Sự việc CĐ Sư phạm Gia Lai xác định điểm trúng tuyển một số ngành cao để đánh trượt thí sinh vì số đăng ký xét tuyển quá ít, không đủ số lượng mở lớp là việc làm bất khả kháng. Những trường hợp tương tự không nhiều nhưng kết quả tuyển sinh năm nay của các trường sư phạm tiếp tục đứng trước nguy cơ không đạt mục tiêu.
Lèo tèo nguyện vọng 1
Theo thông báo của CĐ Sư phạm Gia Lai, trong 8 ngành đào tạo sư phạm bậc cao đẳng hệ chính quy của trường, 2 ngành giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non có điểm trúng tuyển là 15, 6 ngành còn lại điểm chuẩn từ 18 đến 23.
CĐ Sư phạm Gia Lai, nơi chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 ngành sư phạm ngữ văn. Ảnh: Hoàng Thanh/Người Lao Động. |
Tiến sĩ Trịnh Đào Chiến - Hiệu trưởng CĐ Sư phạm Gia Lai - cho biết những ngành có điểm trúng tuyển cao có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển, thậm chí ngành sư phạm ngữ văn chỉ có 1 thí sinh đăng ký xét tuyển (22,5 điểm) nên không thể mở lớp. Vì vậy, trường buộc phải xác định điểm chuẩn cao để đánh rớt nguyện vọng 1 để chuyển sang nguyện vọng 2.
Cụ thể là trường hợp của thí sinh Linh (người dân tộc Ba Na), điểm thi tốt nghiệp THPT đạt 22,5 điểm, đăng ký nguyện vọng 1 ngành Sư phạm Ngữ văn. Do chỉ có Linh đăng ký nguyện vọng 1 ngành này nên CĐ Sư phạm Gia Lai đã lấy điểm đầu vào là 23 khiến Linh trượt. Thí sinh này được chuyển sang nguyện vọng 2 ngành Giáo dục Tiểu học.
Ông Chiến cho biết thêm những năm qua, ngoại trừ 2 ngành Giáo dục Mầm non và giáo dục Tiểu học, kết quả tuyển sinh của những ngành còn lại tuy không tốt, vẫn có thể mở lớp do điểm sàn tương đối phù hợp. Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn là 15 dẫn đến trường không có nguồn tuyển. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong tuyển sinh là thí sinh không thấy cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Do mức điểm sàn xét tuyển nguyện vọng 1 năm nay khá cao, nhiều trường cao đẳng sư phạm ở khu vực Tây Nguyên tuyển được rất ít thi sinh và đang chật vật xét tuyển bổ sung.
Điển hình, CĐ Sư phạm Đắk Lắk có tổng cộng 16 ngành đào tạo, trong đó 9 ngành sư phạm và 7 ngành ngoài sư phạm. Trong các ngành sư phạm, 7 ngành không thi năng khiếu, nhà trường đã thông báo danh sách trúng tuyển đợt 1 nhưng chỉ có tổng cộng 61 thí sinh trúng tuyển.
Những ngành tuyển được rất ít thí sinh như: Sinh học 1 thí sinh, Địa lý 2 thí sinh; Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh mỗi ngành chỉ có 3 thí sinh. Do đó, nhà trường đang thông báo xét tuyển bổ sung đợt 1 cho toàn bộ 7 ngành này, với mỗi ngành từ 20 đến 45 chỉ tiêu.
Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, nếu không tuyển đủ số lượng, nhà trường sẽ động viên thí sinh chuyển ngành học phù hợp.
Không thê thảm như các trường trên nhưng tình hình tuyển sinh của CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chưa đạt là bao. Ông Nguyễn Công Long, Phó trưởng phòng đào tạo của trường, thông tin ngoài 2 ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, trường còn đào tạo sư phạm lịch sử và tin học, chỉ tiêu tuyển sinh lần lượt là 20 và 25.
Đến nay, trường mới tuyển sinh được chừng 50% chỉ tiêu cho 2 ngành này. Theo ông Long, chỉ tiêu tuyển sinh 2 ngành dựa vào báo cáo nhu cầu tuyển dụng giáo viên của tỉnh sau 3 năm nữa nhưng điểm sàn cao cũng làm ảnh hưởng đến nguồn tuyển của trường. Việc thiếu phân nửa chỉ tiêu đang khiến trường cân nhắc có mở lớp hay không.
