Theo bác sĩ Đỗ Mạnh Cường, chuyên ngành Răng - Hàm - Mặt, phòng khám đa khoa Dr.Binh Teleclinic, răng miệng là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong cơ thể. Hàm răng khỏe mạnh không chỉ mang lại nụ cười đẹp mà còn tăng cường sức khỏe.
Các bệnh phổ biến nhất là sâu răng, viêm lợi, viêm nướu hoặc nhiễm trùng nha chu... Khi răng không được khỏe sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác tới sức khỏe tổng thể.
Dưới đây là 6 bệnh phổ biến chúng ta có thể gặp nguyên nhân sâu xa do răng bị sâu, gãy, nhiễm trùng, nha chu.
Bệnh tiêu hóa
Răng có chức năng nhai và nghiền thức ăn cho cơ thể. Khi răng bị đau, chức năng này sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Lực nhai giảm khiến thức ăn không được nghiền nhỏ như bình thường, từ đó hạn chế hấp thu chất dinh dưỡng ở dạ dày và ruột. Điều này lý giải vì sao những người răng hỏng dễ mắc các bệnh về hệ tiêu hóa. Mặt khác, đau răng còn có thể gây ra tình trạng chán ăn, sụt cân, thiếu chất dinh dưỡng nếu kéo dài.
Đau đầu dữ dội
Theo BS Cường, đau đầu là triệu chứng thường thấy khi bị sâu răng. Thông thường nếu răng chỉ mới bị sâu ở phần men và ngà, chưa sâu thủng vào tuỷ thì ít gây đau. Nhưng khi bị viêm tủy, bạn sẽ có cảm giác đau đầu dữ dội. Nguyên nhân là răng sâu ảnh hưởng đến dây thần kinh số VII và V.
Do vậy khi bị đau, bạn nên gặp bác sĩ nha khoa để xem răng sâu đã chạm tuỷ chưa và điều trị ngay. Khi răng được điều trị, cơn đau đầu cũng chấm dứt.
Viêm xoang vì nhiễm trùng răng
Các bệnh nhiễm trùng ở răng miệng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây viêm xoang, viêm mũi.
Do chân răng (răng hàm trên) nằm sát xoang hàm, nên khi vùng bị sâu lan rộng sẽ làm tổn thương xoang, gây nên những cơn đau nhức dữ dội. Khi đó, nếu ở giai đoạn sớm, bạn chỉ cần điều trị sâu răng, đồng thời bệnh xoang sẽ tự khỏi. Nếu muộn, bạn không chỉ phải nhổ bỏ răng mà xoang đã viêm nhiễm nặng nề. Khi đó, người bệnh cần điều trị thêm cả xoang.
Ngoài ra, khi răng không khỏe mạnh cũng có thể gây ra viêm họng, thậm chí gây ảnh hưởng xa hơn như tim, thận, khớp.
Nguy cơ liệt mặt, méo mồm
BS Cường cho biết răng liên quan đến thần kinh sinh 3, ảnh hưởng hai hàm và mắt. Dây thần kinh số VII chạy phía trong hàm trên nếu bị ảnh hưởng, có thể gây liệt mặt hoặc méo mồm. Điều này không phổ biến tuy nhiên vẫn có thể xảy ra khi nhổ răng số 8.
Gây bệnh tiểu đường, đau tim
Nhiễm trùng nha chu (nướu hay bị viêm đỏ, chảy máu khi đánh răng,…) được xem là một trong những tác nhân gây suy yếu hệ tim mạch, tăng nguy cơ tai biến mạch máu, đột quỵ, suy tim. Bệnh lý này do vi khuẩn trong túi nha chu xâm nhập vào đường tuần hoàn máu, trực tiếp tác động lên tim và mạch máu.
Thêm vào đó, vi khuẩn nha chu và độc tố của chúng gián tiếp tác động lên gan làm sản sinh những chất có hại cho hệ thống tim mạch.
Vi khuẩn cũng theo đường tuần hoàn máu đến các tế bào và gây nên hiện tượng "kháng insulin", khiến tuyến tụy phải cố gắng tăng tiết insulin. Nếu tình trạng này kéo dài, tuyến tụy sẽ suy nhược dẫn đến bệnh tiểu đường.
Thậm chí theo một nghiên cứu khoa học, nhiễm trùng nha chu khi đang mang thai còn có khả năng gây nên sự giãn nở và co thắt tử cung dẫn đến sinh non.
Lão hóa sớm
Hiện tượng này thường xảy ra khi bị mất hoặc gãy răng, nhất là với xương hàm. Bộ phận này có tác dụng nâng đỡ toàn bộ cấu trúc khuôn mặt. Khi bị tiêu do mất răng, hai má hóp vào, da mặt bị chảy xệ, vùng da xung quanh miệng xuất hiện nếp nhăn làm cho khuôn mặt trông già đi rất nhiều so với tuổi thật.
BS Đỗ Mạnh Cường khuyến cáo, tuyệt đối không coi thường vấn đề sức khỏe răng miệng. Nhiều người vẫn nghĩ rằng răng chỉ là một bộ phận làm nên dáng vẻ bề ngoài cho cơ thể mà không lường những bệnh nguy hiểm chúng ta có thể gặp phải khi bộ nhai không được chăm sóc chu đáo.
Theo đó, cần phải chú ý hơn nữa trong việc chăm sóc răng hàng ngày. Khi răng có các vấn đề, cần tìm đến các địa chỉ nha khoa uy tín để đảm bảo chúng ta sẽ không mắc thêm các chứng bệnh khác.
Riêng về việc chỉnh nha, BS Cường nhấn mạnh càng cần phải chú ý vấn đề này hơn. Nếu người làm không có kinh nghiệm còn có thể khiến bệnh nhân gặp các tai biến như bị lòi chân răng, viêm tuỷ, răng rụng sớm.