S
áng 9/7, tôi đến tòa lúc 6h30 để chờ đến giờ tham dự phiên xét xử vụ thảm sát 5 người ở quận Bình Tân gây rúng động dư luận dịp Tết Mậu Tuất.
Khoảng hơn chục người tới tòa trước tôi nhưng họ dự một vụ xử khác. “Nghe nói nay cũng xử vụ cái thằng giết 5 người đó”, một phụ nữ chừng 35 tuổi quay sang nói với nhóm người đang đứng cùng.
“Vậy hả, vụ đó dã man. Thằng đó chắc là quỷ chứ không còn là người rồi”, một người khác tiếp lời.
'Tình ơi, mày ác lắm'
7h30, 4-5 người phụ nữ đi vào giữa sân tòa, nơi có mấy chiếc xe của cảnh sát đang đậu. Rồi đột nhiên một người đàn bà mặc áo bông mếu máo, đưa khăn lên lau nước mắt, ngồi khụyu xuống. Sau đó, tôi mới biết họ là chị gái và em gái của ông Mai Xuân Chinh, nạn nhân trong vụ án.
3 người phụ nữ với vẻ ngoài khắc khổ của người làm nông, không khóc thành tiếng, chỉ mếu máo, gương mặt hằn lên nỗi uất hận mà có lẽ gần 5 tháng trôi qua vẫn chưa thể nào làm họ nguôi ngoai. Ngồi tựa vào dãy ghế phía ngoài phòng xử, họ thất thần, lặng lẽ.
Một lúc sau, tiếng còi của xe chở phạm nhân chạy nhanh vào sân tòa, nơi có cánh phóng viên đang chờ sẵn, với hàng chục máy quay, ống kính. Nguyễn Hữu Tình được dẫn xuống xe, đi vội vào hướng phòng xử án.
Lúc này, 3 người phụ nữ bé nhỏ ấy đứng bật dậy, họ không còn mếu máo nữa mà gào lên, chạy theo, miệng không ngừng hét lên: “Tình ơi, mày ác lắm. Nó giết 5 người. Trời ơi”. Dù bị bảo vệ chặn lại nhưng người nhà ông Chinh vẫn dùng hết sức bình sinh, nhoài về hướng bị cáo Tình.
Khi phòng xử án được lấp kín chỗ, thư ký kiểm tra những người liên quan. Người nhà của Nguyễn Hữu Tình vắng mặt. Tôi cố đảo mắt nhìn quanh để tìm xem có ai có vẻ như là người nhà của bị cáo 18 tuổi kia không. Nhưng không có cách nào xác định, vì cả người nhà của ông Chinh cũng chưa một lần gặp người thân của hung thủ.
Nguyễn Hữu Tình được dẫn giải đến tòa, gương mặt không bộc lộ cảm xúc. Ảnh: Lê Quân. |
Tình ngồi giữa phòng xử án, gương mặt lạnh lùng không bộc lộ cảm xúc. Rất nhiều máy quay, phóng viên đứng quanh trước bị cáo để chụp ảnh, ghi hình, Tình vẫn nhìn thẳng, mắt vô hồn, không né tránh.
Khi đại diện VKS công bố bản cáo trạng, từng hành vi của Tình được mô tả lại. “Đâm 2 nhát vào vai”, “đâm 4 nhát vào ngực”,… những câu chữ như cứa vào tim người nhà của 5 nạn nhân. 3 người phụ nữ ấy đưa tay lên bấu chặt ngực, mắt nhắm nghiền lại, đau đớn tận cùng.
Gương mặt Tình vẫn lạnh tanh.
Trong phần thẩm tra lý lịch, Tình trả lời cụt ngủn, không chủ ngữ, ngay đến địa chỉ nhà ở quê cũng không nhớ. Nhưng khi được hỏi về lý do sát hại bà chủ nhà, giọng y đanh lại, cố nhấn nhá vào những từ ngữ được cho là câu chửi tục của vợ ông Chinh dành cho mình.
Cảm giác sự căm giận hiện lên trong từng câu trả lời của Tình với HĐXX. “Bị cáo có cái tính rất ghét bất kỳ ai chửi nặng lời với mình. Bị cáo luôn nhắc bị hại rất nhiều lần nhưng bà Hồng không bỏ, vẫn cứ chửi nên bị cáo tức giận và sát hại”, Tình lạnh lùng nói.
