Mới đây, báo chí Trung Quốc thông tin, thương lái ở thành phố Tây An sử dụng phương thức bôi sáp để nhuộm màu, tạo bóng cho cam quýt. Đây là quá trình do máy móc tự động làm, gồm ba bước: Rửa sạch, sấy khô và bôi sáp. Sau khi được nhuộm màu, cam quýt trở nên bóng đẹp, trông tươi ngon hơn. Trước đó, nhà chức trách Trung Quốc từng kiểm tra và phát hiện cam Quảng Đông sử dụng hóa chất “Sudan” để nhuộm. Đây là loại hóa chất có thể gây nên một số bệnh ung thư.
Thông tin trên khiến người tiêu dùng lo ngại khi trên thị trường hiện nay, đặc biệt ven đường có rất nhiều sạp quýt nhập từ Trung Quốc được bày bán tràn lan. Chủ những sạp này quảng cáo là quýt Hà Giang, ngon, ngọt, đảm bảo và giá bán chỉ 15 nghìn đồng/kg.
Để làm rõ về hóa chất nhuộm quýt và các loại quả khác cũng như mức độ gây hại của chúng tới sức khỏe, Zing.vn liên hệ với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) giải đáp vấn đề này.
Có được dùng hóa chất nhuộm quýt hay không?
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, quýt và các loại quả khác cùng nhóm như cam, bưởi, ở bên ngoài màng của vỏ có lớp sáp có tác dụng làm giảm thoát hơi nước từ trong ra và tạo độ bóng bên ngoài mặt vỏ. Tuy nhiên, ở quýt người ta hay đòi hỏi màu độc nhất, trong khi ở cam, người mua vẫn chọn quả có màu xanh, vàng hoặc lốm đốm. Do đó, quýt không bóng và đều màu sẽ khó bán.
Trước tình trạng đó, các vựa trái cây áp dụng phương pháp nhuộm màu, với mục đích tạo màu đồng nhất và đẹp mắt cho quả để bán dễ hơn.
Theo PGS Thịnh, trong trường hợp nhuộm màu, người bán dùng sáp ong trộn với chất màu, đun nóng tạo trạng thái lỏng xong nhúng quả vào.
Bên cạnh đó, người ta dùng chitosan là một chế phẩm tốt. Hoặc một số nơi dùng paraxin cũng với cách làm tương tự. Trong đó, chitosan không những an toàn mà còn có tính kháng khuẩn, như ức chế hoạt động của một số loại vi khuẩn như E.Coli, diệt được một số loại nấm hại và có tác dụng tốt trong bảo quản các loại rau quả có vỏ cứng bên ngoài. Do đó, nếu dùng chất này để nhuộm quýt là cách làm rất tốt.
Cả 3 chất kể trên đều nằm trong danh mục phu gia cho phép sử dụng trong thực phẩm. Người ta không dùng màu pha nước để nhuộm quả bởi bề mặt quả quýt, cam, quất có chất kháng nước, màu sẽ không được thấm đều.
Còn về chất màu, PGS Thịnh cho hay, dùng màu tổng hợp, cũng giống như loại dùng trong nước ngọt, bánh kẹo.
“Chúng chỉ đủ để tạo màu cho vỏ ngoài quả quýt, khó thẩm thấu vào bên trong. Hiện nhiều nơi dùng chất màu thực phẩm khá rẻ được bán nhiều, an toàn. Tôi cho rằng người bán không dại gì dùng các chất màu công nghiệp như hóa chất nhuộm vải, sơn tường,… để nhuộm quả bởi chúng không an toàn, dễ bị phát hiện trong khi giá lại đắt hơn phẩm màu thực phẩm”, PGS Thịnh nói.
Nhuộm quả có đáng ngại không?
“Về mặt nguyên tắc, một khi đã nhuộm màu nhân tạo sẽ không tốt bằng tự nhiên, không có lợi cho người tiêu dùng, Tuy nhiên nếu người bán dùng hóa chất được phép dùng trong thực phẩm sẽ không có tính độc hại nhiều. Hơn nữa cam, quýt, là loại quả không ăn vỏ.
Phần lớn các loại phẩm màu để nhuộm vỏ hoa quả đều có đặc tính chung là tan được trong nước nên người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình hoặc hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của thuốc nhuộm bằng cách rửa thật kỹ hoa quả dưới vòi nước. Đây cũng là cách hạn chế vi khuẩn bởi trái cây ngoài chợ rất nhiều bụi bẩn”, PGS Thịnh thông tin thêm.
Cũng theo lý giải của PGS.TS Thịnh, loại phẩm màu thực phẩm được cho phép sử dụng khi vào cơ thể sẽ tự đào thải ra ngoài qua hệ bài tiết. Song, nếu dùng nhiều, quá liều lượng thì chúng sẽ tích tụ trong máu, lâu dần tạo thành chất gây hại, có thể gây ung thư.
Còn nếu ăn phải quả bị nhuộm bởi phẩm màu công nghiệp có thể gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, ung thư, gây tổn thương gan, thận cho người sử dụng.
Tuy nhiên, PGS Thịnh cho rằng để làm rõ đâu là loại độc hại đâu là loại an toàn cần có sự vào cuộc làm rõ của các cơ quan chức năng thay vì để người dân hoang mang vì đánh đồng tất cả.