Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ra đường, thoát khỏi 4 bức tường sau 4 tháng ở nhà vì phong tỏa

Trong ngày đầu tiên nới lỏng quy định chống dịch, Phan Hà đi bộ ra đầu hẻm, mua một ly nước mang về. Vừa thấy cô, chủ quán đã hồ hởi: "Con vẫn uống đậm cà phê, ít sữa chứ hả?".

Ngày 1/10, TP.HCM bắt đầu nới lỏng quy định chống dịch, cho phép một số cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại.

Người dân cũng được di chuyển thuận tiện hơn khi các chốt kiểm soát nội và liên quận đã dỡ bỏ. Trong ngày này, nhiều bạn trẻ tranh thủ đi cắt tóc, tập thể dục, làm đẹp... sau 4 tháng giãn cách xã hội.

Zing đã trò chuyện với 5 bạn trẻ để lắng nghe cảm xúc cũng như kế hoạch của họ trong ngày đầu được tự do đi lại.

Bùi Tiểu Mai (22 tuổi, ngụ ở quận 12): Thay kính cận

Khi ở nhà tránh dịch, tôi không may làm gãy cả 2 chiếc kính dự phòng, thường phải nheo mắt nhìn mọi thứ. Hơn nữa, sau 4 tháng, tóc tôi cũng dài hơn, bám sát vào gáy gây ngứa và nóng nực.

Vì thế, tôi quyết định dành cả buổi sáng hôm nay để đi cắt tóc, làm lại kính. Hôm trước, tôi đã liên hệ với tiệm cắt tóc quen, đặt lịch trước nhằm tránh cảnh đông người, tới nơi lại phải đi về.

9h45, tôi qua tiệm kính gần nhà trước và khá ngạc nhiên khi khách hàng tới đông hơn dự liệu. Chủ tiệm xếp sẵn ghế ngồi, khách hàng đều đeo khẩu trang, ngồi giãn cách và kiên nhẫn đợi tới lượt.

sai gon mo cua anh 1

Bùi Tiểu Mai đặt lịch cắt tóc từ 30/9, song vẫn tới sớm hơn 10 phút so với lịch hẹn vì nôn nóng.

Tôi mất khoảng 45 phút chờ tới lượt, chọn dáng gọng và chờ thay mắt kính. Do tâm trạng háo hức nhân ngày đầu ra đường, tôi không thấy nề hà khi phải đợi ít lâu.

Mua kính xong, tôi qua tiệm cắt tóc.

Để được làm tóc, tôi phải trình giấy chứng nhận đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trên 2 tuần, đeo khẩu trang trong tiệm. Việc thợ cắt tóc và khách hàng đều chấp hành quy định phòng dịch làm tôi thấy yên tâm hơn.

Lần đầu ra đường sau 4 tháng ở nhà tránh dịch, tôi vừa thấy sảng khoái, vừa lạ lẫm. Chạy xe qua những cung đường quen thuộc, tôi cảm giác nhịp sống ở TP.HCM đang dần trở lại.

Thảo Phương (22 tuổi, quận Tân Phú): Đặt lịch hẹn làm đẹp

Ngày 30/9, nghe tin cơ sở thẩm mỹ được phép hoạt động trở lại với 50% công suất vào ngày hôm sau, tôi lập tức đặt lịch đi spa.

sai gon mo cua anh 2

Thảo Phương chưa hẹn được lịch tại spa vì khách quá đông.

Nhưng do tiệm chỉ có thể tiếp nhận lượng khách tối thiểu, nhiều khách nhanh tay đặt trước nên tôi không thể đi làm đẹp ngay ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách.

Giống như nhiều cơ sở kinh doanh khác, nhân viên spa cũng yêu cầu khách hàng chụp chứng nhận tiêm vaccine để được hẹn lịch.

Bắt gặp bạn bè đăng ảnh được đi làm đẹp ngay sáng 1/10, tôi vừa thấy ghen tị, vừa háo hức.

4 tháng qua, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, đặt mua quần áo cũng chỉ đem cất vào tủ.

Tôi tự mua dụng cụ, thiết bị đắt đỏ để tự chăm sóc ngoại hình tại nhà, nhưng hiệu quả không thể bằng ngoài tiệm.

Nay, tôi có thể thoải mái đi spa, diện đồ đẹp dạo phố, gặp gỡ bạn bè, chuẩn bị quay lại văn phòng.

Kim Hạnh (26 tuổi, TP Thủ Đức): Sửa xe máy

Việc đầu tiên tôi làm trong ngày TP.HCM nới lỏng giãn cách là đi "tân trang" cho chiếc xe máy để thuận tiện đi lại, chuẩn bị cho kế hoạch đi chơi, đi làm trở lại.

Khoảng 9h, tôi chạy ra một số tiệm sửa xe gần nhà để xem tình hình. Tôi lo rằng ngày hôm nay, các tiệm sửa xe sẽ "đắt khách", phải chờ lâu hoặc chỉ nhận khách có hẹn trước.

May mắn thay, khu tôi sống có khá nhiều tiệm mở cửa lại. Dù đông xe hơn ngày thường, tôi vẫn không cần đặt lịch mà được sửa luôn sau 10-15 phút chờ đợi.

sai gon mo cua anh 3

Kim Hạnh đưa chiếc xe máy đi "tút tát" để chuẩn bị cho những ngày được trở lại "cuộc sống bình thường mới".

