Trong thế giới đồng hồ, “tứ đại” complications (các chức năng ngoài chỉ giờ, phút và giây) gồm: điểm chuông, bấm giờ thể thao kép, lịch vạn niên và tourbillon. Đây đều là những chức năng phức tạp và đắt đỏ nhất, có thể phô diễn khả năng chế tạo cơ khí vi mô của ngành công nghiệp chế tác đồng hồ, nhưng trên thực tế, tính tiện lợi của chúng chỉ ngang những chiếc đồng hồ thông minh.
Trong bối cảnh đó, G-Sensor được hãng đồng hồ Richard Mille ứng dụng trên thiết kế của mình để tạo nên dòng sản phẩm đặc biệt, kết hợp tinh tế giữa thời trang và công nghệ.
RM 36 Jean Todt với thang đo có phần màu xanh tượng trưng cho vùng an toàn, màu đỏ cảnh báo người lái xe đang vào cua quá gắt. Sản phẩm lấy cảm hứng thiết kế từ nhu cầu sử dụng của ngài Jean Todt - Chủ tịch Hiệp hội Đua xe Thế giới FIA. |
Chức năng G-sensor hay còn gọi là cảm biến lực G, tương đương với đơn vị đo trọng lực tác động lên một vật thể, được tạo ra bởi sự gia tốc hoặc thay đổi hướng một cách đột ngột và liên tục.
Chức năng này nhằm đo lực phát ra từ một cú “swing” trong bộ môn thể thao golf, pha vào cua gắt khi đua xe hay những cử động mạnh đột ngột phát ra từ cổ tay của người đeo đồng hồ. Cụ thể, một pha cua trái của Lewis Hamilton trên chiếc xe đua Mercedes với vận tốc 200 km/h tương đương 6,5 Gs, hay một cú swing của một trong những tay golf có lực tay mạnh nhất Bubba Watson sẽ “nặng” trung bình khoảng 8 - 10 Gs.
RM 36-01 Sebastien Loeb là chiếc đồng hồ G-sensor duy nhất có hình tròn và cấu tạo xoay. Cấu tạo xoay tròn này giúp người đeo có thể điều chỉnh hướng tính lực của đồng hồ, vì bản đồ đua đường trường rất phức tạp và đa dạng nên lực G có thể bị tác động từ nhiều phía. Sản phẩm được chế tạo dành riêng cho một trong những tay đua đường trường số 1 thế giới. |
Con người có thể chịu đựng được đến 100 Gs trong 1/10 giây. Một cú tát mạnh vào mặt có thể lên đến hàng trăm Gs nhưng không hề tạo ra thương tổn nặng trên mặt. Tuy nhiên, việc chịu đựng khoảng 16 Gs trở lên trong vòng 1 phút có thể dẫn đến liệt toàn thân và thậm chí tử vong. Bạn sẽ cảm thấy toàn thân như bị bóp nghẹt lại và rất khó thở nếu phải chịu đựng một lực G lớn.
RM 50-01 Lotus F1 Team đánh dấu sự kết hợp giữa Richard Mille và đội đua Lotus. RM 50-01 mô phỏng một phiên bản thu nhỏ của mẫu xe đua Lotus năm 2014 với phối màu đỏ - vàng - đen. Đây là mẫu G-sensor duy nhất kết hợp thêm chức năng Chronograph, làm bằng chất liệu carbon siêu nhẹ trứ danh của Richard Mille và phối vàng hồng ở lớp giữa đồng hồ. |
Được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013, đến nay, chưa một cỗ máy thời gian nào có thể sao chép được tính năng đo lường phức tạp này trên chiếc đồng hồ Richard Mille. Bạn không thể gắn G-sensor lên một cỗ máy tourbillon làm bằng platinum, vì sau khi đo được một cú swing vận tốc 200 km/h, quán tính gây ra bởi sức nặng của đồng hồ sẽ phá hủy mọi thứ bên trong.
RM 38-01 Bubba Watson sản xuất giới hạn 50 chiếc có thang đo lực cao nhất trong cả 4 mẫu đồng hồ G-sensor của Richard Mille. RM 38-01 có khả năng đo được tới 20 Gs thay vì 6 Gs. |
Sự khác biệt của RM 38-01 Bubba Watson bắt nguồn từ những cú swing có phát lực quá mạnh của tay golf Bubba Watson đã phá hủy RM 38 - mẫu đồng hồ tiền thân của RM 38-01 vốn có giới hạn đo lực là 8 Gs. |
Phân tích lực G rất quan trọng trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học nghiên cứu hành tinh, vật lý thiên văn, khoa học tên lửa và công nghệ kỹ thuật chế tạo các cỗ máy phức tạp, sử dụng động cơ có kích thước lớn và hiệu suất cao như máy bay chiến đấu siêu thanh và xe đua.
Với triết lý đồng hồ “Racing machine on the Wrist”, Richard Mille một lần nữa làm bất ngờ giới mộ điệu bằng cách chuyển thể công nghệ tân tiến của thế giới vào trong những “cỗ xe đua trên cổ tay” của mình.