- Mới đây anh gây xôn xao dư luận với phát ngôn: xét về mặt chuyên môn sao Hàn gần như không có tài năng. Câu nói của anh khiến nhiều fan Kpop phản ứng mạnh mẽ, họ nói anh quá cảm tính và quy chụp. Anh giải thích sao về điều này?
- Nếu khán giả xem toàn bộ cuộc trò chuyện trên sóng truyền hình, tôi nghĩ họ sẽ có một cái nhìn khách quan hơn. Vừa qua, những phát ngôn của tôi về nền âm nhạc Hàn Quốc được các phương tiện truyền thông đăng tải chỉ là một lát cắt nhỏ, mà nếu không đặt đúng ngữ cảnh thì người ta có thể hiểu theo một cách khác đi.
Tôi không bao giờ dại dột mà lại nói là cả một nền âm nhạc Hàn Quốc không có tài năng. Nhưng khi người ta trích ra từ một cuộc phỏng vấn, khán giả sẽ hiểu rằng tôi đang nói tất cả các nghệ sĩ Hàn Quốc đều không có tài. Theo tôi, mọi việc chỉ đúng nếu chúng ta hiểu rõ toàn bộ câu chuyện.
Nhóm nhạc SNSD trong một đêm nhạc gần đây được tổ chức tại TP HCM. |
- Các fan Kpop thắc mắc về việc nhạc sĩ Quốc Trung dường như chưa tìm hiểu kỹ về nền công nghiệp giải trí Hàn trước khi nhận lời tham gia talkshow. Ý kiến của anh thế nào?
- Tôi biết rất rõ vì tất cả những điều tôi nói đều lấy bằng chứng ra để chứng minh chứ không thể nói khơi khơi mà bản thân chẳng biết gì. Thứ nhất, tôi đã xem các ca sĩ Hàn hát những gì và hát thế nào. Thậm chí, việc họ sang đây biểu diễn, sản xuất chương trình ra sao, tôi biết thì mới nói như thế.
Tôi từng làm việc với nhiều đối tác phía Hàn Quốc và trong một festival sắp tới, tôi cũng mời nhóm nhạc Hàn sang diễn. Dù vậy, trong một câu chuyện, khi người ta truyền tải không chính xác những điều mình nói sẽ gây nên những hiểu lầm, sai lệch.
- Độc giả của Zing.vn thậm chí còn ví anh giống như Ngọc Trinh vì thích phát biểu gây sốc, anh nghĩ sao?
- Cá nhân tôi cho rằng độc giả có quyền phán xét và nói như thế, còn tôi cũng chẳng bao giờ cần phải thanh minh là mình không nói vậy. Tôi chỉ muốn nhắc lại là, trong chương trình Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật phát sóng trên VTV, tôi và các khách mời nói về vấn đề định hướng cho lớp trẻ và trách nghiệm của người lớn. Nhưng khi chọn đăng tải một phần của câu chuyện, mọi người lại hiểu theo một nghĩa hoàn toàn khác và nghĩ tôi thích gây sốc.
Nếu đã gây sốc thì phải đem lại lợi ích gì. Đằng này, tôi không phải ca sĩ, có nổi tiếng hơn nữa thì cũng chẳng có show. Công việc của tôi hoàn toàn là chuyên môn, tôi làm việc tốt thì các ca sĩ hay nhà sản xuất mời cộng tác. Tôi cũng không phải là nghệ sĩ nổi tiếng đến mức người ta muốn gặp gỡ, giả dụ có chụp ảnh nóng thì chắc cũng không ai xem. Vì vậy, tôi có gây sốc cũng chẳng biết để làm gì.
- Đứng trên tư cách một nhạc sĩ, theo anh, đâu là yếu tố khiến ca sĩ Hàn nổi tiếng trên toàn châu Á?