Sau nhiều tháng không ra đường, xe tôi cần được kiếm tra máy móc toàn diện. Tôi cứ lo rằng giá cả sẽ tăng cao sau dịch, nhưng cuối cùng chỉ mất khoảng 30.000 đồng để sạc lại bình ắc- quy, thêm vài chục nghìn đồng rửa xe và đổ đầy bình xăng.

Sau nhiều tháng ở nhà tránh dịch, trừ 2 lần ra ngoài đi tiêm vaccine, tôi thấy lạ lẫm khi dắt xe ra đường. Ban đầu, tôi còn luống cuống, suýt làm hư cổng nhà lúc dắt xe, tay lái cũng có chút yếu đi.

Tôi cảm thấy bản thân như được nạp lại năng lượng khi rời nhà, ngắm nhìn phố xá tấp nập. Hy vọng rằng dịch bệnh sớm qua đi, cuộc sống bình thường mới sẽ dần đi vào quỹ đạo.

Nguyễn Hoàng Lê (23 tuổi, quận Bình Thạnh): Tập thể dục

Ngày đầu tiên TP.HCM nới lỏng giãn cách, tôi rủ bạn cùng nhà xuống công viên nội khu dạo bộ buổi sáng.

Lần đầu rời căn hộ sau 4 tháng, tôi vừa vui mừng, vừa thấy lạ lẫm khi nhìn ngắm quang cảnh nơi mình sống.

Ngoại trừ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, phần lớn hàng quán ở nội khu vẫn đóng cửa im lìm. Hồ bơi và khu vui chơi công cộng vẫn chưa cho phép cư dân sử dụng. Mọi thứ trông buồn và ảm đạm hơn trong ký ức của tôi.

Tuy nhiên, đường phố có vẻ đông vui hơn trước. Dù mới 7h, nhiều cư dân đã xuống đường chạy bộ, đạp xe, hóng gió sau nhiều ngày giãn cách xã hội.

Tất cả đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn nên tôi cũng an tâm hơn.

Được đi dạo ngoài trời, hít thở không khí trong lành và thấy người dân qua lại, tôi thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc hơn.

Thời gian qua, tôi chỉ quanh quẩn trong căn hộ 24/24, không thể thay đổi môi trường sinh hoạt. Dù vẫn duy trì thói quen làm việc, tập yoga, trò chuyện với bạn cùng nhà, tôi khó tránh khỏi cảm giác bí bách, mệt mỏi, nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực.

Tôi dự định chiều nay sẽ chạy xe ra chợ, mua ít thực phẩm tươi ngon về nấu bữa cơm cho cả nhà. Việc nới lỏng giãn cách khiến tôi rất mừng vì đó là dấu hiệu cho thấy thành phố sắp “khỏe lại”.

Phan Hà (25 tuổi, quận Gò Vấp): Mua cà phê mang về

Sáng nay, tôi đã đi bộ ra quán cà phê quen, vừa để thưởng thức hương vị yêu thích, vừa hít thở “bầu không khí tự do”.

Quán nằm đầu con hẻm, cách nhà tôi ít phút đi bộ. Nhưng chỉ vài tuần trước, con đường tới đó có tới 3 chốt kiểm soát, cả rào chắn vùng xanh và chốt chặn phong tỏa.

sai gon mo cua anh 6

Ly cà phê trong ngày đầu thành phố mở cửa của Hà.

Suốt tháng 7 và tháng 8, hẻm này được coi như vùng đỏ với hàng chục F0 và có vài ca tử vong.

Lúc nghe tin, tôi khá lo cho vợ chồng chủ quán vì họ đều lớn tuổi, song không thể tới giúp đỡ do mọi con đường đều bị chặn.

Sáng nay tới quán, nhìn thấy cô chú đứng ở cửa hồ hởi chào hỏi, tôi bỗng thấy vui lạ.

Vừa thấy tôi, chủ quán đã lập tức nhận ra và hồ hởi hỏi thăm: “Lâu ngày quá ha, chú tưởng con về quê rồi. Vẫn cà phê sữa đá chứ hả?”.

Tôi chưa kịp trả lời, chú đã nói với cô: “Bà nhớ pha đậm cà phê, ít sữa cho cháu nó, pha ngọt nó la tui đó”. Tôi mỉm cười khi chú nhớ như in sở thích của mình.

Con cún màu trắng cô chú nuôi từ hồi trước dịch, lần cuối tôi gặp thấy nó mới nhỏ xíu mà nay đã lớn phổng phao. Nó vẫn nhớ tôi và cố gắng vươn khỏi cái xích cổ để mừng rối rít.

Tròn 4 tháng Gò Vấp phong tỏa theo Chỉ thị 16, và lần đầu được ra ngoài sau nhiều tháng bị “trói chân”, tôi thấy nhẹ lòng. Niềm vui lớn nhất bây giờ có lẽ là nhìn thấy những người mình quen biết trong thành phố này vẫn bình an sau nhiều biến cố.

Nhiều người ở TP.HCM khổ sở vì xe hỏng khi giãn cách

Cuối tháng 8, khi phải ra ngoài tiêm vaccine, Sơn mới sử dụng đến xe máy. Tuy nhiên, vì xếp xó quá dài ngày, chiếc xe trở chứng, làm cách nào cũng không chịu nổ máy.

Trang Minh - Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm