Từ một tay rửa bát đĩa và bán pizza cho gia đình, Raiola trở thành một trong những "siêu cò" quyền lực nhất thế giới bóng đá, sẵn sàng đối đầu Sir Alex và chửi Ibra là "rác rưởi".
Nếu phán đoán công việc của Mino Raiola qua ngoại hình và cách ăn mặc xuề xoà, nhiều người quả quyết: ông ta chạy bàn ở cửa hàng pizza. Quả thật, Raiola từng làm phục vụ bàn, rửa bát, chế biến đồ ăn và tạo dựng quan hệ khách hàng trong nhà hàng pizza mang tên Napoli của gia đình ông. Quá trình theo đuổi công việc chiều lòng thực khách tại “Napoli” đã góp phần giúp Raiola trở thành người giỏi giao tiếp.
Khi Simon Kuper, nhà báo kiêm tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng gặp gỡ Raiola tại nhà hàng pizza nơi siêu cò từng làm việc, ông đã bị ấn tượng mạnh vì người đại diện cầu thủ hàng đầu thế giới luôn nỗ lực quan tâm và dự đoán mọi nhu cầu của khách quý. “Ông ta hỏi tôi muốn ngồi ở đâu? Có muốn dùng đồ uống giàu năng lượng hay không? Có thấy nóng khi mặc cái áo khoác lù xù trong phòng?", Kuper kể lại.
Gia đình Raiola di cư từ miền nam Italy đến Haarlem (Hà Lan) vào năm 1968, khi Raiola còn bé tí. 35 con người, trong đó có họ hàng của gia đình ông, sống chung ở ba căn nhà liền kề. Sau đó, gia đình Raiola mở cửa hàng bánh pizza tại khu "Chợ lớn" của Haarlem.
“Cha tôi làm việc khoảng 18 đến 20 giờ mỗi ngày. Đối với công việc, ông ấy là một người cực kỳ có trách nhiệm. Khoảng năm 11, 12 tuổi gì đó, tôi đến phụ giúp để hiểu hơn về ông ấy. Cha làm việc trong nhà bếp thì tôi làm gì được nhỉ? Phải rồi, tôi sẽ phụ giúp rửa bát. Phải thừa nhận rằng hồi ấy tôi cực kỳ thích rửa bát. Nó tạo cho tôi khoảng lặng để nghĩ về thành quả mình đã tạo ra sau một ngày làm việc”, siêu cò nhớ lại.
Không lâu sau, người đàn ông sinh năm 1967 được “thăng cấp” lên làm phụ bàn. Công việc này giúp ông mài giũa khả năng mồm mép sắc bén (theo lời Kuper, Raiola nói nhanh gấp đôi người thường). Raiola rất biết cách làm hài lòng khách hàng. Ông hỏi thực khách thích ăn gì, và rất nhanh chóng đưa ra thực đơn riêng cho từng cá nhân. Nếu có người nào không hài lòng và bỏ đi, Raiola sẽ giữ chân họ bằng cuộc trò chuyện tâm giao. Nhờ sự khéo léo của Raiola, gia đình ông phất lên thành lập chuỗi 11 nhà hàng.
Siêu cò khét tiếng trở thành triệu phú ở tuổi… 19 khi ông mua lại cửa hàng McDonald ở địa phương rồi bán lại cho nhà kinh doanh bất động sản. Niềm đam mê của Raiola là bóng đá. Đến thời điểm đầu óc không còn bị chi phối bởi tiền bạc, "gã béo" bắt đầu theo nghiệp cầu thủ trong thời gian ngắn. Đến năm hơn 20 tuổi, sau khi bỏ học trường luật, Raiola đảm nhận chức vụ giám đốc kỹ thuật của đội bóng FC Haarlem ở địa phương (nay đã giải thể). "Gã béo" lên một kế hoạch tham vọng: chiêu mộ tài năng trẻ Denis Bergkamp của Ajax Amsterdam. Dự án bị ban lãnh đạo, những người bảo thủ cũ kỹ (theo lời Raiola), gạt đi."Gã béo" nói tiếng Hà Lan tốt hơn cha mình, cho nên từ khi còn là một thiếu niên, ông đã trực tiếp làm việc với ngân hàng và đón tiếp thị trưởng Haarlem. Khả năng nói tiếng Italy lưu loát cũng giúp Raiola dàn xếp ổn thỏa với thực khách phàn nàn về món ăn Italy. Sử dụng tốt hai thứ tiếng, Raiola quyết định lập ra một công ty mang tên Intermezzo, chuyên làm cầu nối để các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào Italy.
