Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rắc rối của nhóm nhạc nữ có fan chủ yếu là nam giới

Việc có người hâm mộ chủ yếu là nam giới khiến cộng đồng fan Brave Girls thường xuyên xảy ra xung đột. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới thành tích của nhóm.

Khi sự nghiệp của một nhóm nhạc Kpop trở nên trì trệ, có nhiều yếu tố được đề cập tới để giải thích cho sự chững lại này. Thông thường, người hâm mộ và các nhà phê bình sẽ chỉ ra rằng nhóm có bài hát, vũ đạo không hấp dẫn, hoặc trang phục biểu diễn lỗi mốt, không hợp thời.

Tuy nhiên, đối với nhóm nhạc nữ Brave Girls, một số ý kiến cho rằng lý do sự nghiệp của nhóm chững lại nằm ở yếu tố bất ngờ khác - tỷ lệ người hâm mộ nhóm là nam giới cao.

Sự nghiệp chững lại

Brave Girls ra mắt năm 2011. Trước khi đạt được thành công, nhóm từng trải qua quãng thời gian dài khó khăn, chỉ có thể hoạt động cầm chừng dưới tư cách nghệ sĩ không tên tuổi. Brave Girls thậm chí đứng trước bờ vực tan rã.

Tuy nhiên, vào tháng 2/2021, sự nghiệp nhóm nhạc nữ bất ngờ khởi sắc khi ca khúc Rollin' phát hành 4 năm trước của nhóm vươn lên thành bản hit mới tại Hàn Quốc, đánh dấu một trong những cú lội ngược dòng đặc biệt nhất Kpop.

Rollin' đã mang về cho Brave Girls vị trí quán quân đầu tiên trên các chương trình, bảng xếp hạng âm nhạc, đồng thời đem tới nhiều hợp đồng quảng cáo giá trị cao và cơ hội xuất hiện trên sóng truyền hình.

Dù vậy, loạt bài hát phát hành sau đó của nhóm, điển hình như Chi Mat Ba RamAfter We Ride, không thể đạt thành công thương mại như Rollin'. Tính tới hiện tại, EP mới nhất Thank You ra mắt ngày 14/3 của Brave Girls bán được khoảng 32.600 bản.

Xem xét thấy một số nhóm nhạc nữ khác như fromis_9, STAYC và (G)I-DLE bán được 104.000-176.000 bản album trong quý I năm 2022, có thể nói doanh số tiêu thụ album của Brave Girls tương đối thấp.

Âm nhạc và phong cách thời trang của nhóm ngày càng nhận nhiều đánh giá tiêu cực. Mới đây, video biểu diễn của Brave Girls trên chương trình sống còn Queendom 2 bị công chúng chỉ trích dữ dội là lỗi thời, khó hiểu.

Một số người cho rằng sự xuống dốc này nằm ở công ty quản lý và stylist của nhóm, tuy nhiên, nhiều khán giả nhận định sự suy giảm trong mức độ nổi tiếng của Brave Girls đến từ việc cộng đồng người hâm mộ nhóm chủ yếu là nam giới.

Bất lợi khi không có nhiều người hâm mộ nữ

Thành công đột phá của Rollin’ trong năm 2021 phần lớn là nhờ sự ủng hộ đến từ những người lính Hàn Quốc. Cụ thể, Brave Girls thường xuyên ghé qua doanh trại quân đội ở khu vực xa xôi, hẻo lánh để biểu diễn, mặc cho nhóm chỉ nhận mức cát-xê ít ỏi. Điều này khiến Brave Girls thành công tích lũy lượng lớn người hâm mộ trung thành trong quân đội.

Một video tổng hợp bình luận thể hiện sự ngưỡng mộ, yêu thích dành cho Brave Girls khi nhóm biểu diễn Rollin' là điều đã đưa Brave Girls trở nên nổi tiếng chỉ qua một đêm. Các bình luận này được viết bởi những người đã và đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Có thể nói, người hâm mộ trong quân đội đóng góp phần lớn giúp tạo nên danh tiếng cho Brave Girls. Nhận thức rõ điều này, nhóm dành nhiều sự quan tâm hơn đến fan nam, gửi lời cảm ơn đến quân đội trên sóng truyền hình và mời các thành viên của lực lượng dự bị đến tham dự concert.

Nhà phê bình văn hóa nhạc pop Jeong Deok Hyun chia sẻ với Korea JoongAng Daily: "Dựa trên số liệu thống kê doanh số bán hàng, có một quan niệm nổi tiếng trong ngành công nghiệp thần tượng. Người ta cho rằng có nhiều fan nữ là một lợi thế. Người hâm mộ nữ có xu hướng mua album và vật phẩm nhiều hơn, trong khi người hâm mộ nam thích chi tiêu cho sở thích khác, hoặc CD thuộc thể loại âm nhạc khác như hip-hop".

Theo Jeong, người hâm mộ nữ có xu hướng duy trì "lòng trung thành" trong thời gian dài, vì vậy, mức độ nổi tiếng của nhóm nhạc có fandom chủ yếu là nữ sẽ ít bị ảnh hưởng theo thời gian hơn. Do vậy, nhóm nhạc nam thường được coi là người nắm giữ lợi thế tại Kpop. Dù vậy, trong thời gian gần đây, nhiều nhóm nhạc nữ tích cực thu hút fan nữ bằng cách theo đuổi phong cách girl crush.

Trong trường hợp của Brave Girls, biệt danh "guntongryeong" mà công chúng dùng để gọi Brave Girls cho thấy fan nhóm chủ yếu là nam giới.

"Mặc dù người hâm mộ trong quân đội đã đưa Brave Girls trở thành ngôi sao, nhưng liệu sự nổi tiếng đó có dẫn đến việc người hâm mộ thực sự mua album và hàng hóa không thì lại là chuyện khác. Để duy trì sự nghiệp lâu dài, họ cần phải thu hút lượng lớn người hâm mộ nữ có khả năng chi nhiều tiền hơn", nhà phê bình Jeong nhận định.

Ý kiến của fan nữ thường bị gạt bỏ

Tỷ lệ người hâm mộ nam cao có thể đi kèm với một số tác động tiêu cực khác. Thực tế, nhiều fan nữ Brave Girls chỉ ra rằng cộng đồng người hâm mộ chủ yếu là nam giới thường có xu hướng bác bỏ ý kiến phản hồi, lời nhận xét từ người hâm mộ nữ.

Ban đầu, sau thành công của Rollin', Brave Girls thu hút được khá nhiều fan nữ, vì câu chuyện về những năm tháng bền bỉ cố gắng của nhóm truyền cảm hứng cho cả phái nam và phái nữ. Tuy nhiên, xuyên suốt năm 2021, một số cuộc tranh cãi xảy ra giữa người hâm mộ đã khiến nhiều fan nữ không còn là người hâm mộ nhiệt tình của nhóm.

Ví dụ, ngay sau thành công của Rollin', người hâm mộ trên diễn đàn thảo luận trực tuyến có người dùng chủ yếu là nam giới đã đăng tải một bản phác thảo thiết kế, đề xuất rằng lightstick (đèn cổ vũ) của Brave Girls nên sở hữu hình dáng giống xẻng quân sự.

Một số người hâm mộ, chủ yếu là phụ nữ nhưng cũng có fan nam, không đồng ý với ý kiến này. Họ cho rằng xẻng không phải thiết kế đẹp mắt về mặt thẩm mỹ, đặc biệt khi đó là lightstick của nhóm nhạc nữ. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng danh tiếng của Brave Girls không nên chỉ giới hạn ở những thứ liên quan đến quân đội.

Tuy nhiên, những người không tán thành với bản thiết kế này gặp phải loạt bình luận nói họ "ghét bỏ quân đội", "căm thù đàn ông", hoặc "theo nữ quyền". Một số fan tự nhận mình là người "chống lại nữ quyền" đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ bản thiết kế hình xẻng, hy vọng điều này sẽ "hạn chế người ủng hộ nữ quyền trở thành fan của Brave Girls".

Xung đột tương tự tiếp tục xảy ra khi Brave Girls phát hành bài hát mới. Những người hâm mộ đóng góp ý kiến về cách nhóm có thể cải thiện chất lượng âm nhạc và phong cách thời trang, đặc biệt khi thành tích trên bảng xếp hạng của nhóm đang giảm dần, lập tức bị gọi là "đám phụ nữ ghen tỵ với vẻ đẹp của Brave Girls", dù cho không chắc chắn liệu tất cả khán giả đưa ra phản hồi có phải phụ nữ hay không.

Cuộc tranh cãi khác nổ ra khi có fan nam viết bài phản hồi tới fan nữ bày tỏ lo lắng rằng Brave Girls có thể cảm thấy đau khi phải nhảy trên giày cao gót. "Chỉ có mày mới thấy giày cao gót không thoải mái, vì mày là một con lợn béo", Korea JoongAng Daily trích dẫn một phần bài đăng chứa loạt từ ngữ lăng mạ ngoại hình.

Một fan nữ họ Ji 25 tuổi chia sẻ với Korea JoongAng Daily: "Đó là một trong số lý do tôi trở thành người hâm mộ không hoạt động tích cực. Tôi thấy câu chuyện thành công của Brave Girls thật cảm động, nên tôi tiếp tục ủng hộ các bài hát mới của nhóm. Tôi cũng là fan của nhóm nhạc Kpop khác, và người hâm mộ Kpop thường tụ tập trên mạng để thoải mái trao đổi ý kiến về ca khúc mới, hoặc tiến độ phát triển sự nghiệp của nhóm".

Cô cho biết ngay cả khi nhận đánh giá tiêu cực, nếu không phải ý kiến cố tình được đưa ra để nói xấu, hạ thấp nhóm thì thông thường, người hâm mộ sẽ hiểu đó là lời chỉ trích mang tính xây dựng để nhóm và công ty quản lý của họ có thể cải thiện trong lần tiếp theo. Người hâm mộ Kpop thường xuyên chỉ trích lựa chọn quần áo, phong cách ăn mặc khó hiểu của các nhóm nhạc nam.

Tuy nhiên, trong cộng đồng fan Brave Girls, Ji cảm thấy phản hồi tiêu cực bị coi như điều "không thể chấp nhận được".

Xung đột kéo dài

Sự chia rẽ trong cộng đồng fan Brave Girls ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một cuộc xung đột kỳ lạ mang tên "sự cố xe tải cà phê" đã nổ ra vào năm 2021, khi fan nữ gửi tặng Brave Girls xe tải chở cà phê lúc họ ghi hình cho chương trình giải trí Running Man.

Xe tải chở cà phê là loại xe bán đồ ăn được trang trí theo yêu cầu. Xe được sử dụng nhằm phục vụ cà phê cho ngôi sao và nhân viên trên trường quay. Chúng thường do người hâm mộ hoặc người nổi tiếng khác chuẩn bị.

Biểu ngữ dán trên xe tải của Brave Girls ghi "từ người hâm mộ nữ 2030", đề cập đến fan nữ ở độ tuổi 20 và 30. Điều này khiến nhiều fan nam phẫn nộ. Họ đặt câu hỏi tại sao trên biểu ngữ phải ghi rõ đây là quà tặng do người hâm mộ nữ gửi. Thậm chí, các fan chuẩn bị dự án này bị cáo buộc là cố gắng chia rẽ người hâm mộ dựa trên giới tính.

Cuối mùa hè năm 2021, thành viên Yuna chịu chỉ trích sau khi một cụm từ cô nói bị cho là tiếng lóng phổ biến trong cộng đồng người theo chủ nghĩa kỳ thị đàn ông cực đoan. Yuna nhận được rất nhiều tin nhắn yêu cầu cô giải thích lập trường của mình về nữ quyền, đặc biệt sau khi bức ảnh cô mặc chiếc áo in dòng chữ ca ngợi sức mạnh phụ nữ trong quá khứ bị lan truyền.

Na, một người hâm mộ 18 tuổi, chia sẻ với Korea JoongAng Daily: "Là phụ nữ, thật không dễ chịu khi thấy ngôi sao nữ công khai nói cô ấy chưa từng nghĩ về nữ quyền. Tôi không chắc cô ấy dự đoán người hâm mộ nữ sẽ phản ứng như nào với điều đó trong môi trường xã hội ngày nay".

Khi sự căng thẳng về tình trạng phân biệt giới đang leo thang ở Hàn Quốc, sự cố tương tự có thể gây tác động lớn tới cộng đồng người hâm mộ Brave Girls trong tương lai, qua đó ảnh hưởng tới doanh số bán hàng, chất lượng âm nhạc của nhóm và trở thành vấn đề Brave Girls cần giải quyết.

"Tôi chỉ thất vọng vì những tranh cãi này, điều thậm chí không liên quan gì đến âm nhạc của họ, đang dần dần phá hủy cộng đồng người hâm mộ", Na bày tỏ.

Phụ nữ trẻ Hàn Quốc phản đối Tổng thống đắc cử Yoon Suk Yeol

Với nhiều phụ nữ trẻ, chiến thắng của ông Yoon Suk Yeol là mối đe dọa cho phong trào nữ quyền tại Hàn Quốc.

Sao nữ Hàn Quốc bị bạo lực mạng vì ủng hộ nữ quyền

Nhiều cô gái có sức ảnh hưởng ở xứ kim chi bị các cộng đồng nam giới trực tuyến chỉ trích, quấy rối trong thời gian dài vì cáo buộc "ủng hộ nữ quyền cực đoan".

Lý do Kpop chuộng mô hình nhóm nhạc đông thành viên

Để đáp ứng sở thích đa dạng của công chúng, các công ty giải trí Hàn Quốc ngày càng cho ra mắt nhiều nhóm nhạc với thành viên đông đảo hơn.

Thúy Hà

Bạn có thể quan tâm