Các bệnh lý phổ biến là cảm cúm, cảm lạnh, viêm phổi, viêm đường hô hấp. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, anh Hùng (Phú Thọ) ngồi co ro ở hành lang, bên cạnh là chiếc chăn bông mang theo để cho con đắp, cho hay: “Hôm qua trời rét đậm, lại kèm theo nhiều gió, nên con trai tôi bị viêm phổi nặng. Cháu đang được khám và làm thủ tục nhập viện”.
Số lượng bệnh nhi mắc các bệnh viêm đường hô hấp tăng cao vào đợt rét. Ảnh: HQ. |
Tương tự, chị Hoa (Tây Sơn, Hà Nội) đang bế con gái 11 tháng tuổi được bọc kín trong chiếc chăn sốt ruột: "Đêm qua cháu bị ra nhiều mồ hôi, sau đó sốt cao liên tục nên sáng nay gia đình vội đưa vào viện. Trời lạnh, nhiều người lớn còn bị ốm huống hồ đứa trẻ 11 tháng tuổi này".
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi cho hay, đợt lạnh kỷ lục này khiến số lượng bệnh nhi tăng cao, dẫn đến tình trạng quá tải do số lượng từ tuyến dưới chuyển lên.
Trong đó, đáng chú ý nhất là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp khiến trẻ bị viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi. Những bệnh lý này không được chủ quan bởi trẻ dễ bị suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong.
PGS Dũng khyến cáo, trẻ cần được giữ đủ ấm, nhất là miệng, mũi, cổ và chân bằng việc tránh ra ngoài và bảo đảm không khí ấm áp trong phòng. Đặc biệt, tuyệt đối không nên sử dụng than đá, than củi để sưởi ấm cho trẻ, vì khí than tỏa ra rất độc. Khi trẻ bị ho kéo dài, cần đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ can thiệp, không nên tự điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần chú ý việc không ủ ấm quá mức khiến trẻ bị mồ hôi, ngấm ngược vào người, dễ bị nhiễm lạnh, gây viêm phổi.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 103 cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhi nhập viện tăng cao hơn trong những ngày vừa qua. Đại tá Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Cấp cứu cho hay: “Theo thống kê sơ bộ, số lượng bệnh nhân không tăng cao, nhưng số trẻ em và người già mắc bệnh nặng phải nhập viện tăng cao hơn hẳn trong hai ngày qua”.
Theo đó, trẻ bị nhiễm lạnh dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp nhiều. Tug nhiên, bác sĩ khuyến cáo, tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống. Nếu trẻ có các biểu hiện khó kiểm soát phải đưa ngay vào viện.
Ngoài ra, với người cao tuổi, khi trời rét, cơ thể mất nhiệt nhiều, mạch tự co lại để giữ nhiệt, làm sức cản thành mạch tăng lên, huyết áp tăng gây nên một loạt biến chứng, dễ gây tai biến mạch máu não, mạch ở thận, mắt, mạch vành, những cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim. Vì vậy, đa số người già nhập viện tại đây trong tình trạng nguy hiểm như đột quỵ, xuất huyết não.
Phải tiêm chủng đầy đủ
Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ y tế đặc biệt lưu ý, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chuẩn lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, không nên vì thời tiết lạnh giá để trẻ bị trì hoãn. Bởi khi không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đúng lịch sẽ có khoảng trống thời gian nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản.
Khi đi tiêm chủng, trẻ phải được giữ ấm đúng cách, đi tất đảm bảo chân, tay đủ ấm, không bị gió lùa. Trong trường hợp trời mưa phải đảm bảo trẻ không bị thấm nước mưa nhưng cũng không đùm trẻ quá kín bằng áo mưa, vải nilon dẫn đến không thoát được mồ hôi hoặc thiếu khí thở. Đây là nguyên nhân trẻ dễ bị ngạt hoặc viêm phổi. Đối với trẻ nhỏ rất dễ bị viêm đường hô hấp, dẫn đến viêm phế quản phổi, nguyên nhân do virus hoặc vi khuẩn, đây là bệnh rất nguy hiểm dễ dẫn đến biến chứng nặng và gây tử vong.
Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện:
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.
- Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế