Mauro Morandi (81 tuổi) - được mệnh danh là “Robinson Crusoe của Italy” - sống một mình trên đảo Budelli kể từ năm 1989. Cuộc sống giữa hòn đảo thiên đường của ông sắp kết thúc sau 3 thập kỷ, bởi lệnh trục xuất từ chính quyền yêu cầu ông rời đi vào cuối năm nay, theo Guardian.
Morandi đến từ thành phố Modilia thuộc vùng Emilia-Romagna (Italy). Năm 1989, ông tình cờ đặt chân tới Budelli, hòn đảo ngoài khơi Sardinia nổi tiếng với bãi biển đầy cát hồng, sau khi thuyền bị hỏng trên đường đến Nam Thái Bình Dương.
Sự cố này giúp Morandi phát hiện người gác đảo sắp nghỉ hưu. Sau đó, ông từ bỏ chuyến phiêu lưu vượt đại dương, bán thuyền và đảm nhận công việc này.
Kể từ đó, Morandi sống trong căn chòi cũ, từng là nơi trú ẩn trong Thế chiến II, và biết hết mọi loại đá, cây cỏ và động vật của hòn đảo này.
Mauro Morandi được mệnh danh là “Robinson Crusoe của Italy” vì sống đơn độc trên đảo hơn 3 thập kỷ. Ảnh: Mauro Morandi. |
Lo sợ bị đuổi
Hiện, “Robinson Crusoe của Italy” phải đối mặt với cuộc sống bị xáo trộn khi nhà chức trách có kế hoạch biến đảo Budelli thành đài quan sát môi trường.
“Tôi đã quá quen với việc sống giữa thiên nhiên. Tôi sẽ làm gì khi quay lại Modena? Chơi bài và đến quán bar như những người ở độ tuổi 80? Bỏ đi!”, ông nói với Guardian qua điện thoại.
Morandi nói thêm: “Ý nghĩ phải trở lại sống trong một xã hội đối xử tệ với thiên nhiên thật đau khổ. Thiên nhiên cần được yêu thương và tôn trọng”.
Trong nhiều năm, Morandi đã bảo vệ Budelli, một phần của quần đảo Maddalena, khỏi bị phá hoại. Ông giữ cho các bãi biển của đảo nguyên sơ và hướng dẫn du khách ghé thăm nơi đây vào mùa hè về hệ sinh thái.
Vai trò của ông bị đe dọa khi công ty tư nhân sở hữu hòn đảo bị phá sản. Kế hoạch bán đảo vào năm 2013 cho Malcolm Harte - doanh nhân New Zealand cam kết giữ Morandi là người gác đảo - bị cản trở. Năm 2016, tòa án Sardinia phán quyết hòn đảo thuộc sở hữu của chính phủ Italy.
Budelli hiện được quản lý bởi ban quản lý Công viên quốc gia La Maddalena - đơn vị có kế hoạch trục xuất Morandi khỏi đảo vào cuối năm nay.
Morandi tuyệt vọng khi sắp phải rời hòn đảo Budelli. Ảnh: National Geographic. |
Kế hoạch cuối cùng là biến Budelli thành một trung tâm giáo dục về môi trường. Khách du lịch đã bị cấm đi bộ trên bãi biển màu hồng và bơi trên biển từ những năm 1990. Họ có thể ghé thăm hòn đảo vào ban ngày bằng thuyền và được phép đi bộ dọc theo con đường phía sau bãi biển nổi tiếng.
Morandi vẫn chưa được thông báo chính thức về thời điểm phải rời đi.
“Tôi không có nhà ở bất cứ nơi nào khác. Tôi hiểu rằng họ cần phải làm việc trên đảo và tôi không thể ở lại khi điều này diễn ra. Nhưng tôi muốn biết liệu mình có thể trở lại sau đó và tiếp tục làm người bảo vệ đảo hay không”, ông nói.
Năm 2017, khi thông tin về việc trục xuất Morandi lần đầu xuất hiện, hàng nghìn người đã ký vào bản kiến nghị giữ ông lại trên đảo. Nhưng theo báo chí địa phương, việc trục xuất “Robinson Crusoe của Italy” hiện giờ có lẽ là không thể tránh khỏi.
Cuộc sống tách biệt
Morandi từng lang thang khắp châu Âu, trước khi trở thành cư dân duy nhất của hòn đảo xinh đẹp ở Địa Trung Hải.
“Tôi chỉ cảm thấy không muốn đi du lịch nữa. Không có hứng thú”, ông giải thích.
“Tôi hiểu rằng những chuyến đi tốt đẹp, mạo hiểm và hài lòng nhất là cuộc hành trình khám phá bản thân, cho dù đang ngồi trong phòng khách hay dưới tán cây ở Budelli. Đó là lý do phải ở nhà và không được làm gì có thể khó khăn với nhiều người”.
Nhưng ông khẳng định: “Tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn”.
Instagram có hơn 50.000 follow là nơi Morandi chia sẻ các bức ảnh tự chụp trên đảo. Ảnh: @maurodabudelli. |
Theo quan điểm của Morandi, nhiều người không muốn ở một mình vì sợ đối mặt với cảm giác cô đơn. Với ông, cuộc khủng hoảng hiện tại là cơ hội để mỗi người tự đánh giá lại cuộc sống của mình, nhưng ông cho rằng nhiều người sẽ không tận dụng tối đa khoảng thời gian này.
“Có lẽ một số cá nhân sẽ nhận ra, nhưng phần lớn đã quá quen với những tiện nghi và lối sống quay cuồng”, Morandi nhận định.
Thời gian trôi qua ở Budelli với Morandi vẫn như thường lệ. Nhưng mùa đông năm nay dễ chịu hơn, với nhiệt độ giống như mùa xuân và mặt trời ấm áp.
Môi trường sống của hòn đảo vẫn còn khá hoang sơ. Không ô nhiễm. Nước biển màu ngọc lam trong vắt, thảm thực vật hoang dã tươi tốt, những tảng đá tía giống như tác phẩm điêu khắc tự nhiên và không khí trong lành.
“Con mèo của tôi đã chết khi tròn 20 tuổi. Có lẽ khí hậu nơi đây giúp sống lâu hơn”, Morandi nói.
Trong vài năm qua, quyền sở hữu hòn đảo xinh đẹp nhất Địa Trung Hải đã thay đổi nhiều lần.
Kể từ năm 2016, Budelli đã trở thành công viên quốc gia thuộc sở hữu của chính phủ. Điều này khiến vai trò trông coi nơi đây của Morandi trở nên lỗi thời, dẫn đến việc ông phải quyết định có nên tiếp tục sống ở đó.
Tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh có thể trì hoãn mọi quyết định nào cho tương lai của Morandi vào lúc này, dù căn chòi xiêu vẹo của ông cần có thêm nhà vệ sinh.
“Hiện giờ tôi đã có mọi thứ mình cần. Có điện dù cần sửa chữa, nước sinh hoạt và một căn bếp nhỏ để sưởi ấm. Không có gì để than phiền hết”.
Morandi sống trong một căn chòi đơn sơ bên bãi biển. Ảnh: National Geographic. |
Dù sống một mình, ông vẫn cập nhật tin tức về thế giới bên ngoài, trước tiên là lệnh phong tỏa Italy nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19, sau đó là phần còn lại của nhân loại.
Trong thế giới đơn độc của mình, Morandi nói rằng ông cảm thấy mình đang ở “nơi an toàn nhất trên Trái Đất”. Ông cũng muốn chia sẻ vài lời khuyên về cách đối mặt với sự cô lập một cách tốt nhất.
“Tôi ổn, tôi không hề sợ”, ông nói với CNN Travel qua điện thoại di động - phương tiện liên kết ông với thế giới bên ngoài.
“Ở đây, tôi cảm thấy an toàn. Hòn đảo này cho tôi sự bảo vệ toàn diện. Không hề có rủi ro nào”, ông nói.