Mang tư tưởng tân tiến, Raiola cảm thấy dị ứng với những vị lãnh đạo kiểu cũ: “Rất nhiều cựu cầu thủ được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành, giám đốc thể thao. Nó làm thế giới bóng đá suy yếu. Túc cầu là một thị trường khổng lồ, với nguồn tài chính dồi dào nhưng lại được điều hành bởi những kẻ chẳng hiểu gì”.
Một quan chức thông minh hiếm hoi, theo quan điểm của Raiola, chính Luciano Moggi (cựu giám đốc điều hành của Juventus). Raiola đến gặp Moggi lần đầu tiên vào những năm 1990, khi Moggi sắm vai giám đốc kỹ thuật của câu lạc bộ Torino. Cuộc hẹn được thực hiện vào 11h. Raiola, bắt buộc đúng giờ, xuất hiện lúc 10h45.
"Gã béo" kể lại: “Tôi được thư ký của Moggi đưa vào phòng chờ. Cảm thấy giống một cuộc hẹn với nha sĩ: có khoảng 25 người ngồi đợi, tất cả đều hút thuốc, nhìn khắp căn phòng và nói chuyện”. Lúc 11h15, chẳng thấy tăm hơi Moggi đâu, Raiola tiến đến chỗ thư ký và nói: “Xin cô báo với ông Moggi rằng tôi đang chờ. Tôi muốn biết mình sẽ phải chờ trong bao lâu”. Thư ký duyên dáng đáp: “Tất cả những người ở đây đều đang chờ ông Moggi”.
Raiola, với tâm thế của người mới vào nghề đang muốn tạo quan hệ tốt, lịch sự thông báo với thư ký rằng ông sẽ đi ra ngoài.
Hai tiếng sau, Raiola vội vã đến gặp Moggi ở nhà hàng. Khoảng 25 người đang cùng “bố già” dùng bữa ở đó. "Gã béo" tiến lại gần và bắt đầu cuộc hội thoại: “Ngài là Moggi phải ko?”.
Raiola nói thẳng vào mặt Moggi, trước mắt hàng chục người: “Tôi thấy ông thật nhẫn tâm khi bắt tôi phải đợi!”
- Cậu là ai nhỉ?, Moggi bất ngờ hỏi lại.
- Raiola!
- À, Raiola này. Nếu cậu cảm thấy khó chịu với tôi thì tôi dám chắc cậu sẽ chẳng bán được cầu thủ nào ở Italy đâu.
"Gã béo" sinh năm 1967 đã khiến Moggi phật lòng. Bất chấp đe doạ cấm vận, ông vẫn cứ giao dịch đều đều ở đất nước hình chiếc ủng. Sau này, siêu cò hai quốc tịch có cơ hội ép giá Moggi.
Một ngày nọ, Moggi gọi điện cho Raiola để tìm cách mua lại Nedved từ Lazio. Và Raiola mở đầu cuộc nói chuyện bằng cách “đá đểu”.
Raiola: “Ông có đồng hồ không đấy?”.
Moggi: “Coi nào, đừng khó chịu như thế. Tất nhiên là tôi có”.
Raiola: “Chúng ta sẽ gặp nhau khi nào?”.
Moggi: “12h, tại Florence.”
Raiola: “Tôi sẽ đến đó lúc 11h50, và đi lúc 12h10. Sau đó thì giá gấp đôi đấy nhé.”
Raiola sở hữu vị trí đặc biệt quan trọng trong cuốn tự truyện I am Zlatan của Ibrahimovic”. Không có gì ngạc nhiên, bởi người đại diện 49 tuổi chính là người thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của Ibra.
Bộ đôi gặp nhau lần đầu tại một nhà hàng Nhật Bản có tên Yamaazato ở Amstedam. Ibra diện vest. Anh chàng dè bỉu cách ăn vận của Raiola: “Xem cái gã quỷ quái này mặc gì trên người kia? Một khối thịt bự trong chiếc quần jean và áo phông Nike. Cả cái vòng eo kia nữa, trông hắn y như mấy gã trong phim Gia đình Soprano”. Raiola tin rằng không mặc vest sẽ giúp hắn có lợi thế, vì điều đó khiến mọi người đánh giá y thấp hơn.
Một mình Raiola ăn khẩu phần của 6 người. Vừa nhồm nhoàm nhai, siêu cò vừa hỏi Ibra: "Có muốn trở thành cầu thủ hay nhất thế giới không? Hay chỉ là thằng tiền đạo thích thể hiện?". Ibra dĩ nhiên nói có.