- Tôi thấy làn sóng Kpop - âm nhạc Hàn Quốc rất thành công về mặt chiến lược và phát triển. Họ biết nhắm vào tâm lý của giới trẻ và được sự hậu thuẫn của nền công nghiệp giải trí văn minh, thuê cả những nghệ sĩ tài năng quốc tế sang cộng tác. Chiến lược làm văn hóa của họ cũng rất bài bản và tính tới tương lai lâu dài, kéo theo sau là việc quảng bá cho các nhãn hàng.
Tôi không muốn nói về nghệ thuật vì nếu so sánh như thế là rất vô cùng. Nhưng tôi có thể khẳng định, những ngôi sao Hàn Quốc không thể so với Madonna hay nhiều nghệ sĩ phương Tây khác. Hình tượng của các ngôi sao âm nhạc phương Tây như châu Âu hay Mỹ thường không giống như Hàn Quốc. Đó là những nghệ sĩ mà bạn sẽ khó lòng mà chạm vào, hay thậm chí là không có cơ hội chụp ảnh cùng. Nhưng với Hàn Quốc thì khác, họ có nhiều cách để tương tác với khán giả và xây dựng những cộng đồng fan đông đảo. Nắm được tâm lý khán giả thì họ sẽ thành công.
Còn nếu xét về âm nhạc, ở đây, tôi nói cụ thể đến những ca sĩ từng sang Việt Nam biểu diễn thì tôi thấy họ rất bình thường. Dễ dàng nhận ra đó không phải là đỉnh cao về âm nhạc hay nghệ thuật, nhưng lại được giới trẻ ưa thích. Tôi nghĩ, các bạn trẻ yêu mến thần tượng của mình không phải chỉ có âm nhạc mà còn cả những thứ khác nữa.
Nhạc sĩ Quốc Trung nổi tiếng là người không ngại nói thẳng, nói thật. |
- Anh nghĩ tài năng sẽ chiếm bao nhiêu % trong thành công của một nghệ sĩ?
- Nhiều nhất chỉ là 50%, đặc biệt trong thời buổi âm nhạc thị trường hóa như hiện nay. Còn lại phụ thuộc vào các yếu tố khác như may mắn hay chiến lượng quảng bá hình ảnh. Bây giờ, nhìn trên mạng xã hội, nghệ sĩ nhiều như nước. Trong những cuộc thi tài năng như The Voice hay Idol của Mỹ, nhiều người hát hay và có người giành giải Quán quân nhưng vẫn không thành công đấy thôi.
- Trên thực tế, những đêm nhạc Hàn Quốc vẫn được giới trẻ hưởng ứng rất nhiệt tình, thậm chí bỏ ra một số tiền không nhỏ để gặp thần tượng. Còn các chương trình trong nước thì lại rất thờ ơ. Anh nghĩ đâu là nguyên do dẫn đến thực trạng này?
- Lỗi không phải tại các bạn trẻ mà do nền âm nhạc của chúng ta có quá ít sự lựa chọn và không có định hướng được cho các bạn trẻ, cũng như có thể chưa đủ tiềm lực để làm ra các sản phẩm chất lượng.
Đời sống âm nhạc của ta quá nghèo nàn, khi có ít sự lựa chọn mà gặp phải một thứ âm nhạc chiều chuộng, dễ nghe, có cộng đồng fan và được gặp thần tượng, được chụp ảnh này kia thì giới trẻ tất nhiên sẽ thích. Nhưng nếu để đánh giá về mặt chuyên môn của các ngôi sao Hàn Quốc sang Việt Nam biểu diễn, tôi nghĩ nên hỏi nhiều nhà phê bình âm nhạc để họ nhận xét với giá trị âm nhạc như vậy có thể nói những người đó là tài năng hay không.
- Anh đánh giá thế nào về sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay?
