Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ranh giới mong manh giữa thời trang dị và xấu

Tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2016, một lần nữa những bộ trang phục “phá cách” đến mức kỳ quái lại gây xôn xao và tranh cãi. Đâu là ranh giới của cái “dị” và cái “xấu”?

Fashionisto Kelbin Lei xuất hiện đầy ấn tượng tại Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam 2016

Đâu là ranh giới của thời trang? Đây là câu hỏi mà không phải ai, dù là fashionista (tín đồ thời trang) rành rẽ nhất, cũng có thể tự tin trả lời. Bởi thời trang là không giới hạn, và lằn ranh phân biệt giữa mặc “dị” và mặc “xấu” đôi khi lại quá mong manh.

Lấy ví dụ ở Việt Nam, cứ mỗi dịp Tuần lễ thời trang mở màn cũng là lúc những cuộc tranh cãi nảy lửa nổ ra trên khắp các mạng xã hội và mặt báo. Từng bộ trang phục được đem ra mổ xẻ, phân tích.

Và tuỳ vào cảm quan nghệ thuật rất riêng của từng người, chúng sẽ được gán ghép với những đặc tính như “đẹp”, “tinh tế”, “dị biệt” hay “xấu xí”. Cái đẹp đôi khi nằm trong mắt người thưởng thức. Điều này rất đúng, kể cả trong thời trang.

Tuy không có chuẩn mực hay giới hạn nào nhất định, nhưng có một điều mà tín đồ thời trang nào cũng nên khắc cốt ghi tâm. Đó là ấn tượng về cái “đẹp” ngay khi vừa chạm mắt.

Thời trang vốn đề cao sự phá cách, khác biệt và “không đụng hàng”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cứ ăn mặc càng khác người, càng nổi loạn thì càng đẹp.

ranh gioi mong manh giua mac di va mac xau anh 1
Bộ cánh lạ lẫm của một tín đồ thời trang tham gia Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam 2016.

Phong cách Avant garde

Trên thực tế, có cả một phong cách thời trang lấy đặc trưng từ sự dị biệt mang tên Avant garde, có nghĩa là thời trang cấp tiến. Phá vỡ những cấu trúc truyền thống của quần áo cơ bản, Avant garde được xem là phong cách thời trang có tính sáng tạo và sức truyền cảm hứng cao nhất.

Với cái đầu đặc dị đầy những tưởng tượng táo bạo, các nhà thiết kế theo đuổi phong cách này đều muốn thoát ra những cái đẹp mang tính ước lệ thường thấy, thậm chí chống lại những hình thức đã được chấp nhận trên trang phục.

Các tín đồ thời trang ưa chuộng lối ăn mặc này được đánh giá là có tư tưởng tự do, phá cách, đi trước thời đại của thiểu số, điển hình như Lady Gaga hay Rihanna.

Những người thuộc phong cách này thường là những người dũng cảm và sáng tạo. Họ tôn sùng màu đen và thường mặc những bộ váy áo táo bạo, nhàu nhĩ hay bất đối xứng một cách rõ rệt.

Avant garde vốn xuất hiện từ những năm 70 ở thế kỷ trước, với bộ sưu tập rách rưới xuất hiện trên sàn diễn Paris và tạo nên hiệu ứng thị giác đặc biệt. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 21, nó mới thật sự bùng nổ với các bộ sưu tập gây sốc của John Galliano đến từ nhãn hàng Dior danh giá.

Xuất hiện như một lời thách thức, tồn tại như một nghịch lý, bộ sưu tập đó đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi nhất trong mọi ngõ ngách của Paris hoa lệ suốt một thời gian dài. Và nó khiến cả thế giới nhìn nhận về thời trang cao cấp bằng một ánh mắt khác. 

Cùng thời điểm đó, những nhà mốt có tiếng lập dị như Rick Owens hay Alexander McQueen cũng vụt sáng trở thành biểu tượng thời trang mới.

Với tài năng và sự "ma quái" của mình, cả 2 đã khiến cả thế giới bị lôi cuốn với các thiết kế vừa tinh giản, phá cách vừa mang ngầm bên trong cả một hệ tư tưởng nổi loạn.

ranh gioi mong manh giua mac di va mac xau anh 2
Sáng tạo, bí ẩn và lôi cuốn đến mê hoặc, đó chính là Avant Garde

Nhật Bản - "Thiên đường mặc dị" 

Một trong những lãnh địa thời trang mang phong cách quái đản nhất thế giới chính là Nhật Bản, “cái nôi" của rất nhiều trào lưu thời trang và làm đẹp độc đáo. Giới mộ điệu xứ hoa anh đào có những cách rất riêng để thể hiện cá tính và cái Tôi của bản thân thông qua trang phục.

Không chạy theo xu hướng chung, không tối giản hay thanh lịch, các tín đồ thời trang Nhật Bản thường thể hiện đẳng cấp bằng phong cách khác biệt và có phần cổ quái. Đó chính là vỏ bọc mà họ tự tạo cho mình để nói lên tiếng nói và những khát khao ẩn chứa trong tâm hồn.

Tuy nhiên, cái chắp vá tưởng như ngẫu hứng trong thời trang đường phố Tokyo, thực ra đều có quy cách và được tính toán rất kỹ lưỡng. Dù đa dạng và đầy màu sắc, thời trang đường phố Nhật Bản vẫn được chia thành 7 loại chính.

Và mỗi loại đều tuân theo nhiều nguyên tắc phối trộn, kết hợp cực kỳ chặt chẽ. Đó chính là sự khác biệt giữa mặc “dị” và mặc “xấu”, mà có lẽ không nhiều người nhận ra được.

Bên cạnh đó, sự dị biệt trong phong cách thời trang còn được thể hiện ở một vài cá nhân nổi trội, mà tiêu biểu là fashionista người Anh gốc Hồng Kông Susie Lau.

Cô mạnh dạn theo đuổi chủ nghĩa tối đa (Maximalist) trong khi cả thế giới đang chạy đua cùng phong cách thời trang tối giản (Minimalist).

Với niềm đam mê bất tận với thời trang, Susie Lau thích mặc nhiều lớp trang phục, với những màu sắc và họa tiết rực rỡ bắt mắt hay thậm chí là chẳng giống ai. Bản năng của cô là tạo nên sự khác biệt bằng mọi cách.

Kể cả khi xuất hiện trong một con phố chật cứng tín đồ thời trang, Susie Lau vẫn luôn nổi bật với vẻ quái chiêu đầy ắp những ý tưởng bất nguyên tắc, mang màu sắc huyễn hoặc của giới thời trang cao cấp.

Mô tả bản thân là “một blogger thời trang toàn thời gian", Susie khẳng định được niềm đam mê thực sự với tài năng và tầm hiểu biết.

Cô được đánh giá là rất khác biệt với những kẻ học đòi, ảo tưởng về thời trang để truyền đạt đi nhận định non nớt yếu kém của mình qua những bộ trang phục không lấy gì làm đẹp mắt.

ranh gioi mong manh giua mac di va mac xau anh 3
Trang phục sặc sỡ mang đậm dấu ấn của Susie Lau.

Cái đẹp là sự dung hòa

Thời trang vốn là sự tổng hoà từ rất nhiều yếu tố như kiểu dáng, chất liệu, màu sắc hay phụ kiện đi kèm. Do đó, để một bộ cánh được đánh giá là “đẹp”, nó phải dung hoà được cùng lúc tất cả các yếu tố đó, cùng sự tương thích với người mặc và địa điểm mặc.

Ở các kinh đô thời trang như Pháp hay Ý, những nhà thiết kế hay stylist cũng chính là những chuyên gia trong đọc vị tính cách con người, để nhìn nhận kiểu trang phục nào sẽ phù hợp nhất với một cá nhân cụ thể.

Do đó, không thể chỉ đơn thuần đắp một đống đồ hàng hiệu lên người để tạo nên một bộ cánh thời trang. Sự quá lố sẽ chỉ phản tác dụng, khiến người mặc gây ấn tượng xấu. 

Vì những người thực sự đam mê và hiểu biết về thời trang hiểu rõ một chân lý rằng thứ chất liệu cốt lõi nhất tạo nên một bộ trang phục đẹp chính là người mặc.





Diệp Trà

Bạn có thể quan tâm