Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ráo riết bứt phá trong 'Đại chiến OTT'

Vào thời điểm tháng 3/2013, khi cả ba ứng dụng OTT là Zalo (Việt Nam), LINE (Nhật Bản) và Kakao Talk (Hàn Quốc) cùng cán mức trên dưới 1 triệu người dùng tại VN, thế chân vạc “dền dứ” không ai chịu ai vì thế chưa có ứng dụng nào vượt lên hẳn.

Ráo riết bứt phá trong 'Đại chiến OTT'

Vào thời điểm tháng 3/2013, khi cả ba ứng dụng OTT là Zalo (Việt Nam), LINE (Nhật Bản) và Kakao Talk (Hàn Quốc) cùng cán mức trên dưới 1 triệu người dùng tại VN, thế chân vạc “dền dứ” không ai chịu ai vì thế chưa có ứng dụng nào vượt lên hẳn.

Ứng dụng Việt bứt phá

Hai tháng qua (4-5/2013) là hai tháng nóng hừng hực về cuộc “đại chiến OTT”. Hết LINE, đến Kakao Talk và hiện đang là Zalo tung ra chiến dịch quảng bá rầm rộ. LINE (mới công bố cán mức 150 triệu người dùng trên thế giới) tốn núi tiền đổ vào Facebook, mạng xã hội với nhiều món quà hấp dẫn và giá trị tặng người dùng, quảng cáo trên TV với hình ảnh đại diện là diễn viên-ca sĩ Minh Hằng.

Sau một bước nhưng Kakao Talk cũng không vừa. Chiến dịch rầm rộ của LINE đã chạm đến “tự ái” của Kakao Talk vốn có số người dùng nhiều nhất tại Hàn Quốc (6 triệu người dùng), và ứng dụng này đã bắt đầu cuộc chiến quảng bá cũng quyết liệt không kém với phương thức cũng tương tự như LINE đã làm, chỉ khác gương mặt đại diện cho Kakao Talk là hotgirl Midu và bang nhạc Big Bang của Hàn Quốc.

 

Biểu đồ tăng trưởng của Zalo.

Một cuộc đua tam mã, sự đứng im có nghĩa là tụt hậu, vì thế Zalo vốn sinh sau đẻ muộn và tham gia thị trường VN cũng muộn nhất buộc phải bước vào chiến dịch. Thực ra, trước sức nóng của cuộc “đại chiến OTT” trên thị trường thì lãnh đạo VNG cũng đã có kế hoạch và chuẩn bị tinh thần từ nhiều tháng trước với việc chọn năm 2013 là năm bản lề cho Zalo. Chính vì thế, khi chiến dịch quảng bá của Zalo được tung ra, mang tính toàn diện hơn.

Zalo được quảng bá từ trong các thang máy khu cao ốc, trên xe bus, trên mạng xã hội và các trang mạng, đến những TVC với hình ảnh đại diện nào là Cường Seven-hotgirl Chi Pu, diễn viên-người mẫu Andrea. Dàn người đẹp và sao mà Zalo hợp tác để quảng bá ứng dụng rất hùng hậu, ca sĩ nổi tiếng có Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Đan trường, Đông Nhi, thậm chí còn có cả hoa hậu, người mẫu, diễn viên, cầu thủ bóng đá, những blogger và các phóng viên miệt mài tung các status, hình ảnh, note trên Facebook và các trang mạng…

Nội bộ giới làm truyền thông của VNG kháo rằng “chỉ có Zalo là sướng”, nghĩa là Zalo được tập trung kinh phí khá dồi dào và thoải mái để làm marketing và truyền thông. Nhưng rõ ràng, sự truyền thông cho Zalo tiêu tiền nhiều nhưng đã cho thấy hiệu quả, chí ít là người ta thấy thông tin về Zalo tràn ngập mỗi ngày ở mọi nơi.

Với cách làm như vậy thì việc Zalo bứt phá lên trở thành ứng dụng đầu tiên trong cuộc đua tam mã cán mức 2 triệu người dùng thực như là một hệ quả tất yếu. Họ cán mức vào những ngày đầu tháng 5/2013, nghĩa là đã có sự tăng trưởng người dùng gấp đôi sau hai tháng. Và theo Zalo, số người dùng tăng trưởng đến gần 700% so với năm tháng trước. Mỗi ngày hiện nay, có khoảng 15 triệu tin nhắn được gửi qua Zalo, và cứ mỗi giây có 1,2 hình ảnh và 1 dòng cảm nghĩ được chia sẻ trên Zalo.

Khi ghi nhận những con số khá khả quan như vậy của Zalo thì người dùng Việt có lẽ cũng thoáng buồn khi nghĩ đến Wala: Ra đời sớm, được truyền thông khá ưu ái, nhưng bây giờ rơi lẹt đẹt lại phía sau với chỉ hơn 60.000 người dùng.

Mức 2 triệu người dùng là cái chi chi?

Cán mức 2 triệu người dùng, Zalo tạm thời qua mặt LINE và Kakao Talk tại thị trường VN. Nhưng nếu xét về loại hình ứng dụng OTT, tại VN, số người dùng Zalo vẫn còn xếp sau Viber. Song, vì sao Zalo chưa tự đặt mục tiêu đua với Viber hay WhatsApp, mà chỉ đưa LINE và Kakao Talk vào tầm ngắm?

Viber, WhatsApp là các ứng dụng OTT mang tính “truyền thống”, nghĩa là chỉ tập trung vào hai tính năng cơ bản là nhắn tin và gọi điện miễn phí. Hiện nay tại VN, hai ứng dụng này được dùng nhiều cho việc liên lạc ra nước ngoài, mà dường như chưa đưa vào nhiều tính năng giải trí, chia sẻ...Trong khi đó, Zalo, LINE, Kakao Talk đang đi theo hướng mạng xã hội di động, bên cạnh hai tính năng cơ bản trên còn rất nhiều tính năng truyền thông và giải trí khác với điểm nhấn là hình ảnh, trang cá nhân, các chia sẻ.v.v... được hỗ trợ tối đa về giao lưu và tương tác.

Nghĩa là ở phân khúc hẹp ứng dụng OTT truyền thông và giải trí tại thị trường VN, Zalo đang vượt lên. Thế nhưng, tại sao Zalo phải “sướng” với mức 2 triệu người dùng trên tổng số bốn, năm chục triệu người dùng ĐTDĐ nói chung hay khoảng mười triệu người dùng smartphone nói riêng? Có một lí do: Mức hai triệu là chạm ngưỡng đủ để Zalo lan tỏa tự nhiên trên Facebook. Và trên môi trường này, Zalo có thuận lợi trong việc thu hút thêm nhiều người dùng mới và đỡ gánh nặng công sức cũng như tiền của đầu tư cho chiến dịch quảng bá. Chính vì thế mà ông Vương Quang Khải-“Tư lệnh” của khối Zing nói chung và Zalo nói riêng-mới dám đặt ra mục tiêu đầy tham vọng tiếp theo là 5 triệu người dùng, tương đương 50% lượng người sử dụng smartphone tại VN.

Theo Lao động

Theo Lao động

Bạn có thể quan tâm