Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ra công văn 'lạ', Sở GD&ĐT An Giang bị phản ứng

Lãnh đạo Sở GD&ĐT An Giang cho rằng mục đích của công văn là nếu học sinh hát bài “Đất nước lời ru” sẽ bị nhận điểm trừ chứ không có ý cấm phổ biến bài hát trong hội thi của ngành.

Ngày 20/3, đại diện nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, cho biết đã gửi đơn góp ý đến Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh này để thắc mắc vì sao ca khúc "Đất nước lời ru" của nhạc sĩ Văn Thành Nho cùng một số ca khúc khác không được phổ biến tại Hội thi Ca múa nhạc cấp tỉnh vừa kết thúc cách nay vài ngày.

Hội thi đã kết thúc vào ngày 17/3 nhưng gây bức xúc cho nhiều PHHS và cả những người làm công tác chuyên môn

Cong van la anh 1
Hội thi đã kết thúc vào ngày 17/3 nhưng gây bức xúc cho nhiều PHHS và cả những người làm công tác chuyên môn. Ảnh: Người Lao Động.

Theo đó, vào 27/2, Ban tổ chức (BTC) Hội thi Ca múa nhạc ngành GD&ĐT năm học 2018-2019 với chủ đề "Ca ngợi quê hương, Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, biển Đảo…." có gửi công văn số 19 để thông báo đến các phòng GD&ĐT, trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh về kết quả thẩm định đối với các tiết mục như múa, ca cổ, biểu diễn nhạc cụ cùng các bài hát thuộc thể loại tân nhạc (đơn ca, song ca, tam ca và tốp ca).

Riêng đối với thể loại tân nhạc, BTC có thành lập tiểu ban thẩm định thống nhất quy chuẩn xem xét các bài hát không phù hợp lứa tuổi học sinh như ca từ, nội dung bài hát, hoàn cảnh sáng tác, nguồn gốc ra đời của tác phẩm âm nhạc.

Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các tác phẩm được sáng tác ở những giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, những sự kiện lớn của dân tộc mà ở lứa tuổi học sinh chưa có sự trải nghiệm xã hội, chưa thấu hiểu hết ý nghĩa lịch sử cũng như giá trị nghệ thuật mà tác giả viết.

Đáng chú ý là BTC yêu cầu các đơn vị phải thay đổi một số bài hát khi dự thi, trong đó có bài "Đất nước lời ru" của nhạc sĩ Văn Thành Nho.

"Theo tôi được biết, nhạc sĩ Văn Thành Nho thường tâm sự rằng ông sáng tác bài hát này là để gợi nhắc cho mọi người người về nguồn gốc Việt Nam, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc và tự hào tiến lên trong thời đại mới. Do đó, mọi người từ già trẻ, bé lớn là người Việt Nam đều có thể hát bài này. Hơn nữa, bài hát này được sáng tác vào năm 1983 mà sao tiểu ban thẩm định lại không cho các em học sinh hát"- một PHHS bức xúc nói.

Ông Võ Bình Thư, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, nhìn nhận công văn số 19 được đơn vị này ban hành và gửi về các đơn vị thực hiện là có sơ sót trong khâu soạn thảo văn bản nên nhận được thư góp ý về mặt nội dung.

Cụ thể, công văn chỉ yêu cầu thay đổi bài hát nhưng không nói rõ mục đích nên các đơn vị hiểu nhầm là cấm không cho học sinh hát. Bởi theo ý "ngầm" của BTC là nếu các em chọn những bài hát đó thì sẽ bị nhận điểm trừ do không phù hợp lứa tuổi. Hơn nữa, do thời gian phát hành công văn đến khi hội thi diễn ra quá gấp rút nên các đơn vị trở tay không kịp để thực hiện thay đổi bài hát.

"Trước đó, chúng tôi cũng định lùi lại thời gian tổ chức hội thi để khắc phục sơ sót này nhưng BTC xét thấy chỉ có một vài đơn vị bị ảnh hưởng nên quyết định tổ chức luôn. Sau khi họp tổng kết và trao thưởng cho các đơn vị vào ngày 17/3 vừa qua, BTC đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm về những sơ sót này với mục đích để những lần sau thực hiện tốt hơn.

Để xảy ra sự hiểu nhầm đáng tiếc này là có phần lỗi của BTC và cả đơn vị có học sinh tham gia hội thi nên gây bức xúc trong dư luận. Trong những lần tổ chức tới đây, chúng tôi sẽ thực hiện lấy ý kiến các đơn vị, những người có tâm huyết để tạo sân chơi cho học sinh cũng như phát hiện tài năng trong học đường", ông Thư khẳng định.

Kỷ luật thầy giáo đánh nữ sinh lớp 7 tại An Giang

Thầy Lê Trường Thọ bị kỷ luật cảnh cáo vì đánh học sinh. Hiệu trưởng trường THCS Long Hòa bị đề nghị kỷ luật khiển trách.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ra-cong-van-la-so-gd-dt-bi-phan-ung-20190320125801389.htm

Theo T.Nốt / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm