"Tôi chưa bao giờ nói với các giáo viên chăm sóc trẻ rằng quy định khiến mình thêm phiền vì không muốn gây sóng gió. Nhưng điều đó thật quá kỳ lạ", một người mẹ cho biết.
Khi đón con từ nhà trẻ, cô luôn nhận được một chiếc túi chất đầy 3-4 chiếc tã lót bẩn. Người này vứt ngay chiếc túi vào sọt rác khi vừa về đến nhà.
"Tại sao tôi phải đưa những thứ này về nhà?". Người phụ nữ gửi con gái hai tuổi tại một trung tâm chăm sóc ban ngày ở Kyoto, nơi chính quyền thành phố đã có quy định buộc phụ huynh mang tã bẩn về nhà từ năm 2011, theo Mainichi.
Nhiều nhà trẻ ở Nhật yêu cầu phụ huynh mang tã bẩn về nhà. Ảnh: AFP. |
Baby Job, công ty hỗ trợ trẻ em tại Osaka chuyên cung cấp tã lót cho các dịch vụ chăm sóc trẻ em công cộng, đã khảo sát 1.461 địa phương có trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày và thấy gần 40% áp dụng quy tắc này.
Tỉnh Shiga là nơi có nhiều nhà trẻ áp dụng quy định nhất với 89% cơ sở mẫu giáo yêu cầu cha mẹ mang tã của con về nhà. Tỷ lệ này ở Tokyo và Okinawa lần lượt là 17% và 5%.
Các cơ sở đưa ra một số lý do, trong đó hầu hết đều nói rằng quy định giúp phụ huynh có cơ hội kiểm tra sức khỏe của con mình bằng cách xem xét chất thải. Một số lại cho biết họ không có đủ phương tiện hoặc ngân sách để tự vứt bỏ, xử lý tã lót bẩn.
Yukinori Abe, một quan chức ở thành phố Fukuoka cho biết: "Chúng tôi muốn phụ huynh theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, chẳng hạn như số lần con đi vệ sinh. Người giám hộ mua bút màu và các vật dụng khác được sử dụng bởi từng trẻ em tại trung tâm… Đối với tã lót cũng vậy, phụ huynh sẽ chịu chi phí tiêu hủy".
Trong khi đó, Yuiko Fujita, giáo sư xã hội học tại Đại học Meiji, cho biết chính sách này phản ánh cách tiếp cận lỗi thời của xã hội Nhật Bản đối với việc chăm sóc trẻ em.
"Quy định được áp dụng rộng rãi vì xã hội Nhật Bản có ít nhận thức về việc cùng nhau nuôi dạy trẻ nhỏ. Quan niệm rằng trách nhiệm của người mẹ trong việc chăm sóc con cái, kể cả chất thải của chúng, đã bắt nguồn từ sâu xa".
Trong bối cảnh số lượng ca sinh ở Nhật Bản giảm xuống mức thấp kỷ lục 810.000 vào năm ngoái, sự tức giận của các bà mẹ đi làm về việc thiếu các cơ sở chăm sóc trẻ em đã khiến chính quyền các địa phương phải xây dựng thêm nhiều trung tâm chăm sóc ban ngày công lập.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số lượng trẻ em chờ đến trường mầm non ở Tokyo đã giảm xuống còn khoảng 300 trẻ, so với hơn 8.500 cách đây 5 năm, trong khi 80% thị trấn và thành phố không còn danh sách chờ đi học.