Gần đến ngày khai giảng năm học mới, nhiều phụ huynh vùng quê tỉnh Quảng Nam tất tả ngược xuôi lo mua sắm sách vở, quần áo, giày dép, phương tiện cho con em đến trường.
Nỗi lo ngày càng nhiều khi các khoản thu đầu năm học tăng lên, không ít trường hợp đã phải cho con nghỉ học giữa chừng vì nghèo.
Rối bời nỗi lo trong năm học mới ở Quảng Nam. |
Dưới cái nắng gay gắt của trưa hè, chị Lê Thị Bé (ở thôn Lạc Thành Tây, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn cặm cụi trộn vữa bê tông phục vụ thi công công trình trường tiểu học cách nhà hơn 50 km.
Mỗi ngày, chị Bé làm cật lực từ sáng đến tối được chủ thầu trả công hơn 200.000 đồng, cộng với tiền làm mướn của chồng vài trăm ngàn đồng, chị Bé tằn tiện chi tiêu trong gia đình, còn lại lo cho 3 đứa con ăn học.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhiều trường ở tỉnh Quảng Nam đã huy động nhiều khoản đóng góp của phụ huynh đầu năm học. Từ việc mua sắm quạt treo tường, ti vi, đồ dùng dạy học đến xây mái che, bể bơi, đều do phụ huynh đóng góp.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở vùng Đông tỉnh Quảng Nam cho biết thực hiện Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và các văn bản hướng dẫn của ngành giáo dục địa phương về các khoản đóng góp tự nguyện đầu năm học, nhà trường sau khi họp thống nhất “danh mục” các khoản thu liền giao chỉ tiêu đến lớp.
Mỗi phụ huynh có con em học ở trường “tự nguyện” đóng góp từ 60.000 đồng đến 200.000 đồng. Nhà trường vận động được 36 triệu đồng để làm mái che đến khu lớp học. Năm học 2017-2018, trường dự kiến đề nghị xã hội hóa xây dựng bể bơi cho học sinh.
Tại các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam, nỗi lo thiếu giáo viên cũng như việc cắt giảm các khoản hỗ trợ cho học sinh trở thành gánh nặng đối với nhà trường và phụ huynh.
Huyện vùng cao Tây Giang có 22 đơn vị trường học với trên 5.000 học sinh ở các bậc học. Năm học này địa phương thiếu hụt 32 cán bộ quản lý, giáo viên bậc tiểu học và mẫu giáo. Hơn 370 học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số bị cắt khoản trợ cấp hàng tháng do không thuộc diện các thôn, xã đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Thứ nhất về giáo viên, đề nghị tỉnh, Sở Nội vụ xem xét bổ sung biên chế giáo viên, cho phép hợp đồng để giải quyết thiếu giáo viên trước mắt.
Về chế độ chính sách đối với học sinh, ngành cũng đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện chế độ chính sách đối với con em người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong diện 30a, huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để các em tiếp tục ra học trường nội trú, bán trú, giảm thiểu tình trạng bỏ học”.
Năm học này, tỉnh Quảng Nam tăng hơn 6.000 học sinh so với năm học trước. Địa phương cũng đã đầu tư xây mới và sửa chữa hơn 800 phòng học. Tuy vậy, các khoản thu đầu năm học đang là nỗi lo của nhà trường và các bậc phụ huynh.