Giọng hát Việt nhí từng là một “đế chế”. Những năm đầu, chương trình này có rating và giá quảng cáo cao ngất ngưởng. Cũng từ “đế chế” này, rất nhiều giọng ca tài năng đã xuất hiện, Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân, Tlinh là những ví dụ. Chương trình cũng đã nuôi dưỡng không ít tài năng khác để vài năm sau đó các cô bé, cậu bé năm nào trở thành ca sĩ, dự thi những cuộc thi cho người lớn hoặc tiến thẳng thị trường.
Nhưng những năm gần đây, Giọng hát Việt nhí vốn “làm mưa làm gió” một thời bị cho là không còn sức hút như trước. Trong lần trở lại vào năm 2021 sau một năm gián đoạn, Giọng hát Việt nhí quyết định “thay áo”. Bên cạnh dòng nhạc pop mang tính truyền thống của cuộc thi, lần đầu tiên, Giọng hát Việt đưa rap vào.
Sau 4 tập lên sóng, rap trở thành một trong những thể loại âm nhạc chính được các thí sinh sử dụng, dễ thương và sinh động hơn những hoài nghi ban đầu.
BigDaddy và Emily lần đầu làm huấn luyện viên Giọng hát Việt nhí. Ảnh: Phương Lâm. |
Rap ở Giọng hát Việt nhí phù hợp với trẻ em
Giọng hát Việt nhí là chương trình truyền hình thực tế được sản xuất theo khuôn mẫu chương trình The Voice Kids của Hà Lan, hướng đến đối tượng là các bạn nhỏ có số tuổi từ 6 đến 15.
Chương trình lần đầu lên sóng VTV từ năm 2013 và liên tiếp được tổ chức. Sau nhiều mùa lên sóng, những năm gần đây, chương trình có nhiều thay đổi về huấn luyện viên cũng như format. Tuy nhiên, Giọng hát Việt nhí năm nay là phiên bản đổi mới nhất.
Lần đầu tiên có hai rapper ngồi ghế nóng Giọng hát Việt nhí là BigDaddy và Hưng Cao MC ILL. Trong đó, BigDaddy “cầm cân nảy mực” ở King of Rap 2020, trong khi Hưng Cao là một trong những rapper có tiếng trong giới underground, “giáo chủ” của trường phái punchline trong rap.
Không chỉ còn pop, R&B hay dân gian, các thí sinh của Giọng hát Việt nhí năm nay được phép rap và kết hợp rap với dòng nhạc khác. Điều này từng gây lăn tăn, tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến trong giới cho rằng rap không thực sự phù hợp với trẻ em do sự gai góc, đời sống, phóng túng thường thấy của thể loại âm nhạc này.
Tuy nhiên, sau 4 tập của vòng Giấu mặt đã lên sóng, phần rap của các thí sinh nhí khá gần gũi và dễ thương. Những chủ đề rap phù hợp với khán giả nhỏ tuổi, xuất phát từ thế giới quan và khả năng quan sát riêng.
Một trong những thí sinh gây ấn tượng là Đồng Hiền Trang Anh với bản rap Bài ca hóa học. Ca khúc do cô bé tự sáng tác, khai thác chủ đề trường học. Nội dung nói về tâm trạng, suy tư của tuổi mới lớn khi đứng trước những bài tập khó, đặc biệt là hóa học. Bản rap có nhiều ví von thú vị.
Ngoài Đồng Hiền Trang Anh, tập gần nhất, Kelvin Huỳnh cũng là thí sinh ấn tượng. Tiết mục Tình yêu nước ngọt đề cập đến sở thích của nhiều em nhỏ. Tuy vẫn tồn tại những hạn chế nhất định trong cách delivery (thi triển rap), màn dự thi của Kelvin Huỳnh màu sắc và nhiều năng lượng khiến các huấn luyện viên tranh giành quyết liệt.
Nhìn chung, nếu xét về rap, các thí sinh Giọng hát Việt còn có những hạn chế về gieo vần, xây dựng tổ hợp flow. Tuy nhiên, cách chọn chủ đề và khả năng trình diễn là những điểm cộng. Rap trong góc nhìn của trẻ em cũng mang đến một tinh thần khác, không kém phần dễ thương và mới lạ.
Kelvin Huỳnh gây ấn tượng với tiết mục Tình yêu nước ngọt. |
Giọng hát Việt nhí có còn bội thu trên giờ vàng?
Giọng hát Việt nhí từng là một chương trình "hái ra tiền". Theo báo giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình thuộc VTV, giá quảng cáo Giọng hát nhí mùa 1 từng lên tới 280 triệu đồng/30 giây quảng cáo.
So với các chương trình nhí từng lên sóng VTV như Đồ Rê Mí, với mức quảng cáo chỉ từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/30s, Giọng hát Việt nhí được đánh giá cao ở mức “ngất ngưởng”. Cụ thể là đêm chung kết Giọng hát Việt nhí 2013 với cuộc đua tài của Phương Mỹ Chi và Quang Anh, giá quảng cáo của chương trình lên tới 280 triệu/30s.
Song, đây vẫn chưa phải là mức cao nhất. Mức cao nhất mà Giọng hát nhí từng đạt được phải là năm 2016 (Nhật Minh đăng quang). Giá quảng cáo của chương trình năm 2016, theo báo giá của VTV là 300 triệu đồng/30s trong thời gian phát sóng chương trình.
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh vào năm 2016, giá quảng cáo The Voice Kids liên tục giảm ở những năm tiếp theo. Năm 2017, giá quảng cáo chương trình chỉ có giá 250 triệu đồng/30s, tức giảm 50 triệu/30s. Trong khi khung 10 giây là 125 triệu đồng, bằng nửa khung 30 giây.
Năm 2018, số liệu về giá quảng cáo của chương trình tiếp tục giảm. Trong 30 giây phát sóng của Giọng hát Việt nhí 2018 được VTV chào bán với giá 200 triệu đồng, giảm 50 triệu đồng/30s so với năm 2017 và giảm 100 triệu đồng/30s so với năm 2016.
Giọng hát Việt nhí năm nay không mất giá so với năm 2019 nhưng chưa lấy lại được thời kỳ hoàng kim. |
Đến năm 2019, giá quảng cáo của Giọng hát Việt tiếp tục giảm. Theo báo giá của VTV, giá quảng cáo Giọng hát Việt nhí năm nay không thay đổi từ đầu mùa đến chung kết với mức 180 triệu đồng/30s. Mức giá này giảm 20 triệu đồng/30s so với năm 2018, và giảm 120 triệu đồng/30s so với đỉnh cao của năm 2016.
Sau nhiều năm giảm, đáng chú ý là với sự xuất hiện của rap trong phiên bản mới năm nay, Giọng hát Việt nhí bình ổn giá so với mùa gần nhất. Theo báo giá của VTV, Giọng hát Việt nhí 2021 có giá quảng cáo là 180 triệu đồng cho TVC 30 giây. Như vậy, giá quảng cáo của chương trình năm nay tương đương năm ngoái, không giảm nhưng cũng không tăng.
Với mức giá này, Giọng hát Việt nhí đắt giá ngang King of Rap, cũng có giá quảng cáo là 180 triệu đồng cho TVC 30 giây. So với các game show trên sóng truyền hình hiện nay, đây là mức giá cao.