Tận dụng thời gian rảnh, Trung Hiếu (TP.HCM) tìm hiểu ngôn ngữ ít người dùng như một cách chống chán và học kiến thức mới.
Trương Trần Trung Hiếu, 25 tuổi
- Tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM
- Người viết nội dung cho các dự án văn hóa, nghệ thuật
- Đọc hiểu các ngôn ngữ Anh, Nhật, Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Phạn và Hán Việt
Trung Hiếu bắt đầu làm việc tại nhà từ 3 tháng trước vì dịch diễn biến phức tạp. Để tránh cuộc sống chỉ xoay quanh công việc, Trung Hiếu tìm đến tiếng Yiddish.
Yiddish là ngôn ngữ của cộng đồng Do Thái Ashkhenazi, thuộc ngữ hệ Ấn Âu, nhánh Germanic.
Tuy không phải ngoại ngữ phổ biến, từ vựng Yiddish tương đối gần gũi với tiếng Anh (ngôn ngữ Hiếu tự tin nhất). Do đó, Trung Hiếu muốn thử sức và xem mình kiên trì như thế nào.
Xuất phát từ tình yêu ngôn ngữ
Chia sẻ với Zing, Trung Hiếu tiết lộ đây không phải lần đầu tiên anh học ngoại ngữ khác tiếng Anh. Trung Hiếu từng học tiếng Nhật, Hy Lạp qua sách báo, khóa học. Ngoài sở thích cá nhân, hiểu ngôn ngữ giúp ích cho Hiếu trong việc tiếp cận các nền văn hóa.
Nhưng cách Hiếu đến với Yiddish lại khác.
Trung Hiếu nói anh chú ý tiếng Yiddish từ khi đọc tiểu thuyết của nhà văn người Ba Lan Isaac Bashevis Singer. Với rất ít người sử dụng trên thế giới, khả năng Trung Hiếu ứng dụng ngôn ngữ này trong đời sống và học thuật là rất thấp.
"Trước đây, tôi phải cân nhắc kỹ khi chọn học ngôn ngữ vì quỹ thời gian hạn hẹp. Ở thời điểm này, tôi tin mình có đủ thời gian để làm điều mình thích mà không cần tính toán mức độ hữu ích", anh chia sẻ.
Covid-19 khiến Trung Hiếu và nhiều người trẻ phải làm việc từ xa. Tuy nhiên, ở mặt tích cực, đây là lúc họ có những trải nghiệm hoàn toàn mới.
Tự học ngoại ngữ tại nhà
Lần đầu tiên học ngoại ngữ qua ứng dụng điện thoại có nhiều bỡ ngỡ, nhưng Trung Hiếu bật mí anh không đặt nhiều áp lực cho bản thân. Bởi mục đích cuối cùng vẫn là lấp đầy khoảng rảnh rỗi và tìm niềm vui ở nhà.
Vì không còn mất thời gian di chuyển đến văn phòng, mỗi sáng, Trung Hiếu dành 1-2 tiếng học từ vựng, cách phát âm Yiddish và cấu trúc câu qua các bài tập có sẵn trong ứng dụng.
"Lúc nhỏ, chúng ta thường chơi trò viết tin bằng mật mã, hoặc tạo ra ký tự lạ để 'chép phao'. Việc ghi nhớ mặt chữ khi đó khá dễ dàng. Tôi đã dùng tâm thế ấy cho việc học ngoại ngữ của mình. Thay vì căng thẳng, tôi xem bài tập như trò chơi trí tuệ", Trung Hiếu nói.
Trải nghiệm với ngôn ngữ hiếm
Trung Hiếu đồng tình với ý kiến rằng mỗi người cần thực sự giỏi một ngoại ngữ nhất định để ứng dụng trong giao tiếp, không nên "cưỡi ngựa xem hoa". Nhưng khi đã có trong tay ngoại ngữ chủ lực, việc tiếp thu kiến thức mới được Hiếu xem như thú vui riêng.
Sau ngày làm việc, Trung Hiếu thường tập chép tay Yiddish ra giấy để thư giãn, giảm stress và tái tạo năng lượng.
"Một số ngôn ngữ không dùng để giao tiếp mà giúp ích cho tôi trong việc tiếp cận tài liệu giá trị, hỗ trợ công việc. Hơn nữa, khi bước ra vùng hiểu biết an toàn của mình, tôi có thêm góc nhìn sâu sắc về các dân tộc, lịch sử và nền văn hóa", Trung Hiếu nói.
Kinh nghiệm học ngoại ngữ của Trung Hiếu:
- Tiếp cận: Tìm đọc thông tin về ngôn ngữ, gồm ngữ hệ, mối liên hệ với ngôn ngữ khác, cộng đồng sử dụng, không gian địa lý của họ, một số tác phẩm văn học liên quan,...
- Lập thói quen: Để đạt hiệu quả, cách tốt nhất là bạn dành thời gian học đều đặn mỗi ngày. Vài phút trước khi đi ngủ mỗi tối cũng có ích với người bận rộn.
- Đặt ngôn ngữ vào đời sống: Theo dõi các trang mạng xã hội cùng đề tài, xem phim, nghe nhạc, đọc tài liệu, làm bất cứ điều gì để nhìn thấy ngôn ngữ liên tục.