Báo cáo của Liên đoàn Robot Quốc tế vào tháng 11 cho thấy Hàn Quốc có hơn 10% lực lượng lao động là robot. Ảnh: Unplash. |
Đó là tai nạn hay hành động tự sát? Đây là câu hỏi được thành viên của Hội đồng thành phố Gumi (Hàn Quốc) đặt ra vào đầu năm khi "đồng nghiệp" của họ được phát hiện nằm dưới chân cầu thang cao 2 m.
Sự việc được các phương tiện truyền thông đưa tin kèm theo những nghi vấn: “Tại sao viên chức nhà nước có thể làm việc cần cù như vậy” và “Công việc có quá vất vả hay không?”. Trên mạng xã hội, nhiều người cũng gửi lời chia buồn đến nạn nhân. Thực tế, viên chức đó là một chú robot trí tuệ nhân tạo.
Vụ tử tự đầu tiên của robot
Một số viên chức, nhà khoa học và người dùng mạng tin rằng đây là “vụ tự tử đầu tiên của robot”. Họ tin nó đã tự ném mình xuống cầu thang sau khi quá chán nản với công việc giấy tờ. Các nhân chứng cho biết họ nhìn thấy nó xoay nhiều vòng quanh cầu thang rồi nhảy xuống và cho rằng nó đang suy sụp tinh thần.
"Viên chức vừa qua đời" tên là Robot Supervisor, được công ty Bear Robotics có trụ sở ở Mỹ sản xuất. Nhân viên trong tòa thị chính đã thu thập các mảnh vỡ và gửi về công ty để phân tích nguyên nhân "cái chết".
Không giống những robot thông thường, Robot Supervisor có khả năng di chuyển giữa các tầng, bấm thang máy, chuyển phát tài liệu, quảng bá các chính sách của thành phố cho cư dân. Các phương tiện truyền thông địa phương nhấn mạnh mối liên hệ giữa "hành vi tự sát của robot" với khối lượng công việc khổng lồ này. Chưa có nguyên nhân chính thức nào được công bố.
Robot Supervisor được tìm thấy dưới chân cầu thang cao 2 m của tòa thị chính Gumi. Ảnh: The Korea Times. |
Tuy nhiên, các nhà khoa học lập luận robot cần có tri giác để thực hiện hành động sự sát. Đây là một chủ đề khoa học viễn tưởng được đưa vào phim ảnh trong hơn một thế kỷ. Gần đây, các nhà công nghệ lẫn triết học mới xem nó như vấn đề thực tế và nghiêm túc.
Jonathan Birch, giáo sư triết học tại LSE và là tác giả của cuốn The Edge of Sentience: Risk and Precaution in Humans, Other Animals, and AI (Tạm dịch: Ranh giới tình cảm: Rủi ro và ngăn chặn ở con người, động vật khác và AI), tin rằng chúng ta sẽ sớm thấy được thứ gọi là trí tuệ nhân tạo (AI) có "tri giác mơ hồ".
“Với khái niệm ‘tri giác mơ hồ’, một số người sẽ tin người bạn AI là sinh vật có nội tâm phong phú, có cảm xúc”, ông nói với Independent. “Ngược lại, vẫn có nhiều người tin chắc AI không có cảm xúc”.
GS Birch đã kêu gọi các công ty công nghệ thừa nhận rủi ro và tập trung nghiên cứu, nâng cao hiểu biết khoa học của người dân.
Tranh cãi nổ ra sau cái chết của viên chức robot, nhất là khi ngày càng nhiều robot được sử dụng trong doanh nghiệp Hàn Quốc. Người dân tranh luận liệu robot có nên được trao quyền tương tự công nhân con người hay không. Ở một quốc gia tự động hóa diễn ra nhanh chóng như Hàn Quốc, đây là vấn đề nóng hổi.
Robot EveR 6 và nhạc trưởng Soo-Yeoul Choi cùng chỉ huy dàn nhạc quốc gia Hàn Quốc tại một buổi tập luyện. Ảnh: NToK. |
Robot cũng biết mệt?
Báo cáo tháng 11 của Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR) cho biết Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng robot thay thế cho 10% lực lượng lao động con người. Nước xếp hạng hai có tỷ lệ nhỉnh hơn 5%.
Robot xuất hiện ở mọi ngóc ngách, từ nhà hàng đến phòng phẫu thuật bệnh viện của Hàn Quốc. Chính phủ “xứ sở kim chi” xem máy móc là biện pháp cho vấn đề tỷ lệ sinh thấp và dân số trong độ tuổi lao động giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, lượng robot gia tăng ồ ạt cũng gây nhiều vấn đề.
Dù chưa có tri giác hay tự nhận thức, robot vẫn được nhiều người xem như “sinh vật bán ý thức”, cần được tôn trọng ở mức độ nhất định. Điều này được nhấn mạnh khi một chú robot đột ngột ngã xuống đất trong giờ làm việc vào cuối năm 2023.
Khi robot xuất hiện ngày càng nhiều ở Hàn Quốc, nhiều người xem vật thể này như một "sinh vật bán ý thức" và cần được tôn trọng. Ảnh: Bapt. |
Trong khi nhà sản xuất cho biết đây là sự cố thông thường, nhiều người đặt câu hỏi về tình trạng kiệt sức và bị bóc lột của những chú robot. “Chúng cũng căng thẳng như chúng ta”, một người bình luận. “AI tự ra quyết định và tôi khá thích điều đó #freewill”, người khác viết.
Sau sự cố ở tòa thị chính thành phố Gumi, nhiều vụ “tự sát” của robot cũng được ghi nhận.
Tháng 11, trong cuộc đua giữa chiếc xe chạy bằng AI và tài xế là con người ở Nhật Bản, chiếc xe AI đã tự đâm đầu vào rào chắn. Một số khán giả nhận xét AI thà tự sát còn hơn đối mặt với tài xế con người.
Báo cáo của IFR vào tháng 11 cho thấy mật độ robot trung bình trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 7 năm gần đây. Xu hướng này tiếp tục gia tăng cùng những tiến bộ về AI. Các nhà sử dụng lao động sẽ phải nghiên cứu cách sống và làm việc hài hòa, hiệu quả với lao động robot, theo Independent.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.