Sau 3 MV nhạc Trịnh ra mắt liên tiếp trong năm 2019, bao gồm Diễm xưa, Mưa hồng và Biển nhớ, cuối tháng 5 vừa qua, Hà Lê giới thiệu trọn vẹn album nhạc Trịnh với tên Ở trọ. Thành phẩm được giới thiệu là “remake”, như một hình thức tái sản xuất, thay vì “cover” (hát lại) đơn thuần, vốn đã quá phổ biến với những người mộ điệu nhạc Trịnh suốt nhiều năm qua.
Lựa chọn của Hà Lê ngay từ thời điểm công bố dự án và đăng tải MV đầu tiên đã nhận những bàn luận trái chiều. Khán giả có quyền hoài nghi khi một rapper làm mới nhạc Trịnh, lại làm mới kiểu thay đổi giai điệu và phối theo cách khác hoàn toàn truyền thống.
Song, một năm nhìn lại, và đặc biệt với chất lượng album Ở trọ vừa ra mắt, Hà Lê đã mang đến một góc nhìn khác, về chính anh, về dấu ấn đương đại của sản phẩm và cả thái độ dũng cảm khi động tới “khuôn vàng thước ngọc” nhạc Trịnh.
Cởi áo… rap, khoác áo mới
Ở trọ trước hết là một diện mạo mới của Hà Lê trong hình dung của khán giả nghe nhạc. Được biết đến như một dancer, rapper, nghệ sĩ hip hop theo đuổi sự phóng khoáng, tự do, vốn thật khó để hình dung một ngày Hà Lê lại thể hiện bản thân như một vocal đầy biến báo, trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn.
Do vậy, trước khi bàn đến câu chuyện chất liệu âm nhạc đương đại hay thể thức của việc làm mới, dấu ấn đầu tiên từ Ở trọ là một cuộc lột xác của Hà Lê. Anh cởi bỏ “áo rap” để khoác lên mình một chiếc áo mới hơn nhưng cũng nặng hơn rất nhiều. Bởi, trước Hà Lê, không ít nghệ sĩ từng thử nghiệm với nhạc Trịnh. Song, sòng phẳng mà nói, bại nhiều hơn thành.
Sau Khánh Ly, công chúng chỉ chấp nhận sự dương tính của Hồng Nhung trong nhạc Trịnh. Mọi cuộc cách tân khác, khi Trịnh Công Sơn đã rời cõi tạm, đều không thể trở thành những sự định danh đáng nhớ.
2 năm trước, từng có một giọng ca rất nổi tiếng nhờ nhạc bolero ra mắt album nhạc Trịnh nhưng không thuyết phục được số đông khán giả vì lối hát nặng nhạc trữ tình, trong khi cách hòa âm – phối khí lại quá truyền thống.
Hà Lê thay đổi giai điệu, cấu trúc bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
Khác với cách làm mới vẫn thiên nhiều về cover như một số giọng ca sau Khánh Ly - Hồng Nhung áp dụng, Ở trọ của Hà Lê là cuộc mạo hiểm và “cách mạng” đúng nghĩa.
Nam rapper và music producer (sản xuất âm nhạc) Tùng Tic đã thay đổi gần như toàn bộ giai điệu nhạc Trịnh bằng cách hòa âm - phối khí, chia câu, tạo nhịp hoàn toàn khác.
Nền giai điệu truyền thống, đi qua năm tháng của 7 ca khúc nhạc Trịnh đã được chuyển sang R&B, world music, thậm chí là cả dream-pop, reggae, chill-out, trong sự xuyên suốt, chủ đạo của EDM - nhạc điện tử.
Dù vậy, một giá trị vẫn được giữ nguyên trọn vẹn đó là nội dung ca từ của nhạc Trịnh. Tinh thần văn ca của nhạc Trịnh được Hà Lê và ê-kíp trân trọng tối đa. Mà với nhiều người, giá trị sau cùng, cũng là “khuôn vàng thước ngọc” của nhạc Trịnh nằm ở ca từ với tầng tầng lớp lang ý nghĩa, hơn là phần giai điệu.
Thiếu thừa của chất liệu âm nhạc đương đại
Album Ở trọ của Hà Lê gồm 7 ca khúc: Ở trọ, Diễm xưa, Mưa hồng, Biển nhớ, Tuổi đá buồn, Nhớ mùa thu Hà Nội và Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Tất cả đều là những sáng tác nổi tiếng của nhạc Trịnh, được nhiều người yêu thích.
Trong đó, Ở trọ vừa được lấy làm tựa chủ đề, vừa là ca khúc được sắp xếp đầu tiên trong album. Ca khúc mở đầu với tiếng chim hót trong vườn và ngay sau đó là lời tâm sự của cố nhạc sĩ “Người này có thể là bụi tre, người kia có thể là cây trúc, cây thông…”.
Câu nói mang hàm ý mỗi người một vẻ, mang những sứ mệnh riêng, nhiệm vụ riêng. Chọn mở đầu bằng một lời dẫn dụ như vậy, có thể cũng chính là tinh thần mà Hà Lê muốn gửi gắm trong album, thông qua những chất liệu âm nhạc khác biệt, mà đôi khi dễ bị chê là thiếu một sự đồng bộ hoàn hảo.
