Tôi đang sinh sống ở TP.HCM. Ngày 9/7, nơi đây thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chỉ thị nêu rõ, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.
Tuy nhiên, tôi đọc báo thấy không ít người "bất chấp" ra đường, với những lý do khác nhau nên bị xử phạt. Vậy, người dân ra đường có mục đích chính đáng phải chứng minh cách nào?
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM)
Để xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân thì người có thẩm quyền xử phạt phải chứng minh được cá nhân đó đã thực hiện hành vi vi phạm trên thực tế. Nếu lực lượng chức năng không chứng minh được người dân có vi phạm hành chính trên thực tế thì không thể xử phạt.
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị xử phạt, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nêu rõ: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Như vậy, đối với quy định trên, người dân cũng rất khó khăn trong việc chứng minh mình ra ngoài là trường hợp thật sự cần thiết vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể người dân cần phải mang theo những gì khi ra đường, trường hợp này nên cũng rất dễ bị xử phạt.
Trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân ra đường tham gia giao thông, mua nhu yếu phẩm… mà không chứng minh được lý do, không tuân thủ quy định 5K thì có thể bị phạt lỗi vi phạm hành chính.
Cho nên khi ra đường trong thời gian giãn cách xã hội, bạn phải mang theo bằng lái xe, đăng ký xe, CCCD/CMND và giấy thông hành của công ty, doanh nghiệp mà chức năng kinh doanh của họ không bị dừng hoạt động theo Chỉ thị 16. Mỗi người dân phải hiểu rõ và thực hiện tốt những quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và chỉ ra đường khi thấy thật sư cần thiết.