Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quy định liên thông làm khó người học

Sinh viên mới tốt nghiệp CĐ muốn học lên ĐH cũng không được mà phải gián đoạn một thời gian để lấy chứng chỉ hành nghề. Đó là rào cản lớn trong đào tạo liên thông khối y dược.

Phân luồng giáo dục sau THCS là chủ trương lớn của Nhà nước nhưng những quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, CĐ với trình độ ĐH đang tạo ra những rào cản với người học.

Hết 36 tháng lại đòi chứng chỉ hành nghề

Tháng 12/2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 55 quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH. Trong thông tư này, Bộ GD&ĐT quy định người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, CĐ nghề sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH.

Trường hợp chưa đủ 36 tháng phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD&ĐT tổ chức hằng năm.

Quy định này bị các chuyên gia giáo dục cho là bất hợp lý, là rào cản con đường học lên cao của người học và khiến nhiều trường không tuyển sinh được. Hơn 2 năm sau, Bộ GD&ĐT buộc phải điều chỉnh bỏ quy định này.

Ngày 31/5, Chính phủ có quyết định quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, CĐ với trình độ ĐH. Quyết định này quy định người có bằng tốt nghiệp trung cấp đăng ký tuyển sinh liên thông lên trình độ ĐH được dự tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp THPT ở kỳ tuyển sinh vào ĐH hằng năm của cơ sở giáo dục ĐH.

Đặc biệt, quyết định quy định đối với đào tạo liên thông CĐ lên ĐH khối ngành sức khỏe, chỉ áp dụng thi tuyển sinh riêng đối với người đã có chứng chỉ hành nghề và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với điểm thi mỗi môn phải đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10.

Quy dinh lien thong anh 1
Học viên muốn liên thông lên CĐ, ĐH ngành y dược phải có chứng chỉ hành nghề. Ảnh: Tấn Thạnh /Người Lao Động.

TS Tô Hoài Thắng, Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp, ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng quyết định ký tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về việc muốn lấy chứng chỉ hành nghề để thi liên thông thì phải làm sao, lộ trình như thế nào, ai sẽ cấp chứng chỉ này và điều kiện cấp là gì? Việc này khiến các em đang theo học khối ngành sức khỏe hoặc mới tốt nghiệp muốn liên thông ngay đang hoang mang.

TP.HCM có hướng dẫn quy trình cấp chứng chỉ hành nghề y cụ thể 6 bước. Để được cấp, người tốt nghiệp phải có 9 tháng thực hành tại các cơ sở y tế, đối với bác sĩ phải là 18 tháng.

Sau đó, cơ sở này sẽ xác nhận tay nghề. Muốn được cấp thẻ, những người làm việc sẽ nộp văn bằng, giấy này và các giấy tờ cần thiết khác về sở y tế địa phương để xin cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên theo đại diện các trường, thực tế rất khó để lấy được chứng chỉ này.

Nên sửa đổi điều kiện liên thông

Đại diện một trường ĐH cho rằng yêu cầu thí sinh phải có chứng chỉnh hành nghề mới được thi liên thông lên ĐH là làm khó người học. Sinh viên mới tốt nghiệp CĐ muốn học tiếp lên ĐH cũng không được mà buộc phải gián đoạn một thời gian để lấy chứng chỉ hành nghề, việc này chẳng khác gì quy định sau tốt nghiệp 36 tháng mới được liên thông như Thông tư 55 trước đây.

Về phía các trường ĐH cũng không có nguồn tuyển đủ điều kiện trong kỳ tuyển sinh liên thông năm nay bởi quy định ký ngày 31/5 và có hiệu lực từ ngày 15/7 thì thí sinh không đủ thời gian để học chứng chỉ hành nghề.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng khối ngành sức khỏe là khối ngành đặc thù nên cũng cần một số quy định riêng. Việc quy định thí sinh phải có chứng chỉ hành nghề mới được thi liên thông lên ĐH đồng nghĩa với việc phải có kinh nghiệm thực tế.

TS Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng CĐ Bách Việt TP.HCM, cho rằng những học sinh tốt nghiệp trung cấp thi liên thông lên ĐH phải thi chung kỳ thi THPT quốc gia là khó khăn rất lớn cho các em.

Về quan điểm của những người đào tạo đã đưa ra cách tổ chức đào tạo theo tín chỉ thì nên tận dụng để khuyến khích đối với người học có được tâm lý và điều kiện để theo học suốt đời, nâng cao trình độ.

Vì vậy, nên tạo điều kiện cho người học hơn là đưa ra những biện pháp hạn chế họ.

"Trách nhiệm quản lý chất lượng thuộc về người quản lý đào tạo chứ không phải trách nhiệm của người học để cho ra những điều kiện hạn chế đối với việc liên thông", TS Thành nói.

Ông đề nghị nên sửa đổi điều kiện liên thông để tạo điều kiện hơn nữa cho người học. 

Nên thi đánh giá năng lực tại trường

TS Tô Hoài Thắng cho rằng việc yêu cầu học sinh tốt nghiệp trung cấp khi liên thông phải thi kỳ thi THPT quốc gia là một rào cản để các em có thể học tiếp.

"Chính sách liên thông là dành cho những người có trình độ thấp, đã có kinh nghiệm làm việc, muốn nâng cao trình độ. Vì vậy, họ nên được tham dự kỳ thi đánh giá chuyên môn do trường ĐH tổ chức như lâu nay các trường vẫn làm. Trong kỳ thi đó, chắc chắn trường ĐH phải đưa ra các yêu cầu phù hợp, ai vượt qua được thì mới trúng tuyển", TS Thắng nêu ý kiến.

Cán bộ lớp liên thông khẳng định không thu tiền 'đi thầy'

Ban cán sự lớp 04 liên thông DHV, Quản lý đất đai 1 hệ vừa học vừa làm, Đại học Tài nguyên và Môi trường khẳng định không có chuyện thu tiền để "đi thầy" như sinh viên phản ánh.


http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/quy-dinh-lien-thong-lam-kho-nguoi-hoc-20171109215431763.htm

Theo Huy Lân / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm