Bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy ra mắt trong sự chờ đợi của nhiều khán giả sau chiến thắng tại nhánh chính New Currents ở Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) năm 2019.
Tác phẩm cũng từng là tâm điểm khi bị phạt 40 triệu đồng do tham dự sự kiện khi chưa được cấp phép phát hành trong nước. Phiên bản lúc đó bị đánh giá là mang góc nhìn đen tối, phản ánh nhiều tệ nạn xã hội. Sau khi chỉnh sửa nội dung theo yêu cầu từ Cục Điện ảnh, Ròm chính thức được phép ra rạp với nhãn 18+.
Mạch truyện chính cùng đa số cảnh và lời thoại của Ròm không khác bản chiếu ở Hàn Quốc. Tác phẩm đưa khán giả đến một khu chung cư cũ, sắp bị giải tỏa ở TP.HCM. Tại đây, nhiều người dân muốn đổi đời bằng cách chơi đề. Mỗi buổi chiều, họ hồi hộp trông chờ những con số may mắn, gửi vào đó ước mơ về một tương lai xán lạn hơn.
Đạo diễn Thanh Huy, diễn viên Anh Khoa và Anh Tú Wilson trên trường quay bộ phim. |
Ròm (Trần Anh Khoa) là cậu bé bụi đời làm “cò đề”, chuyên tư vấn số và giúp mọi người ghi đề. Nếu giúp người khác thắng, cậu sẽ được tung hô và cho một ít tiền. Nhưng lúc ngược lại, Ròm phải hứng chịu những lời sỉ vả, thậm chí bị đánh đập.
Đối thủ của Ròm là Phúc (Anh Tú Wilson) - một thiếu niên giảo hoạt, muốn chiếm mối ghi đề. Để kiếm miếng ăn qua ngày, cả hai vừa cạnh tranh nhau, vừa phải xoay xở giữa đám giang hồ cùng những người dân hăng máu đỏ đen.
Chạy đi, Ròm!
Bài rap Chạy của Wowy, với tiếng trống, gõ phím và bước chân người hối hả, đại diện cho tinh thần điện ảnh của tác phẩm.
“Chạy” cũng là từ khóa xuyên suốt phim, khi cả Ròm và Phúc đều thường xuyên phải chạy hối hả, để bắt kịp chiếc kim đồng hồ đang trôi dần về giờ thông báo kết quả xổ số, để trốn những người truy đuổi, hay chỉ đơn giản để vượt nhau một khoảnh khắc trên đường mưu sinh.
Các diễn viên cho biết đã khóc sau cảnh quay đánh nhau dưới bùn mà không dùng người đóng thế. |
Đạo diễn Trần Thanh Huy đẩy cao tiết tấu từ đầu qua một loạt cảnh dựng nhanh để giới thiệu khu chung cư và các nhân vật. Thứ nhịp điệu gấp rút được giữ nguyên trong đa phần tác phẩm. Còn những khoảng nghỉ giống như “mỏ neo cảm xúc” để nhân vật bộc bạch nỗi lòng.
Lối cắt dựng của Ròm mang đến sự hưng phấn giống như một tác phẩm hành động, đôi chỗ gợi nhớ phong cách của đạo diễn Guy Ritchie hay Edgar Wright. Song, nó có thể khiến một số khán giả cảm thấy rối, khó nắm bắt nhân vật ở phần đầu phim.
Những mảng màu đối lập
Một điểm cộng của Ròm là bộ phim nhắc đến sự cơ cực mà không sa vào kiểu kể lể hay bi lụy. Cái nghèo và vòng luẩn quẩn cuộc đời được khéo léo bộc lộ qua thủ pháp sử dụng điều tương phản.
Ròm và Phúc trải qua những hoạt động thể chất dữ dội, thậm chí gây phấn khích cho người xem. Nhưng thành quả mà họ kiếm được chỉ là vài đồng bạc, một kiếp sống dưới mức người thường.
Điều đó khiến những màn chạy đua hay đánh nhau càng về cuối càng tạo cảm giác đáng thương thay vì hứng thú. Gần cuối phim, trong lúc hành động của hai nhân vật vẫn dữ dội, nhạc phim chậm dần như cách nén lại cảm xúc về số phận mà họ chưa thể tìm cách thoát ra.
Một số phân cảnh của Ròm được thực hiện giữa đường phố. |
Về dàn cảnh, đạo diễn cũng nhiều lần sử dụng những khung hình mang tính đối lập, như chiếc bè tạm bợ trên sông trong khi hai bên là những tòa nhà cao tầng, hay cảnh máy bay đằng xa trên cao, còn gần khán giả hơn là mảnh đời nhếch nhác của Ròm.
Một cú chuyển cảnh liên quan đến lửa ở cao trào cho thấy ngôn ngữ điện ảnh của nhà làm phim. Thanh Huy mô tả hai chuyện đối lập về diễn biến, nhưng kết nối trong sự bi kịch của cái nghèo. Những khung hình nghiêng độc đáo là chủ đích của ê-kíp để phản ánh sự bấp bênh của nhân vật. Trong một cảnh gần cuối, độ nghiêng của cảnh quay được biến chuyển khéo léo cho công dụng kể chuyện, thay vì chỉ dừng lại ở lớp ý ban đầu.
Ròm được xây dựng là nhân vật hướng thiện, nhưng không xa lạ với nắm đấm đường phố. Trải qua bao năm tháng, cậu đã học cách tồn tại trong thế giới khắc nghiệt đó. Bạo lực trong phim theo hướng tả thực, không nhằm mục đích tôn vinh mà nhấn mạnh vào nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần của con người.
Trận chiến dữ dội nhất phim là cú máy gần một phút, thu lại trọn vẹn chuyển động của hai diễn viên. Đây cũng là một trong những phân đoạn đẫm máu và giàu cảm xúc nhất tác phẩm, nơi bạo lực minh họa sự bất lực, bế tắc. Nhiều lần khác, bối cảnh bí bách cùng lối cắt dựng tạo ra nhịp điệu dồn dập hòa hợp với tinh thần chung.
Sự xả thân của đôi nhân vật chính
Ngoài Ròm và Phúc, tác phẩm khắc họa nhiều mảnh đời với điểm chung là sự bế tắc trước cái nghèo, tiêu biểu như ông Khắc (Mai Trần) hay đôi vợ chồng do Thanh Tú - Mai Thế Hiệp thể hiện.
Không có nghề nghiệp hay dự định tương lai rõ ràng, những người này lao đầu vào số đề như con đường chóng vánh để đổi đời, bất chấp nhiều kẻ đã tán gia bại sản. Cảnh họ si mê đề đến lú lẫn, cố dự đoán những con số tạo ra tiếng cười trào phúng lẫn cảm giác đáng thương. “Vui là hạnh phúc, mà hạnh phúc là 41!” là một câu thoại hay, tóm tắt vòng luẩn quẩn của những phận đời trong khu chung cư.
Trái với hình tượng hài hước trong show Rap Việt, Wowy hóa kẻ ác máu lạnh ở Ròm. |
Trần Anh Khoa và Anh Tú Wilson là hai linh hồn của tác phẩm mất đến tám năm thực hiện. Đồng hành cùng dự án trong thời gian dài, họ gần như đã sống cùng nhân vật.
Anh Khoa thuyết phục được người xem khi hóa thân thành cậu bé bụi đời hiền lành, đôi khi hơi ngây ngô. Một số cảnh trong Ròm được lấy lại từ phim ngắn 16:30 của cùng đạo diễn, mang đến cảm giác chân thực về sự lớn lên của nhân vật theo thời gian trong phim.
Còn Anh Tú Wilson gây ấn tượng với khuôn mặt có chất bụi bặm bẩm sinh cùng những màn hành động đòi hỏi sự dẻo dai. Ngoài đời, anh là một vận động viên võ thuật và parkour trước khi đóng phim. Ở nhiều cảnh hành động, tiêu biểu như đoạn trên đường phố với dòng xe đang lưu thông, Anh Khoa và Anh Tú cho thấy sự xả thân hiếm có vì vai diễn.
Đôi diễn viên trẻ được hỗ trợ bởi dàn diễn viên phụ nhiều kinh nghiệm như Cát Phượng, Mai Thế Hiệp, Mai Trần, Thiên Kim. Kịch bản chia đất vừa vặn cho mỗi người với những khoảnh khắc nhỏ để ghi dấu ấn. Trong khi đó, Wowy nổi bật trong vai gã đại ca xảo quyệt. Xuất thân là một rapper hay viết về cuộc sống đường phố, anh dễ dàng hóa thân nhân vật gây nhiều sóng gió trong phim.
So với bản dựng tại Liên hoan phim Busan, Ròm bổ sung một số cảnh ở đoạn cuối, giúp thông điệp bộ phim trở nên nhân văn hơn, hướng đến cái đẹp và hy vọng ở mỗi con người. Chúng giúp tác phẩm thêm mềm mại, dễ tạo sự đồng cảm nơi công chúng.
Song, nội dung giải tỏa khu chung cư còn sơ sài, khiến một số diễn biến trong cao trào trở nên khó hiểu. Về chuyển biến tâm lý, sự tin người thái quá của Ròm ở cuối chưa đủ thuyết phục người xem. Có thể đạo diễn muốn đưa vào tình tiết để thể hiện ý tưởng về vòng chạy bất tận của nhân vật, nhưng cách hành xử của cậu tỏ ra khó tin sau khi đã trải qua quá nhiều biến cố.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.