- Một nền âm nhạc muốn phát triển phải có kế hoạch bài bản, đồng đều, nhưng chúng ta hiện nay lại không có sự tương hỗ ấy. Ca sĩ là người có thu nhập nhiều nhất, trong khi tất cả các vị trí khác đều rất khó khăn, ví dụ như nhạc sĩ, nhạc công... Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền, tác quyền âm nhạc của Việt Nam vẫn còn rất kém.
Trong thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay, các ca sĩ chỉ muốn "đánh nhanh, thắng nhanh", nổi tiếng thật nhanh để có nhiều sô diễn. Từ đó sinh ra những bất cập là thói chộp giật. Tài năng âm nhạc phải có sự khổ luyện trong nhiều năm, còn ở ta thì lại nghĩ phải có câu chuyện này, scandal kia để lên báo.
"Đời sống âm nhạc của chúng ta quá nghèo nàn". |
- Đêm nhạc thường niên Cầm tay mùa hè do anh sản xuất trong năm nay lại không thấy bóng dáng của một diva nhạc nhẹ nào như mọi năm. Anh có thể tiết lộ lý do khiến anh không mời diva Thanh Lam hay Mỹ Linh, Hà Trần ở chương trình năm nay?
- Cầm tay mùa hè không phải là một đêm nhạc chỉ dành cho các diva. Tất nhiên, những số đầu thì tôi cũng cần thu hút cả về danh tiếng lẫn chuyên môn. Mà những tên tuổi như Thanh Lam, Hà Trần... đều hội tụ đủ hết yếu tố này. Ngoài giọng hát, cách làm việc của họ cũng rất chuyên nghiệp và có ý thức trách nghiệm cao. Khi họ đã có thành công, uy tín như vậy thì mình kết hợp với họ sẽ thuận lợi hơn.
Ngoài ra, mỗi năm, đêm nhạc phải có điều gì đó mới mẻ để thu hút khán giả. Hà Trần đã xuất hiện ở chương trình năm ngoái, thêm nữa sẽ rất nhàm. Thanh Lam có album mới là Yêu thì cũng đã diễn rất nhiều rồi. Còn album mới cuối năm mới phát hành thì lại dành để làm tour diễn riêng. Có thể sang năm, tôi sẽ mời Lam quay lại nhưng hiện giờ vẫn chưa biết ý tưởng đấy sẽ như nào.
- Nhiều người cho rằng, cát-xê để mời ca sĩ hải ngoại thường rất "khủng". Việc mời một danh ca như Hương Lan - nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời với Khánh Ly - gây ra khó khăn nào cho anh?
- Chương trình Cầm tay mùa hè không phải là một đêm nhạc hot đến mức có thể trả cho chị Hương Lan một khoản cát-xê khủng. Khi tôi đặt vấn đề mời Hương Lan tham gia chương trình này, chị đã nhận lời tham gia một cách vui vẻ, hỗ trợ hết mình và dành cho ê-kíp sản xuất nhiều sự ưu ái. Không biết mọi người nghĩ thế nào, nhưng thực sự tôi thấy nói chuyện với chị Lan rất dễ.
- Cách đây hơn 10 năm, đêm nhạc Đường xa vạn dặm của anh cũng là một chương trình âm nhạc thể nghiệm và tạo được dấu ấn đối với giới chuyên môn. Lần này, đặt giọng hát quê hương với âm thanh điện tử theo kiểu world music, anh thấy tự tin thế nào trong lần thể nghiệm đầy mới mẻ này?
- Hương Lan là một nữ nghệ sĩ quen thuộc và được yêu thích ở Việt Nam lẫn hải ngoại, nhưng tôi muốn các màn biểu diễn của chị sẽ hấp dẫn hơn và mang một hơi thở mới - hiện đại và phù hợp với nhu cầu thưởng thức âm nhạc của khán giả hiện nay. Trong đêm nhạc cũng sẽ có một vài tiết mục liên quan tới vấn đề biển đảo, tình yêu quê hương, đất nước, mang tới sự liên kết cộng đồng với cảm xúc của khán giả.