Khác với trước đây, công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm ở thời điểm này đã tiến bộ hơn rất nhiều, tỷ lệ thành công cao cùng sự đảm bảo về mặt di truyền, sức khỏe bào thai.
Trường hợp nào nên áp dụng IVF?
Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi tới bệnh viện thăm khám, các cặp vợ chồng sẽ nhận được chỉ định từ bác sĩ nếu buộc phải can thiệp IVF.
Chỉ định với chồng:
Trường hợp đầu tiên được chỉ định áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là số lượng tinh trùng của người chồng quá ít, không đủ để thụ tinh tự nhiên. Những trường hợp này thường không đủ tinh trùng bơm vào buồng tử cung để thụ thai.
Trường hợp thứ 2 là người chồng không có tinh trùng. Lúc này, các bác sĩ sẽ cần kiểm tra cụ thể bộ phận tinh hoàn.
"Nếu chức năng của tinh hoàn tốt, vẫn có sự sản sinh tinh trùng, vì một lý do nhất định gây tắc nghẽn hoặc tình trạng khác khiến người chồng xuất tinh không tinh trùng, chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật như chọc, hút mào tinh, sinh thiết tinh hoàn để lấy tinh trùng và dùng cho IVF", bác sĩ Nga giải thích.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Quốc Toàn. |
Ngoài ra, sau khi xét nghiệm, dù số lượng và tinh dịch đồ bình thường, phân mảnh ADN quá cao cũng có thể ảnh hưởng quá trình thụ tinh.
Chỉ định với vợ:
Thông thường, những bệnh nhân nữ được chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm khi đã trải qua các kỹ thuật đơn giản khác như bơm tinh trùng nhiều lần vẫn không thể mang thai.
Trường hợp phổ biến khác là 2 vòi tử cung của người vợ bị tắc. Lúc này, tinh trùng và trứng sẽ không thể gặp nhau để thụ tinh bằng phương pháp tự nhiên hoặc bơm tinh trùng. Do đó, các bác sĩ sẽ phải hỗ trợ bằng IVF.
Các bước để IVF thành công
Bước 1:
Các cặp vợ chồng khi đến bệnh viện sẽ được thăm khám nhằm chẩn đoán tình hình tổng quan. Đây cũng là thời điểm các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định có cần áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hay không.
Sau khi có chỉ định, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu tinh trùng (của chồng) và noãn (của vợ) để đánh giá chất lượng.
Bác sĩ Nga chia sẻ: "Chúng tôi có những tiêu chí đánh giá chất lượng của noãn và tinh trùng theo Hội Hỗ trợ sinh sản. Đặc biệt, với sự tiến bộ của công nghệ IVF hiện nay, các bác sĩ có thể chọn lọc tinh trùng hình dạng bình thường, di động tốt để bơm vào noãn".
Bác sĩ Nga thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân cần hỗ trợ sinh sản. Ảnh: Quốc Toàn. |
Ở phương pháp IVF cổ điển, sau khi trải qua bước lọc rửa, tinh trùng được cho tiếp xúc trực tiếp và tự thụ tinh với noãn mà không có sự lựa chọn.
Bước 2:
Sau khi có kết quả xét nghiệm bình thường, cặp vợ chồng sẽ được bắt đầu chu kỳ kích thích buồng trứng. Lúc này, các bác sĩ sẽ lên phác đồ cụ thể cho bệnh nhân. Quá trình này sẽ giúp noãn trưởng thành trước khi được sử dụng.
Bước 3:
Khi noãn đạt ngưỡng trưởng thành, các bác sĩ sẽ chọc, hút và lấy noãn của người vợ ra ngoài. Đồng thời, người chồng cũng được yêu cầu lấy và xử lý tinh trùng. Ngay sau đó, tinh trùng của chồng được thụ tinh với noãn.
Nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng tinh trùng tối ưu, bác sĩ Nga khuyến cáo nên kiêng quan hệ tình dục trong khoảng 3-5 ngày trước khi xét nghiệm tinh dịch đồ hoặc lấy tinh trùng.
Bước 4:
Sau khi tinh trùng và noãn thụ tinh thành công, phôi thai sẽ hình thành. Các bác sĩ lựa chọn duy nhất một phôi tốt để nuôi trong 5 ngày. Việc chọn một phôi sẽ giúp các cặp vợ chồng tránh tình trạng đa thai. Những phôi thai còn lại sẽ được trữ đông để thụ thai cho lần tiếp theo nếu bệnh nhân có nhu cầu.
Bước 5:
Quá trình thụ tinh nhân tạo sẽ kết thúc sau 5 ngày nuôi, phôi được trữ đông ở điều kiện -196 độ C và chờ bơm vào người vợ khi đạt điều kiện thích hợp nhất.
Theo Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, nhờ những sự tiến bộ trong công nghệ, IVF hiện có tỷ lệ mang thai thành công tăng so với trước đây, đạt 60-65%. Các phác đồ hiện cũng ngắn ngày và thân thiện với bệnh nhân hơn, tránh ảnh hưởng tâm lý của các cặp đôi.