Nguy cơ bị xóa sổ
Tuyển sinh ngày càng khó khăn khiến các trường cao đẳng sư phạm phải tính đến khả năng sắp xếp lại bộ máy nhân sự, chỉ tổ chức đào tạo những ngành thật sự có nhu cầu.
Tiến sĩ Trịnh Đào Chiến nói trước đây, CĐ Sư phạm Gia Lai có thí điểm đào tạo các ngành ngoài sư phạm nhưng không hiệu quả nên tới đây vẫn chỉ tập trung đào tạo sư phạm, nhất là các ngành giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non nhu cầu còn cao.
Đối với đào tạo giáo viên THCS, có thể chỉ đào tạo ngành sư phạm toán và tiếng Anh vì khi sinh viên ra trường khó tìm được việc vẫn có thể làm gia sư. Còn trong tình hình khó khăn như hiện nay, trường phải tính đến việc sắp xếp lại bộ máy nhân sự, tham gia sâu vào việc tập huấn, chuẩn hóa giáo viên THCS hàng năm trên địa bàn tỉnh.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), cho rằng tình trạng dư thừa giáo viên đang khiến cho các trường sư phạm rơi vào khủng hoảng trong tuyển sinh. Đã đến lúc bộ phải sắp xếp lại hệ thống trường sư phạm để tránh lãng phí.
Còn theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT, trường cao đẳng sư phạm ngày càng khó vì sẽ tiến tới điều chỉnh tiêu chuẩn giáo viên phổ thông phải có trình độ đại học. Lẽ ra đã phải dừng tuyển sinh chứ không phải đợi đến bây giờ.
Tại buổi làm việc mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng sẽ rà soát hệ thống các trường sư phạm, theo hướng sắp xếp lại, chỉ tập trung vào một số trường sư phạm quốc gia, trọng điểm để đầu tư. Khi đó, các trường cao đẳng sư phạm hay khoa sư phạm ở các tỉnh chỉ đóng vai trò vệ tinh để thực hiện đào tạo lại đội ngũ giáo viên.
Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận nhiều năm nay, các trường này gần như không được quan tâm đúng mức và đúng tính chất của trường sư phạm, dẫn đến phải tự xoay xở một cách yếu ớt.
CĐ Sư phạm Gia Lai làm trái nguyên tắc xét tuyển
Liên quan việc CĐ Sư phạm Gia Lai kê điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết bộ đã yêu cầu trường báo cáo bằng văn bản.
Theo ông Tuấn, các trường có quyền tự chủ trong xét tuyển nhưng phải căn cứ vào chỉ tiêu và xét từ trên xuống đến khi hết chỉ tiêu thì mới ra điểm chuẩn. CĐ Sư phạm Gia Lai đang làm trái với nguyên tắc xét tuyển này.
"Nguyên tắc khi xét tuyển là xét từ trên xuống dưới, không thấp hơn điểm sàn đã quy định và phải dựa theo chỉ tiêu của ngành. Nếu ngành sư phạm ngữ văn có 20 chỉ tiêu, phải xét từ em có điểm cao nhất đến em thứ 20, điểm của em này là điểm chuẩn của ngành. Các trường có thể xét chỉ tiêu chênh ra một chút để phòng trường hợp thí sinh không đến xác nhận nhập học" - ông Tuấn chỉ rõ.
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, dữ liệu xét tuyển các trường đã biết từ sớm. Do đó, nếu xét thấy số lượng thí sinh đăng ký thấp, không thể mở ngành thì trường có thể liên hệ sớm với các thí sinh, tư vấn cho các em chuyển sang các ngành gần hoặc những trường khác; đồng thời thông tin đến TS về những khó khăn của trường.
Như vậy thí sinh có thể chủ động lựa chọn. Trong trường hợp các em nhất quyết chọn các ngành của trường, dù có ít thí sinh, trường vẫn phải mở lớp. Trường cũng có thể xét tuyển bổ sung nhiều đợt để tuyển được thí sinh.
"Cách làm của CĐ Sư phạm Gia Lai hiện nay vừa trái với nguyên tắc xét tuyển vừa không tôn trọng nguyện vọng của người học" - ông Tuấn nhấn mạnh.