Ngày 5 và 6/9/1972 là những ngày đen tối nhất lịch sử Olympic khi giải đấu được tổ chức tại Munich, Đức. 11 thành viên của đội tuyển Olympic Israel bị bắt làm con tin sau đó bị giết hại cùng một sĩ quan Đức. Thời điểm xảy ra vụ thảm sát nằm ở tuần thứ hai của Đại hội.
Hôm 13/11, Paris (Pháp) đã rúng động bởi các vụ nổ liên tiếp. Những kẻ khủng bố chọn nơi đông người để hành động, trong đó có sân vận động Parc des Frances, nơi diễn ra trận giao hữu giữa tuyển Pháp và Đức. Hàng nghìn người hâm mộ được sơ tán xuống sân. Cuộc tấn công khiến trên 130 người chết và hơn 300 người bị thương.
Chính quyền Rio sẵn sàng hành động
Những vụ khủng bố nhắm vào thể thao nói trên đã dấy lên lo ngại về vấn đề an ninh tại Olympic Rio 2016. Cho dù Brazil không nằm trong kế hoạch ưu tiên tấn công của những kẻ khủng bố, song các nhà tổ chức vẫn lên kế hoạch tăng cường gấp đôi lượng nhân viên an ninh so với Olympic London 2012.
Chia sẻ với phóng viên của CNN, Giám đốc an ninh bang Rio Jose Mariano Beltrame khẳng định thành phố không có ý định thay đổi kế hoạch an ninh tại Olympic 2016. Tất cả đều được cảnh báo ở mức độ cao nhất.
65.000 cảnh sát và quân đội và 15.000 nhân viên an ninh dự phòng sẵn sàng tham gia bảo vệ Olympic Rio 2016. Ảnh: Yahoo. |
“Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố luôn là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng và liên hệ với các đoàn tham dự. Tất cả đã sẵn sàng cho Đại hội”, ông Beltrame cho biết. Theo ông Beltrame, thành phố đã tiến hành lắp đặt hàng nghìn camera trên mọi con phố để kiểm soát an ninh.
Theo kế hoạch, có khoảng 65.000 cảnh sát và quân đội tham gia đảm bảo an ninh cho Olympic diễn ra tại Rio và những vị trí trọng điểm. Ngoài ra, 15.000 nhân viên an ninh dự phòng có thể được huy động bất kỳ lúc nào. Con số này cao gấp đôi so với 40.000 nhân viên an ninh tham gia bảo vệ Thế vận hội London 2012.
“Tại thời điểm này, nhận thức về mức độ rủi ro của chúng tôi không thay đổi”, ông Beltrame nhấn mạnh. Người đứng đầu cơ quan an ninh bang Rio cũng khẳng định tăng cường lực lượng dự phòng nếu các đoàn thể thao đòi hỏi sự an toàn lớn hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có sự lạc quan như ông Beltrame. Trong một sự kiện diễn ra tại Rio do Bộ Tư pháp Brazil tổ chức, một thành viên chính phủ cảnh báo những “lỗ hổng” an ninh biên giới cũng cần được kiểm tra kỹ lưỡng trong 7 tháng tới.
Hiểm họa không chỉ nằm ở Rio
Brazil có 23.000 km đường biên giới trên cạn và biển, giáp ranh với 10 quốc gia. Có một số khu vực dân cư thưa thớt để rồi trở thành lỗ hổng cho những tên tội phạm. Đây là một phần lý do chính phủ nước này gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy và vũ khí.
Chính phủ Brazil và chính quyền bang Rio đang nỗ lực mang lại một kỳ Thế vận hội an toàn. |
Paulo Storani, nhà tư vấn an ninh quốc tế và cựu đội trưởng biệt đội Special Ops của cảnh sát Rio, cho rằng trong trường hợp Brazil là một quốc gia yên bình, tuy nhiên, an ninh lỏng lẻo đất nước vẫn trở thành nơi hoạt động của bọn khủng bố và tội phạm.
“Chúng ta luôn phải nghi ngờ có ai đó đang âm mưu chống lại Thế vận hội 2016, và họ đã có mặt trong lãnh thổ của chúng ta. Lính quân đội sẽ được bố trí ở mọi công trình Olympic. Các công ty du lịch cũng có trách nhiệm ngăn ngừa tội phạm và những kẻ tấn công. Mọi thứ đã được lên kế hoạch. Mọi rủi ro cần được ngăn chặn bởi trí thông minh trước khi chúng xảy ra”, Storani chia sẻ trên CNN.
Một vấn đề gây tranh cãi khác là chương trình miễn thị thực. Để thu hút khách du lịch, Quốc hội Brazil đã thông qua việc miễn thị thực 90 ngày cho người nước ngoài trong thời gian diễn ra Đại hội.
Tuy nhiên, sau vụ tấn công tại Paris, Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff không ký quyết định miễn thị thực. Ngoài ra, Giám đốc an ninh bang Rio, ông Mariano Beltrame cũng từ chối ủng hộ kế hoạch của Quốc hội. Đề án cũng vấp phải sự chỉ trích của Tướng Jose Carlos de Nardi, người đã lựa chọn thành viên quân sự cho công tác an ninh Olympic.
“Cá nhân tôi cho rằng, thị thực sẽ giúp chúng tôi biết rõ nơi ở của những người tới đây. Qua đó, chúng tôi sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý du khách”, Giám đốc an ninh bang Rio nói.
Vẫn còn những nỗi lo
Dù chính quyền bang Rio và chính phủ Brazil đã lên kế hoạch chi tiết và kỹ lưỡng về việc tăng cường an ninh cho Olympic 2016, nhiều người vẫn chưa hoàn toàn yên tâm.
Cảnh sát Brazil cùng cảnh sát Pháp diễn tập chống bạo động và biểu tình. Ảnh: Patrizioradaelli. |
Ngoài các tổ chức khủng bố, xứ sở vũ điệu samba còn là nơi hoạt động của những tên trùm buôn ma túy khét tiếng và những băng đảng bạo lực. Chưa kể các cuộc biểu tình phản đối chính phủ có thể diễn ra bất kỳ lúc nào.
Trong cuộc tập huấn với cảnh sát Pháp gần đây, các nhân viên an ninh tại Brazil được thực hành kỹ thuật chống bạo loạn và biểu tình. Theo như trung úy cảnh sát Pháp, Anne-Christine Poinchon, kiểm soát đám đông mang một ý nghĩa hoàn toàn mới sau vụ tấn công tại Paris.
“Bạn không thể có sự chuẩn bị đầy đủ. Chẳng hạn với 80.000 khán giả trên sân vận động Stade des France, không có đủ cảnh sát để đối phó nếu cơn hoảng loạn diễn ra. Chúng tôi không hề chuẩn bị cho điều đó”, trung úy Poinchon cho biết.