Nhiều phụ huynh giới hạn nghiêm ngặt về thời gian trẻ xem màn hình. Ảnh: Pexels. |
"Thực tế, quan điểm cắt giảm hoàn toàn thời gian sử dụng màn hình sẽ tốt hơn cho trẻ em có thể gây hại nhiều hơn lợi ích", TS Christensen, nhà tâm lý học và nghiên cứu viên tại SRI International, California, nói với CNBC Make It.
Một số tổ chức y tế khuyến nghị giới hạn nghiêm ngặt thời gian sử dụng màn hình của trẻ. Ví dụ, trẻ từ 2-5 tuổi chỉ nên xem màn hình dưới 1 giờ/ngày.
Tuy nhiên, theo TS Christensen, việc xem nội dung giáo dục chất lượng cao lại có lợi cho sự phát triển của trẻ, giúp chúng học hỏi các kỹ năng quan trọng và trí tuệ cảm xúc - những yếu tố then chốt để trẻ phát triển thành công.
Bên cạnh đó, thời gian con cái sử dụng màn hình hợp lý cũng giúp cha mẹ bận rộn có thêm khoảng trống cho việc nhà, công việc hoặc đơn giản là thư giãn vài phút.
Thông điệp của TS Christensen là không có quy tắc cứng nhắc về thời gian trẻ em sử dụng màn hình, miễn là phụ huynh chủ động lựa chọn nội dung phù hợp cho chúng.
Màn hình "tốt" cho trẻ
TS Christensen định nghĩa "thời gian sử dụng màn hình tốt" là nội dung "kích thích trẻ suy nghĩ, trao đổi và thậm chí truyền cảm hứng cho việc vui chơi sáng tạo", bất kể là chương trình truyền hình hay video YouTube. Trong danh sách nội dung chất lượng cao, giáo dục đứng đầu.
"Chúng tôi tìm kiếm những video có mục đích giáo dục", TS Christensen chia sẻ.
Năm 2021, nghiên cứu của SRI do bà dẫn đầu cho thấy học sinh lớp 1 đã học được kỹ năng đọc viết và toán học, đồng thời cải thiện khả năng giải quyết vấn đề sau khi xem nội dung giáo dục của PBS Kids, cụ thể là series "Molly of Denali", chỉ một giờ/ngày trong vòng 9 tuần.
Hiện, nhiều video trực tuyến tập trung vào nội dung ít bổ ích hơn, nhưng cố gắng nhồi nhét một chút giá trị giáo dục. Vì vậy, TS Christensen khuyên phụ huynh nên hướng trẻ đến nội dung có việc học là một phần của câu chuyện hoặc ý chính.
Nội dung khuyến khích trẻ tham gia tương tác cũng rất hữu ích, chẳng hạn như các nhân vật đặt câu hỏi để trẻ trả lời thành tiếng.
"Tôi biết việc nghe nhân vật hoạt hình hỏi con bạn 'Đây màu gì?' hoặc 'Bạn nghĩ gì?' có thể gây khó chịu. Nhưng chúng tôi thích điều đó. Là nhà nghiên cứu, chúng tôi muốn thấy bất cứ điều gì khiến trẻ tương tác với chương trình hoặc gợi ý cho trẻ những hoạt động khác liên quan", TS Christensen nói.
Ngoài nội dung giáo dục, nội dung khuyến khích tương tác xã hội và chơi sáng tạo cũng hữu ích cho sự phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ.
"Thời gian sử dụng màn hình tốt là thời gian kết nối trẻ với mọi người hoặc thế giới xung quanh theo một cách nào đó, ngay cả khi đó không phải là một chương trình giáo dục rõ ràng", vị chuyên gia kết luận.
Cha mẹ có thể biến thời gian sử dụng màn hình thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của con. Ảnh: Pexels. |
4 lời khuyên dành cho cha mẹ
Chấp nhận rằng màn hình có thể là công cụ hỗ trợ nuôi dạy con hiệu quả, đồng thời xác định nội dung tích cực là bước đầu tiên để cha mẹ thay đổi cách tiếp cận thời gian sử dụng màn hình của trẻ, theo TS Claire Christensen. Dưới đây là một số mẹo hữu ích:
Giải thoát cảm giác tội lỗi: Cha mẹ không nên cảm thấy tội lỗi khi con xem chương trình giáo dục yêu thích. Thay vào đó, hãy coi đó là một cơ hội để trẻ học hỏi và phát triển.
Chủ động: Không cần quá căng thẳng về việc giới hạn thời gian cụ thể, nhưng chắc chắn bạn không muốn con xem TV hoặc máy tính bảng cả ngày, đặc biệt là khi nó ảnh hưởng đến các hoạt động cần thiết khác.
Bạn có thể tạo thói quen xem nội dung phù hợp bằng cách lên lịch trước. Tìm hiểu trước những gì con muốn xem, để bạn có thể chọn những chương trình và video cụ thể thay vì để con tự do "lướt" màn hình.
"Nếu chúng ta không lên kế hoạch trước và chuẩn bị sẵn máy tính bảng với chương trình yêu thích, trẻ sẽ xem được những thứ mà phụ huynh không bao giờ nghĩ tới. Vì vậy, hãy chuẩn bị và chủ động", TS Claire Christensen nhấn mạnh.
Đặt những câu hỏi mở: Nghiên cứu cho thấy trẻ em học tốt nhất khi tương tác với người lớn. Nếu có thể, cha mẹ hãy xem cùng con và chủ động đặt những câu hỏi mở về những gì con đã học được hoặc những gì con thích về các chương trình.
"Cha mẹ là công cụ học tập lớn nhất của con cái. Trẻ em có thể không hiểu hoặc không biết cách áp dụng những thứ học được từ màn hình vào cuộc sống. Vì vậy, giúp con kết nối giữa màn hình và thế giới thực sẽ giúp chúng học hỏi hiệu quả hơn nhiều", vị chuyên gia nói.
Khuyến khích sự kết nối của trẻ với các nhân vật cụ thể: Khi trẻ phát triển mối liên hệ với các nhân vật cụ thể, chúng sẽ có xu hướng chú ý và học hỏi nhiều hơn từ nội dung đó.
Bằng cách thay đổi cách tiếp cận, cha mẹ có thể biến thời gian sử dụng màn hình thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của con. Hãy nhớ, chìa khóa nằm ở việc chủ động, chọn lọc nội dung và tạo dựng tương tác tích cực giữa con và màn hình.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.