Quy trình tiêm filler ra sao?
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhận định, việc lựa chọn bất kỳ phương pháp nào là lựa chọn của bệnh nhân trên cơ sở hiểu rõ và nắm được mặt lợi – hại của từng phương pháp. Trách nhiệm của bác sĩ là cung cấp kiến thức và giải thích rõ cho họ.
Về phương pháp tiêm filler, ông đánh giá đây là cách làm đẹp an toàn nếu đảm bảo tuân thủ quy tắc, liều lượng và đối tượng sử dụng nhất định. Ngược lại, chúng có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, thậm chí tử vong.
So với phẫu thuật, tiêm chất làm đầy đơn giản hơn. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được sát trùng và tiêm sát sương.
Theo đó, bác sĩ dùng một mũi tiêm siêu nhỏ để đưa filler vào những vị trí muốn cải thiện như sống mũi, chóp mũi, cạnh mũi, môi, mí mắt, viền mắt, ngực, mông…
Các phân tử hyaluronic có trong filler lúc này sẽ đổ đầy các thể tích mô giúp vị trí được tiêm đầy hơn, cao hơn và có hình dáng như mong muốn.
Vì filler không có khả năng di chuyển từ nơi này sang nơi khác nên khi tiêm vào da sẽ cho kết quả ngay lập tức. Bệnh nhân có thể về nhà luôn.
PGS.TS Nguyễn Tài Sơn đang trình bày tại một hội nghị chuyên ngành quốc tế. Ảnh: Bác sĩ cung cấp |
Nguyên tắc an toàn
Vẫn theo PGS Nguyễn Tài Sơn, filler có thể tiêu sớm hay muộn tùy vào dung lượng và cách thức của người tiêm. Nếu bơm dịch đọng lại, tạo thành các khoang sẽ rất khó tiêu, nếu tiêm xen kẽ vào các tổ chức sẽ tiêu nhanh.
“Khi tiêm, kỹ thuật viên nên tiêm rải, không được tiêm vón cục. Đặc biệt, với các vị trí có các mạch máu, nhất là mạch máu lớn, cần phải thử trước bởi dễ tạo thành các emboli – tức là các dị vật rơi vào dòng máu, chạy khắp cơ thể, gây tắc nghẽn những bộ phận lan đến, gây ra nhồi máu động mạch phổi, không cấp cứu kịp sẽ tử vong”, PGS Sơn cho hay.
Chính vì vậy, tiêm filler vào ngực – nơi chứa rất nhiều mạch máu lớn và cần phải tiêm với dung lượng lớn – rất dễ gặp các biến chứng nguy hiểm.
Cách thức làm đẹp này chỉ thực sự hiệu quả khi được sử dụng với liều lượng hợp lý, độ sâu và vị trí tiêm chính xác.
Với các loại da mặt và cơ địa khác nhau đòi hỏi việc xác định vị trí tiêm khá phức tạp và tay nghề của bác sĩ thẩm mỹ phải rất cao, có thể tiên lượng tình trạng và xử lý khi có sự cố.
“Chất làm đầy phải có thành phần acid hyaluronic hữu cơ (được viết tắt là HA) chứ không phải silicon lỏng – đã được cấm sử dụng vì những mối nguy hiểm mang lại. Hiện ở các cơ sở thẩm mỹ không uy tín, vì ham rẻ nên đã sử dụng chất cấm này gây nguy hiểm cho khách hàng, gây nên hậu quả lớn. Chúng tôi thường xuyên gặp những trường hợp như vậy”, PGS Tài Sơn nhấn mạnh.
Ông cũng khuyến cáo, chị em làm đẹp nên chọn một cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đầy đủ. Tốt nhất, phái đẹp không nên ham rẻ, tin những nguồn hàng không rõ nguồn gốc để rước họa vào thân.
Bên cạnh đó, chị em cần hiểu tác dụng của chất làm đầy không kéo dài vĩnh viễn như nhiều người lầm tưởng. Khi đã sử dụng sẽ phải tiêm định kỳ nhiều lần. Việc lạm dụng trong một thời gian dài sẽ dẫn đến rất nhiều hiểm họa.
Kỳ tiếp: Sao Hollywood dị dạng vì lạm dụng chất làm đầy