2017. Chính phủ phải báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết 30/2016 tại kỳ họp cuối năm 2018.

Hiện, có tổng số 46 quốc gia và vùng lãnh thổ công dân được cấp thị thực điện tử Việt Nam.

Cũng trong tuần này, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét các luật liên quan đến an ninh - quốc phòng như Luật Đặc xá (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

ky hop thu 6 quoc hoi khoa XIV anh 2
Nhiều dự luật liên quan đến an ninh - quốc phòng được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Ảnh: Ngọc Duy. 

Chiều 5/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Chiều 6/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Sau đó, đại diện cơ quan trình (Bộ Công an) và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Sáng hôm sau (7/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Chiều 7/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Sau đó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.

Thảo luận Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học

Trong tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến 2 dự án luật quan trọng liên quan đến giáo dục là Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.

Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Sáng 8/11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Chiều 9/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Phát ngôn ấn tượng trong 3 ngày Quốc hội chất vấn 'theo lời hứa'

Trong phiên chất vấn kéo dài 3 ngày (30/10 đến 1/11), 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và có 82 lượt tranh luận về nhiều vấn đề nóng.



Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm