Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rạn san hô ở vịnh Thái Lan được 'yêu mến' tới chết

Quá tải du lịch từng phá hủy gần hết rạn san hô và hệ sinh thái của vịnh Maya, khiến điểm hút du khách nhất xứ Chùa vàng phải đóng cửa gần 4 năm để khôi phục.

Đó là một buổi sáng hồi tháng 2 tại vịnh Maya, một trong những điểm hút du khách nhất của Thái Lan. Giới chức mới mở trở lại vịnh vài tuần sau gần 4 năm đóng cửa kể từ tháng 6/2018 nhằm phục hồi hệ sinh thái, theo CNN.

Đồng hồ mới điểm qua 7h. Khung cảnh thật yên bình, với dãy núi đá vôi sừng sững trên mặt nước và những con cá mập đầu đen bơi qua vịnh.

Chỉ vài giờ sau, một làn sóng chậm rãi nhưng đều đặn những du khách đổ về nơi đây. Lần lượt hàng chục người lê bước trên lối đi lát ván mới được dựng lên, tìm đường đến bãi cát trắng nổi tiếng cùng với chiếc điện thoại luôn sẵn sàng ghi lại những tấm ảnh đẹp nhất.

du lich Thai Lan anh 1

Hiện các tàu thuyền không được vào vịnh, phải thả du khách tại cầu tàu nổi mới xây nằm ở phía sau của hòn đảo. Ảnh: Karla Cripps/CNN.

Khách du lịch không được phép bơi lội tại đây. Tuy nhiên, một số người dường như không thể cưỡng lại làn nước xanh như ngọc của vịnh Maya và vượt quá giới hạn. Một du khách người Pháp đã bị phạt 5.000 baht (khoảng 137 USD) vì nhiều lần phớt lờ quy định.

Bên cạnh đó, trên lối đi bộ lát ván, một phụ nữ lớn tuổi đang phì phèo điếu thuốc ở gần lối vào bãi biển - khu vực nghiêm cấm hút thuốc.

Những cảnh tượng này thật đáng buồn, nhưng đã là nỗ lực cải thiện rất lớn so với những gì du khách từng trải nghiệm trước đây.

Từ yêu mến tới phá hủy

Nằm trong Công viên Quốc gia Hat Noppharat Thara-mu Ko Phi Phi của Thái Lan, vịnh Maya là một phần của Phi Phi Leh, một trong hai hòn đảo chính của quần đảo Phi Phi.

“Khoảng 40 năm trước, vịnh Maya vốn là một điểm du lịch hấp dẫn nhưng thu hút chủ yếu là du khách nội địa. Hơn nữa, số lượng khách không nhiều vì chưa có tàu cao tốc ở thời điểm đó”, Tiến sĩ Thon Thamrongnawasawat, nhà sinh học biển kiêm giáo sư, kể lại.

Theo thời gian, số lượng khách du lịch tăng từ dưới 1.000 lên đến 7.000-8.000 người/ngày. Số thuyền cập bến vào vịnh cũng gia tăng, lên tới 100 con thuyền neo đậu cùng lúc.

Ông Thon cho biết khoảng 30 năm trước, ở lần đầu họ kiểm tra rạn san hô của vịnh, 70-80% còn nguyên vẹn. Nhiều năm sau, tỷ lệ chỉ còn dưới 8%.

Bên cạnh mối quan tâm về hệ sinh thái, trải nghiệm du lịch cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi vịnh đón quá nhiều khách cùng lúc. Toàn cảnh vịnh Maya bị chặn lại bởi hàng dài tàu neo đậu ven bờ.

Đối với chính quyền Thái Lan, cân bằng giữa nhu cầu du lịch, lĩnh vực đóng góp khoảng 20% GDP Thái Lan trước đại dịch, và lời kêu gọi bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá của công viên là một thách thức lớn đang diễn ra.

“Giải pháp tốt nhất là không tiếp đón du khách nào. Nhưng chúng ta đều biết vịnh là một điểm du lịch lớn. Do đó, chúng ta phải thỏa hiệp”, ông nói.

Ông Thon đã thuyết phục chính quyền đóng cửa vịnh vô thời hạn cách đây 4 năm, một quyết định gây tranh cãi vào thời điểm đó.

Ông dẫn đầu một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về biển, làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan cùng với khu vực tư nhân về dự án tái sinh vịnh diễn ra trong cảnh vắng bóng du khách.

du lich Thai Lan anh 4

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và trồng lại san hô nhằm cứu hệ sinh thái của vịnh Maya. Ảnh: CNN.

Kể từ khi vịnh đóng cửa vào tháng 6/2018, Tiến sĩ Thon và nhóm các chuyên gia cùng tình nguyện viên đã trồng lại hơn 30.000 mảnh san hô, phần lớn trong số đó mọc ở ngoài khơi của Koh Yung, một hòn đảo gần đó.

Khoảng 50% san hô được trồng lại vẫn sống sót, hiện bắt đầu phát triển và tự lan rộng. Nếu không có quá trình cấy ghép, ông Thon cho biết sẽ mất 30-50 năm để rạn san hô tái sinh tự nhiên.

Động vật biển hoang dã cũng trở lại vịnh và phát triển mạnh, bao gồm cá hề, tôm hùm và cá mập đầu đen.

Đóng cửa lần 2

Hiện nay, chỉ 7 tháng sau khi mở mở lại, chính quyền Thái Lan đang đóng cửa vịnh Maya lần nữa. Nhưng lần này, thời gian đóng cửa chỉ kéo dài 2 tháng, từ ngày 1/8 đến ngày 30/9, diễn ra trong mùa mưa.

Nói với CNN, các nhà chức trách cho biết họ muốn cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng của hòn đảo, đồng thời cho khu vực được bảo vệ tạm nghỉ khỏi lượng khách du lịch đông đúc.

Việc đóng cửa diễn ra như một lời nhắc nhở rằng rất nhiều nỗ lực phục hồi được thực hiện tại nơi đây, và giới chức không muốn chúng trở nên vô ích.

Bên cạnh đó, Bộ Công viên Quốc gia Thái Lan giới hạn số lượng du khách không quá 4.125 người/ngày, được phân bổ vào nhiều khung giờ bắt đầu từ 7h. Mỗi khung giờ không vượt quá 375 người.

Tàu thuyền không được phép vào vịnh nữa. Thay vào đó, họ đưa hành khách tới một cầu tàu mới xây dựng ở phía sau hòn đảo, nằm cách xa vịnh. Từ đó, khách du lịch sẽ đi bộ xuyên qua khu rừng bằng lối đi lát ván mới để đến bên kia hòn đảo trong vòng 5 phút.

du lich Thai Lan anh 5

Bến thuyền nổi được xây dựng phía sau hòn đảo. Ảnh: Karla Cripps/CNN.

Du khách cũng không được bơi lội trên đảo. Suthep Chaikaow, giám đốc công viên quốc gia, cho biết quy định nhằm tránh làm phiền những con cá mập và gây chết rạn san hô mà các nhà nghiên cứu đầy công trồng lại.

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan dự kiến đạt 24 triệu người vào năm 2024, tức khoảng 60% mức trước đại dịch.

Khi lượng khách du lịch toàn cầu quay trở lại mức trước đại dịch, cam kết về tính bền vững của vịnh Maya đến từ nhà chức trách công viên quốc gia sẽ được thử nghiệm.

Hiện mảnh ghép còn thiếu trong câu đố khôi phục nền du lịch xứ Chùa vàng là du khách Trung Quốc - quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế Covid-19 kéo dài.

Tiến sĩ Thon tự tin rằng sự thành công của vịnh Maya có thể trở thành hình mẫu cho các điểm du lịch khác đang gặp rủi ro.

“Nó sẽ thay đổi hình ảnh du lịch Thái Lan, rằng chúng tôi không chỉ là một quốc gia thèm khát tiền. Chúng tôi muốn cứu biển của mình, và chúng tôi có thể. Nếu chúng tôi thực hiện bảo tồn ở một trong những điểm thu hút du khách nhất Thái Lan, chúng tôi có thể làm được ở bất kỳ nơi nào”, ông chia sẻ.

Cây cao nhất thế giới chết dần vì khách du lịch

Hyperion, được Kỷ lục Guinness chứng nhận là cái cây cao nhất thế giới, chính thức không còn đón tiếp du khách ghé thăm.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm