Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post về tình trạng lừa đảo bằng tình cảm qua mạng tại Hong Kong mà đối tượng chủ yếu là các phụ nữ trung tuổi.
Một phụ nữ trung niên ở Hong Kong đã bị lừa 28 triệu đôla Hong Kong (khoảng 3,6 triệu USD) trong một vụ lừa đảo tình, tiền. Đây là vụ án lớn nhất được ghi nhận tại đây trong năm 2019.
Người phụ nữ 53 tuổi này nằm trong số 594 nạn nhân của những kẻ lừa đảo bằng tình cảm với tổng số tiền lên tới 218 triệu đôla Hong Kong (khoảng 28 triệu USD) trong năm ngoái, theo South China Moring Post.
Kẻ lừa tình, tiền chỉ bị bắt khi người phụ nữ làm đơn trình báo tới cảnh sát. Theo nguồn tin của cảnh sát, kẻ lừa đảo đóng giả là một doanh nhân sống tại nước ngoài và kết bạn với bà trên Facebook vào cuối năm 2015.
Sau khi tạo mối quan hệ, người đàn ông nói công việc kinh doanh của mình gặp rắc rối và đang bị bắt. Hắn nhờ người phụ nữ chi trả giúp tiền thuế.
Sau đó, người phụ nữ đã chuyển 28 triệu đôla Hong Kong cho "bạn trai" qua hơn 100 giao dịch trong khoảng 3 năm.
Nhiều phụ nữ Hong Kong là nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng xã hội. Tranh: Jump4lovescam. |
Cảnh sát Hong Kong cho biết trung bình cứ hai ngày sẽ có 3 người là nạn nhân của kiểu lừa đảo này. Trong tháng 1 năm nay, những kẻ lừa đảo đã thực hiện 43 vụ, lấy 1,9 triệu USD so với 44 vụ và 1,5 triệu USD vào cùng kỳ năm ngoái.
Theo cảnh sát, đàn ông chiếm chưa đến 10% số nạn nhân trong các vụ lừa đảo bằng tình cảm qua mạng vào năm 2019. Người trẻ nhất là một cậu bé 16 tuổi đã gọi cảnh sát vào tháng 10 năm ngoái sau khi bị bạn gái lừa 3.700 USD.
Năm 2018, cảnh sát Hong Kong cũng đã xử lý 596 báo cáo về các vụ lừa đảo bằng tình cảm qua mạng khiến các nạn nhân bị lừa khoảng 5,7 triệu USD. Trong năm 2017, 235 nạn nhân tương tự đã mất 14 triệu USD.
Vụ lừa đảo lớn nhất theo hình thức này từng được ghi nhận thuộc về trường hợp của một nữ doanh nhân 66 tuổi vào tháng 8/2018. Trong hơn 4 năm, bà đã chuyển khoảng 23 triệu USD cho một "kỹ sư người Anh".
Kẻ lừa đảo thường giả làm sĩ quan quân đội, thương nhân hoặc chuyên gia ở nước ngoài như phi công, kỹ sư hoặc bác sĩ và phát triển mối quan hệ tình cảm với các mục tiêu của mình. Ảnh: Dreamstime. |
Trước đó vào tháng 2/2018, một phụ nữ 56 tuổi đã gọi cảnh sát sau khi bị cuỗm mất 3,3 triệu USD bởi một kẻ lừa đảo giả làm nhà phân tích tài chính ở Malaysia.
Những vụ này đều có điểm tương đồng: Kẻ lừa đảo sẽ kết bạn với các mục tiêu trên các trang web hẹn hò hoặc mạng xã hội và không bao giờ gặp trực tiếp nạn nhân.
Phía cảnh sát cũng cho biết những kẻ lừa đảo thường đóng giả làm sĩ quan quân đội, thương nhân hoặc chuyên gia ở nước ngoài như phi công, kỹ sư hoặc bác sĩ và phát triển mối quan hệ tình cảm với các mục tiêu của mình trước khi bịa ra những lý do khác nhau để lừa tiền các nạn nhân.
Đó có thể là chuyện kinh doanh làm ăn thua lỗ, tai nạn giao thông hoặc cần tiền để xử lý chuyện nhận tài sản thừa kế. Đôi khi những gã bạn trai "ảo" nói đã gửi quà đắt tiền cho nạn nhân nhưng bị kẹt tại cửa hải quan và yêu cầu họ trả một khoản phí để giải quyết trước khi nhận quà.
Theo cảnh sát, để tránh trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo này, người dân không nên tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội, cẩn thận khi gặp gỡ người mới quen trên mạng và thận trọng khi bên kia yêu cầu trợ giúp về tiền bạc.