Raiola trả lời: “Được thôi, nhưng nếu muốn làm việc với tôi thì cậu phải nghe theo bất cứ thứ gì tôi yêu cầu”.
Ibra nhanh chóng bị Raiola chinh phục. Ngay sau cuộc gặp ở nhà hàng, cầu thủ người Thụy Điển lập tức gọi cho Raiola, yêu cầu siêu cò trở thành người đại diện cho mình.
- “Hoàn toàn đồng ý”, Ibra đáp.
- “Bán hết xe cộ, đồng hồ đi và tập gấp 3 lần cho tôi vì số liệu của cậu chỉ là đống rác rưởi”.
Và thế là Ibrahimovic lao vào tập luyện giống Nedved.
Nhiều cầu thủ coi Raiola như là sự trợ giúp đầu tiên và cuối cùng. Khi bắn pháo hoa làm cháy nhà, người đầu tiên mà Balotelli gọi là Raiola. Những cầu thủ trẻ thường xuyên gọi Facetime cho Raiola lúc đi siêu thị. Họ nhờ Raiola tư vấn cần mua thứ gì và thứ gì không cần thiết. Raiola có xem các cầu thủ là bạn không? “Chắc chắn đến 99%”, gã béo trả lời.
Chúng ta thường nghĩ rằng CLB và HLV sẽ quyết định mua cầu thủ nào. Nhưng trên thực tế, người đại diện có tác động chính trong điểm đến của cầu thủ. Ông giải thích: “Tôi luôn cố gắng xác định mục tiêu cho các cầu thủ. Không thể cứ ngồi đợi xem gió sẽ thổi từ phương nào”.
Đó là lý do Raiola cho Ibrahimovic gia nhập Juventus vào mùa hè 2004. Trong bộ dạng ướt đẫm mồ hôi sau một buổi chạy bộ xuyên Turin, Raiola đã hoàn tất hợp đồng 16 triệu euro chuyển Ibra sang Juve.
Ngôi sao người Thuỵ Điển có lần tiết lộ biệt tài của siêu cò sinh năm 1967: dự đoán sự biến động của thị trường. Đích thân Raiola thừa nhận tầm nhìn của ông: “Nghe có vẻ ngạo mạn, nhưng quả thực tôi có thể tiên đoán mọi thay đổi trong thế giới bóng đá từ trước khi nó xảy ra”.
Năm 2006, khi Moggi bị nghi ngờ gọi điện mua chuộc trọng tài cầm còi một trận đấu của Juventus, Raiola đã nhận ra rằng đội bóng này sẽ gặp rắc rối lớn. Bởi vậy, vài tháng trước khi “Bà đầm già” bị đánh rớt hạng, ông đã lo xong cho Ibrahimovic chuyển đến Inter.
Năm 2009, Ibra đầu quân cho Barcelona với giá cao ngất ngưởng. Thi đấu tốt nhưng Ibra bị trù dập "không ngóc đầu lên được". Sau này, Raiola luôn nói về Pep Guardiola bằng những từ ngữ tệ hại như “thằng không bi”, “thằng hèn”.
Dẫu vậy, với kinh nghiệm lão luyện, siêu cò cũng sớm lo cho Ibrahimovic có chỗ đỗ ngon lành. Hè 2010, Ibra trở về Italy gia nhập AC Milan và giúp đội bóng vô địch Serie A 2011.
Rồi đến năm 2012, Raiola lại đưa tiền đạo này rời khỏi Italy. “Cậu ta không muốn đi chút nào. Nhưng tôi đã nói ra rả với phía Milan suốt mấy năm rằng: Chẳng ai chịu được mức lương của Ibra nữa đâu. Khi ấy kinh tế Italy đang khủng hoảng, trong khi những ông chủ giàu có ở Qatar lại mới mua PSG”. Thế là Ibrahimovic chuyển đến Paris, nơi anh kiếm được đến 14 triệu euro/mùa, trong khi AC Milan ngày càng xuống dốc.
Sau 15 năm ủy quyền đại diện cho Raiola, Ibrahimovic trở thành cầu thủ có tổng giá trị chuyển nhượng lớn thứ hai trong lịch sử bóng đá thế giới, chỉ sau Angel di Maria. Tính tổng cộng, số tiền chi ra để mua lấy sự phục vụ của Ibra là 131 triệu euro. Chỉ cần làm đại diện cho Ibra rồi ăn hoa hồng cũng đủ giúp Raiola giàu có.