Song về mặt âm nhạc, Ở trọ không sở hữu bản phối ấn tượng nhất so với những ca khúc khác trong album. Ca khúc dừng ở mức sử dụng vừa vặn nhạc điện tử và đủ để giới thiệu một giọng hát khá tốt của Hà Lê như sự mở đầu cho một sản phẩm nhưng chưa đủ lực để tạo ra những ấn tượng sâu sắc.
Tinh thần này sau đó tiếp tục được chuyển tới Diễm xưa. Diễm xưa cũng sở hữu vòng hòa thanh, giai điệu hoàn toàn khác so với truyền thống nhưng vẫn cho cảm giác không “đã” và không đủ “lý” để người nghe phải chọn nghe phiên bản mới thay vì những dấu ấn cũ.
Nhưng đến Mưa hồng, dấu ấn “remake” đã trở nên hoàn toàn thuyết phục.
Nền EDM và R&B là tinh thần chủ đạo của Ở trọ. |
Không chỉ là sự kết hợp giữ R&B và nhạc điện tử, với lối hát R&B rất Âu Mỹ. Quan trọng, sự tương tác với chất dream-pop của khách mời Bùi Lan Hương đã tạo nên những chiều kích ấn tượng, đủ để thuyết phục người nghe.
Cách xử lý âm thanh của Tùng Tic trong ca khúc này cũng chứa đựng nhiều giá trị sáng tạo giữa cách làm nhạc hiện đại pha trong âm thanh của tiếng đàn bầu và lại tỏ ra rất phù hợp với sự kết hợp của Bùi Lan Hương và chủ nhân album: rapper Hà Lê.
Đến Biển nhớ, sự phá cách tiếp tục được đẩy mạnh nhưng thu hút hơn cả là giọng hát đầy màu sắc của Hà Lê, trong cả cách luyến láy, nhấn nhá, nhả chữ. Đây cũng là ca khúc có cài một đoạn rap. Dù cũng hơi tiếc là đoạn rap này tỏ ra khá lạc tông và không thực sự ăn nhập với sự sáng tạo của giai điệu, bản phối.
Sau Biển nhớ là ca khúc xuất sắc của album Ở trọ: Tuổi đá buồn. Ca khúc là toàn bộ những đong đầy về tình cảm, là phiên bản R&B nhất trong album, cũng là nơi nhạc điện tử trở nên hữu dụng nhất so với các ca khúc khác.
Hà Lê không chỉ thổi vào ca khúc một làn gió mới vẫn giữ được nỗi buồn man mác, mà toàn bộ xử lý về giọng hát của anh trong track này xứng đáng nhận được những khen ngợi. Tuổi đá buồn cũng có thể được coi là track có tính đương đại nhất trong album nhạc Trịnh lần này của nam rapper.
Với hai ca khúc cuối album là Nhớ mùa thu Hà Nội và Huế, Sài Gòn, Hà Nội, tính R&B được giảm nhiệt hơn, không còn đậm đặc như trước. Trên nền nhạc điện tử, một số màu sắc âm nhạc khác như chill-out, reggae xuất hiện. Hai ca khúc, do vậy, nghe phóng khoáng và tự do.
Điểm gây tiếc nuối là giọng của Dương Hoàng Yến trong màn kết hợp với Hà Lê ở Nhớ mùa thu Hà Nội hơi cũ, nghe rất giống cách hát vốn đã là khuôn thước của Hồng Nhung. Đi theo lối cũ, vô tình khiến chỉnh thể ca khúc thiếu hòa hợp so với sự chủ đạo của tính âm nhạc đương đại. Dù vậy, ca khúc vẫn mang đến những hình dung về một Hà Nội mới, với nhịp sống tươi trẻ hiện đại, đương thời.
Đây cũng là tinh thần của Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Ca khúc trẻ trung, sôi động và tràn ngập sự hứng khởi. Chất reggae tạo ra những thanh âm tưng tửng, sảng khoải và cuốn hút người nghe, vừa đẹp để kết lại album.
Tuổi đá buồn là ca khúc ấn tượng nhất trong album. |
Với Ở trọ, Hà Lê nhìn chung đã đi hoàn toàn khỏi vùng an toàn của nhạc Trịnh mà nhiều thế hệ đã xây dựng và định hình. Những chất liệu âm nhạc được đưa vào bản chất cũng không phải quá mới mẻ trên thị trường nhưng đặt trong nhạc Trịnh lại là những dấu ấn đương đại.
Không phải ngẫu nhiên mà gia đình Trịnh Công Sơn và nhiều nhạc sĩ chuyên môn ủng hộ Ở trọ, lý do chỉ có thể được giải thích rằng Hà Lê đã làm mới và làm tới.
Song, tất nhiên, dù sáng tạo và đương đại cỡ nào, Ở trọ vẫn là album nằm trong khuôn khổ của dự án remake, khán giả vẫn chờ một Hà Lê đương đại và có những sản phẩm riêng mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn.