Quy định mới của Bộ GDĐT khiến sinh viên toát mồ hôi
Sinh viên liên thông muốn lên trình độ CĐ hoặc ĐH chính quy phải dự kỳ thi tuyển sinh cùng các em bậc phổ thông với 3 môn, điều này khiến không chỉ học trò mà nhà trường cũng "đau đầu".
Từ ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH vừa được Bộ GDĐT công bố sẽ có hiệu lực.
Một trong những yêu cầu mới đáng chú ý nhất là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng khi thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH hệ chính quy phải dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cùng với học sinh phổ thông.
Theo quy định mới, các đối tượng trên phải dự thi 3 môn gồm: một môn cơ bản, môn cơ sở ngành và chuyên ngành (hoặc thực hành nghề).
Quy định mới khiến giấc mơ đại học của nhiều sĩ tử càng trở nên xa vời. |
Những người chưa có bằng đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GDĐT tổ chức hằng năm. Việc tổ chức tuyển sinh, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển được thực hiện theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hiện hành.
Choáng váng vì phải thi như chính quy
Lâu nay, với không ít học viên, việc học liên thông từ bậc trung cấp lên CĐ, ĐH có nhiều ưu thế vượt trội so với việc “chạy đua” trực tiếp vào ĐH. Với cách học liên thông, cũng chỉ sau khoảng 5 năm là sinh viên đã có cơ hội lấy bằng ĐH chính quy.
Vì vậy, con đường học liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng để có được bằng đại học đang trở thành sự lựa chọn của khá nhiều bạn trẻ. Vì vậy, không ít học sinh, sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng đang “nuôi mộng” học lên cao hơn thật sự choáng váng với quy định mới này.
Nguyễn Thị Mai - sinh viên trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội - rất bất ngờ khi biết thông tin về quy định mới trong việc thi liên thông. “Em thi đại học 2 năm đều thiếu nửa điểm nữa mới bằng điểm sàn, nên đã quyết định vào học cao đẳng rồi sẽ thi liên thông lên đại học, năm nay là em tốt nghiệp, dự kiến thi liên thông luôn.
Trong thời gian qua em cũng đã rất cố gắng học tập, có cả học bổng, mục tiêu của em là thi tiếp đại học ngay sau khi học xong cao đẳng nên em không hề chuẩn bị tâm lý sẽ đi tìm việc sau khi tốt nghiệp. Bây giờ muốn học ngay thì tháng 7 này phải thi kỳ thi đại học.
Hết phổ thông thi ngay còn trượt đại học nữa là 3 năm nay chẳng ôn lại, em cũng quên gần hết kiến thức phổ thông rồi. Còn đi tìm việc làm trong 3 năm nữa mới thi tiếp, khéo lúc đó kiến thức chuyên ngành cũng chẳng còn mấy, chưa kể có thể có nhiều chuyện khác xảy ra. Mục tiêu đại học của em bây giờ xem ra rất khó đạt” – Mai buồn rầu chia sẻ. Mai cũng cho biết không ít bạn của em có cùng ý định thi liên thông đại học trong năm tới cũng đang hết sức thất vọng.
Bà Trần Kim Phượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng ASEAN - khi nhận xét về quy định mới trong việc học liên thông cũng cho rằng vấn đề cốt lõi của quy định này là để đảm bảo chất lượng đào tạo, cũng là sự sống còn của các trường.
Tuy nhiên, bà Phượng lo lắng rằng quy định yêu cầu sinh viên muốn học liên thông phải thi 1 năm có một lần, lại thi cùng với học sinh phổ thông là không thực tế. “Tại sao chúng ta cứ đòi hỏi xã hội hóa mà lại hạn chế như thế? Thực tế là những sinh viên trượt đại học thì mới vào trung cấp, cao đẳng. Học mấy năm rơi hết kiến thức rồi mà lại bắt đi thi cùng đợt với học sinh mới tốt nghiệp phổ thông là bất hợp lý” – bà Phượng nhấn mạnh.
Trường cũng “không vui”
Cũng theo quy định mới, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học của cơ sở giáo dục đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm của cơ sở giáo dục đại học.
Vài năm nay, khi gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, để cứu vãn tình hình, không ít trường đại học đã phải đề nghị Bộ GDĐT cho chuyển chỉ tiêu chính quy sang chỉ tiêu liên thông từ chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy sang hệ liên thông hoặc vừa làm vừa học, sao cho tổng chỉ tiêu điều chỉnh không thay đổi so với chỉ tiêu đã xác định. Với quy định mới “chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy”, lãnh đạo một trường đại học ngoài công lập chua chát nhận định bộ tiếp tục chặn nốt “đường sống” của trường.
Bên cạnh đó, so với các quy định trước đây Bộ GDĐT siết chặt hơn rất nhiều, từ điều kiện mở ngành đào tạo liên thông cho đến hình thức dự thi liên thông. Bộ GDĐT sẽ công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ các cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đào tạo liên thông. Lãnh đạo Bộ GDĐT cũng cho biết, đối với các khóa tuyển sinh đào tạo liên thông trước thời điểm ngày 7/2/2013, cơ sở giáo dục ĐH thực hiện đào tạo liên thông theo các quy định đang có hiệu lực. Tuy nhiên các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát đảm bảo các điều kiện tổ chức đào tạo liên thông quy định theo thông tư mới báo cáo Bộ GDĐT trước ngày 30/6/2013.
Theo Lao Động