Khi được hỏi về việc lấy 10% tiền lương của mỗi cầu thủ, ông trả lời: “Con số này không cố định, nhưng nó thường được thống nhất và minh bạch”. Raiola luôn cho rằng tiền bạc chẳng qua chỉ là sản phẩm phụ của một công việc tốt.
Vài năm sau, Raiola gặp một tài năng trẻ người Pháp với động lực phấn đấu không phải bàn cãi. Paul Pogba khi đó là sao trẻ sáng giá tại Manchester United và đang tìm cách chen chân vào đội hình một. Raiola quả quyết Pogba được trả lương quá thấp. Mặt khác, "gã béo" khuyên Pogba nên cố trụ lại bằng mọi cách, bởi vì MU được dẫn dắt bởi vị HLV vĩ đại.
Tuy nhiên, vào năm 2012, Raiola yêu cầu cho thân chủ của mình một bản hợp đồng với mức lương hậu hĩnh hơn.
Sir Alex Ferguson nói thẳng với Raiola: “Tôi sẽ không nói chuyện với anh nếu cầu thủ không có ở đây”.
Pogba bước vào, và HLV Man United nói với cậu học trò: “Cậu không muốn ký hợp đồng à?”.
Pogba đáp lời: “Chúng tôi sẽ không ký với những điều khoản này”.
Sir Alex "chĩa giáo" về phía Raiola: “Anh đúng là thằng ngu”.
Raiola đáp trả thâm nho: “Đây là những điều khoản mà con Chihuahua của tôi - tôi có 2 con Chihuahua - còn không thèm ký”.
Ferguson nói: “Thế anh nghĩ rằng cậu ta đáng được hưởng bao nhiêu?”.
Raiola đáp: “Không phải con số này”.
Và Ferguson lặp lại: “Anh đúng là thằng ngu”.
Sir Alex sau này công khai chỉ trích Raiola: “Có 1 đến 2 tay cò cầu thủ, đơn giản là tôi không thích, và Mino Raiola là một kẻ như thế. Tôi không tin hắn ngay từ lần đầu gặp mặt. Pogba có hợp đồng 3 năm với chúng tôi và một năm gia hạn, nhưng Raiola bất ngờ xuất hiện và phá hỏng tất cả”.
Sau khi Pogba đứt duyên với MU, Raiola đã lùng sục khắp châu Âu để tìm bến đỗ thích hợp cho thân chủ. Juventus gõ cửa và mời chào: “Chúng tôi muốn có cậu ấy bằng mọi giá. Pogba là cầu thủ tốt nhất mà Juve từng thấy”. Tuy nhiên, Juve lại không có truyền thống kiên nhẫn với cầu thủ trẻ, cho nên Raiola đã nói với thân chủ: “Đây có thể không phải bước đi tốt với cậu”. Bất chấp khuyên can, Pogba vẫn quyết đến với Juve.
Raiola cho biết ông đã thương thảo và đảm bảo mức lương của Pogba xứng đáng với vị trí trụ cột trong đội bóng.
Sau đó ông hỏi: “Sao cậu lại muốn tới đó?”.
Pogba trả lời: “Vì trong suốt cuộc đời tôi luôn chọn con đường khó nhất. Và đây chính là con đường khó nhất”.
Rốt cuộc, Pogba tỏa sáng rực rỡ ở Juve và giúp đội bóng giành 4 Scudetto liên tiếp.
"Gã béo" ục ịch mang hai dòng máu Italy - Hà Lan thuộc nhóm siêu cò quyền lực nhất thế giới bóng đá. Hè 2016, Man United ký hợp đồng liền lúc với 3 cầu thủ của Raiola bao gồm: Paul Pogba, Zlatan Ibrahimovic và Henrikh Mkhitaryan. Dù thích hay ghét Raiola, chúng ta phải thừa nhận người đàn ông này góp một tay định hình thị trường cầu thủ.
Hè 2017, Raiola đạo diễn thương vụ Lukaku trị giá 75 triệu bảng. Mà theo nhiều người, đó là "bom tấn" chóng vánh và bất ngờ nhất kỳ chuyển nhượng năm nay.
Đội bóng nào cũng thích làm ăn với Jorge Mendes. Siêu cò người Bồ Đào Nha làm đẹp lòng tất cả: cầu thủ được lương cao, bên bán được giá cao còn bên mua thì sở hữu người tốt mà mình cần. Raiola thì khác hoàn toàn. Người đàn ông này tuyên bố đặt lợi ích của thân chủ lên hàng đầu, chính vì thế, các thương vụ chuyển nhượng có mặt Raiola đều lộ tin từ rất sớm nhằm gây áp lực lên đội bóng để tạo lợi thế cho quá trình đàm phán. Chính vì điều này nên Raiola bị nhiều CLB không ưa nhưng cầu thủ của ông thì trung thành tuyệt đối.
