Ở lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ hôm 20/1, ông Joe Biden đã đeo chiếc đồng hồ Rolex Datejust bằng thép không gỉ trị giá 7.000 USD. Đây là sự thành công của Rolex giữa hàng loạt thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ đang khốn đốn sau một năm trì trệ vì dịch.
Không giống người tiền nhiệm Bill Clinton hay George Bush - những chính trị gia chỉ dùng đồng hồ mang tính ứng dụng cao của Timex, ông Biden tôn lên vẻ đẳng cấp và sang trọng trên cánh tay ông bằng sản phẩm đến từ thương hiệu châu Âu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đeo chiếc Rolex Datejust khi phát biểu nhậm chức tại Điện Capitol. Ảnh: Getty. |
Sau nhiều năm thành công trên thị trường, ngành công nghệ đồng hồ của Thụy Sĩ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và cuộc khủng khoảng kinh tế kéo dài. Dẫu vậy, những thương hiệu lớn vẫn giữ vững được phong độ.
Một năm đáng buồn với đồng hồ Thụy Sĩ
Theo SCMP, tập đoàn Swatch - chủ sở hữu các thương hiệu Blancpain, Breguet, Harry Winston, Omega, cũng như đồng hồ thời trang Swatch và Calvin Klein - bị suy thoái kinh tế vì dịch.
Là một trong ba tập đoàn sản xuất đồng hồ lớn ở Thụy Sĩ cùng với LVMH và Richemont, Swatch đã thua lỗ 59 triệu USD vào đầu năm nay sau khi đã đóng cửa 384 cửa hàng trên toàn thế giới.
Công ty phân tích thị trường Bernstein thống kê doanh số bán đồng hồ tại Thụy Sĩ giảm 81% trước tháng 4/2020, dù đã phục hồi đến 97% so với năm 2019, tính đến tháng 11. Đối với một số thương hiệu, nguồn vốn dự trữ đã cạn kiệt.
Victoria Beckham bên chiếc đồng hồ Rolex Daytona vàng 18k màu vàng với mặt số sâm panh. Ảnh: Pinterest. |
Luca Solca - nhà phân tích của Bernstein - nhận định các thương hiệu đồng hồ lâu đời ở nước này đã vượt "bão" kinh tế một cách dễ dàng nhất.
Ông nói: "Những thách thức của thời đại kỹ thuật số mang lại lợi thế cho các thương hiệu lớn. Người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu suy nghĩ nhiều hơn về việc bán lại vật dụng. Điều này làm cho các thương hiệu phát triển mạnh mẽ hơn".
Phân tích của Bernstein còn tập trung vào hai tập đoàn Richemont và Swatch, cho thấy dòng đồng hồ thuộc phân khúc rẻ hơn Rolex đang gặp nhiều khó khăn.
"Thương hiệu đồng hồ hoạt động độc lập như Rolex ít bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm ngoái. Một số thương hiệu nổi tiếng như Longines (thuộc sở hữu của Swatch) và Piaget, Jaeger cùng với IWC (thuộc sở hữu của Richemont) đã buộc phải giảm giá đáng kể để kích cầu", ông nói.
Quan điểm của Luca Solca cho rằng việc đổi mới sản phẩm và duy trì sức nóng, tính biểu tượng của thương hiệu rất quan trọng. Rolex đã làm tốt khía cạnh này.
Đồng hồ được ưa chuộng hơn ở thị trường châu Á
Theo SCMP, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về doanh số bán đồng hồ cao cấp trong vài năm. Chủ yếu nguồn hàng của họ được nhập từ nước ngoài, tại Hong Kong và các nơi khác để tránh thuế đánh vào đại lục.
Với sức ép của dịch bệnh lên ngành du lịch, người tiêu dùng nước này chỉ có thể mua sắm tại thị trường quê nhà. Từ đó thúc đẩy sự gia tăng xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ sang quốc gia tỷ dân so với những nước khác.
Rolex, Patek Phillippe và Audemars Piguet, cùng với những phân khúc đồng hồ thấp hơn là Longines và Tissot đang có cơ hội phát triển mạnh ở thị trường Trung Quốc. Ông Luca Solca nhận định: "Tầng lớp trung lưu Trung Quốc ưa chuộng các thương hiệu giá trung bình, bao gồm Omega và IWC".
Theo SCMP, hầu hết nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đều mong đợi sự phục hồi trong năm nay. Các thương hiệu có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tại Trung Quốc đại lục đã dần tăng trưởng trở lại trong quý cuối cùng của năm 2020.
Khách hàng Trung Quốc mua sắm tại một cửa hàng bán đồng hồ ở Hải Nam cuối tháng 1. Ảnh: Xinhua. |
Ở một chia sẻ khác, tác giả của blog đồng hồ SJX nói rằng các thương hiệu đồng hồ cao cấp gặp vấn đề với nguyên tắc cơ bản trong đại dịch, và chính những trở ngại sản xuất, phân phối và tiếp thị dễ làm "tàn phá thương hiệu".
"Rolex đã và đang đều đặn thúc đẩy sản xuất ở Trung Quốc. Với việc doanh thu nội địa tăng mạnh, hãng chứng tỏ sự thành công vượt trội của mình. Các đối thủ cạnh tranh của hãng ở Trung Quốc cũng đang vươn lên, song họ không giành được vị thế ở thị trường nước ngoài, nơi Rolex luôn dẫn đầu", người này đánh giá.
Tại châu Á, khách hàng vẫn rất hứng thú với những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đắt đỏ, ngay cả trong thời điểm chính trị lẫn kinh tế bất ổn. Năm 2020, có đến 7 quốc gia ở châu Á chiếm hơn 40% lượng đồng hồ nhập khẩu từ Thụy Sĩ, chủ yếu cho việc tiêu dùng nội địa vì vắng khách du lịch ghé thăm.
Sự vươn lên của đế chế Smartwatch
Theo SCMP, ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đang bị đe dọa bởi sự lên ngôi của smartwatch - đế chế đồng hồ thông minh.
Các thương hiệu đồng hồ cao cấp lo ngại sự phát triển mạnh mẽ của các dòng đồng hồ thông minh. Ảnh: Pinterest. |
"Đồng hồ thông minh được ưa chuộng vì có các tính năng theo dõi sức khỏe, nghe nhạc, giải trí, và nhiều ứng dụng bổ ích khác. Dù chỉ mới xâm nhập thị trường ở phân khúc thấp, song có thể dự đoán được nó sẽ phát triển kinh khủng thế nào trong tương lai", tờ này phân tích.
Trước thực tế này, nhà phân tích Luca Solca cho rằng những ông lớn của ngành đồng hồ Thụy Sĩ đang áp lực về giá bán.
Với nhu cầu thị trường hiện tại, các hãng buộc giảm giá bán nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng ngày một cao hơn.
Theo báo cáo của công ty phân tích thị trường Bernstein, ngoài dòng smartwatch, các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến giá đồng hồ trong tương lai gồm giá dầu mỏ, những biến động tại Hong Kong và căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc - Mỹ.
"Đại dịch Covid-19 và hậu quả từ cuộc khủng hoảng kinh tế là thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ phải đối mặt kể từ 'khủng hoảng thạch anh' những năm 1970".
Nếu sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc tiếp tục được củng cố, nó sẽ tạo ra động lực cho các thương hiệu của Swatch - tập đoàn đồng hồ đang thảm bại trên thị trường - lớn mạnh trở lại.
Chuyên gia của Bernstein viết: "Nếu nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc tăng mạnh sẽ có lợi cho Swatch Group. Điều này đồng nghĩa khách hàng của hãng sẽ tăng và doanh thu sẽ sớm được hồi phục".