Mùa hè năm ngoái, Raiola đưa Pogba trở lại Man United. Vì lẽ gì mà ngôi sao sáng giá lại đầu quân cho đội bóng không được dự Champions League và đang thi đấu kém cỏi trong 3 năm liên tiếp? Raiola giải thích: “Bởi vì tôi nghĩ rằng cầu thủ nên đến nơi cần họ nhất. MU rất cần Pogba".
Siêu cò mang 2 quốc tịch đã dự đoán chính xác nhu cầu mùa hè 2016 của MU tít từ… mùa hè 2015. Cách đây 2 năm, Quỷ đỏ mang về 2 cái tên Anthony Martial và Memphis Depay. Raiola dự đoán chắc chắn bộ đôi này không thể thành công. Lúc ấy, ông đã nói với những người MU: “Các bạn cần có Zlatan để khôi phục sự cân bằng. Một cầu thủ đầy kinh nghiệm và dám nhận trách nhiệm lớn lao”.
Và Raiola cũng nói MU cần Pogba. Những nhà hoạch định chính sách tại Old Trafford rất tin tưởng siêu cò này. HLV Jose Mourinho, người mà trong lịch sử cầm quân luôn yêu thích sử dụng cầu thủ của siêu cò Jorge Mendes, giờ đây có vẻ hài lòng khi làm việc với Raiola.
Raiola kể: “Trước đây Mourinho có thù riêng với tôi. Tôi đã có một số phát biểu đụng chạm đến ông ấy trên mặt báo. Nhưng Mourinho thừa hiểu không có kẻ thù vĩnh viễn. Ông ấy thừa biết công việc của tôi. Ở những đội bóng hiểu Raiola, luôn có khoảng 3 đến 4 cầu thủ do tôi làm đại diện. Bây giờ là MU, trước kia có Juventus, AC Milan và PSG”.
Pogba vẫn chưa phải đích đến cao nhất. Công việc của Raiola với những cầu thủ còn chưa hoàn thành. Ông nói thời gian này rất bận rộn do phải giải quyết mớ giấy tờ liên quan tới nhiều cầu thủ trẻ đến từ Brazil. Một "mỏ vàng" khác Mino Raiola có thể khai thác là Gianluigi Donnarumma.
Ở tuổi 18, thủ thành của Milan được đánh giá là một trong những viên ngọc quý của bóng đá thế giới. Và Raiola đang đại diện cho người gác đền đầy triển vọng này. Siêu cò 49 tuổi cũng đại diện cho tiền đạo Moise Kean sáng giá của Juventus, đồng thời đứng sau vụ chuyển nhượng kỷ lục 75 triệu bảng của Lukaku từ Everton sang Man Utd.
Nhiều cầu thủ bóng đá mất hết tài sản sau khi treo giày. Theo thống kê của Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh, khoảng 10 đến 20% cầu thủ phá sản sau khi giải nghệ. Raiola nghĩ rất nhiều về điều này. “Bây giờ bạn đang làm đại diện cho những cầu thủ có khả năng kiếm từ 50 triệu euro đến 200 triệu euro trong sự nghiệp. Họ sẽ tái đầu tư ra sao? Sẽ có rất nhiều lời mời vây quanh cầu thủ, đại loại như đầu tư vào công ty vào bất động sản và hưởng 14% lợi nhuận”.
Tuy nhiên, Raiola không bao giờ muốn cầu thủ mạo hiểm. Ông luôn khuyến khích họ kết thúc sự nghiệp chỉ với số tiền kiếm được từ nghề đá bóng. “Mua lấy một căn nhà theo cách nhanh nhất có thể, sau đó gửi tiền vào ngân hàng, kể cả lãi suất thấp. Đừng đánh cược đầu tư vào lĩnh vực mà anh không nắm vững”, đó là lời khuyên chân thành của "gã béo".
“Tất cả cầu thủ của tôi, khi mới bắt đầu sự nghiệp, đều muốn sau này lấn sân sang kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán cà phê”, Raiola tiết lộ sự thật. Vốn xuất thân từ kinh doanh nhà hàng nên ông chỉ khuyên ngắn gọn: “Đừng đến nói chuyện với tôi khi kiến thức kinh doanh là con số 0. Tôi quá hiểu lĩnh vực này”.