“Giết chị Hồng, anh Chinh, Diệu, Diệp, Triệu”, gã trai mô tả rõ ràng thứ tự người mà y đã ra tay sát hại.
Giết bà chủ vì bị chửi, giết ông chủ vì sợ chống trả và giết 3 đứa trẻ vì hoảng loạn và sợ bị tố cáo. Lý do chỉ được Tình trả lời chưa tới 30 giây nhưng 5 nạn nhân chịu đựng 76 nhát dao kia đã vĩnh viễn mất đi cả cuộc đời.
Thậm chí, đâm xong lần một, phát hiện nạn nhân nào còn sống, Tình còn lấy dao đâm thêm. “Bị cáo xuống dưới nhà, phát hiện bà Hồng còn ú ớ, còn chửi nên tức, lấy dao dài trong nhà bếp đâm tiếp”, Tình tỉnh táo kể lại. Người chủ nhà này bị hắn đâm 3 nơi, từ trên gác, dưới sàn và trên ghế sofa.
Con dao mũi nhọn, màu đen mà y dùng để ra tay sát hại 5 con người vô tội được y khai mua để phòng thân vì sợ người ta tấn công mình. "Tình trạng cướp giật ở Sài Gòn rất nhiều”, Tình phân trần về lý do giữ con dao trong người.
Người nhà ông Chinh khóc khi nghe VKS đọc lại cáo trạng, mô tả hành vi của Nguyễn Hữu Tình. Ảnh: Lê Quân. |
Xuyên suốt phần thẩm vấn, bị cáo 18 tuổi không hề phủ nhận tình tiết nào mô tả hành vi man rợ của mình. Thậm chí y còn cho rằng cáo trạng của VKS mô tả còn thiếu. “Lúc 4h sáng chỉ nêu bà Hồng chửi nhưng không ghi rõ câu chửi tục. Nếu không có câu đó thì có thể đã không có việc sát hại”, Tình nói với giọng bất cần.
Liên tục nhắc lại việc bà chủ chửi nặng lời và bản thân vốn rất ghét nghe những lời đó, y cho rằng đó là lý do khởi đầu tội ác.
Không thể mô tả nỗi ân hận
Lúc sờ đầu, lúc gãi tai, lúc đưa tay mân mê chiếc micro đặt trên bàn trước mặt, hai bàn tay của Tình còn nguyên vết sẹo mà khi cầm dao đâm ông Chinh, giằng co nên đã bị thương.
Phần thẩm vấn với bị cáo này không có sự tranh cãi vì Tình thừa nhận toàn bộ hành vi nêu trong cáo trạng. Những vật dụng thu giữ được, Tình luôn miệng “đúng” khi HĐXX đọc lại. Tuy nhiên, có những đoạn trả lời của Tình, người dự khán chỉ biết lắc đầu, thở dài.
“Sao nó trả lời cộc lốc và có vẻ đơn giản với hành vi ác độc của mình như vậy", một người đàn ông ngồi cạnh tôi cười nhạt.
Những tiếng nấc vẫn cứ vang lên từ phía người nhà của ông Chinh. Họ bấu chặt vào thành ghế, cúi mặt. Còn Tình, hắn không một lần ngoảnh mặt lại phía sau.
"Bị cáo thấy hành vi của mình thế nào?", chủ tọa hỏi.
"Bị cáo có ân hận nhưng bị cáo không thể mô tả sự ân hận của bị cáo được", Tình nói.
Nói lời sau cùng hay khi nhận bản án tử, Tình vẫn không hề rơi một giọt nước mắt nào. Ảnh: Lê Quân. |
Luật sư được chỉ định bào chữa cho bị cáo không tranh luận. Luật sư chỉ mong HĐXX xem xét tình tiết vì bị cáo mới bước qua tuổi 18, học hết lớp 9 nghỉ học vì muốn kiếm tiền, cha mẹ ít tâm sự, thiếu sự quan tâm.
Khi VKS đề nghị mức án tử hình chung cho 2 tội Giết người, Cướp tài sản, Tình vội vàng nói “có” lúc HĐXX hỏi về việc bị cáo có muốn nói lời sau cùng hay không.
Như chỉ chờ đến lúc này, Tình đặt 2 tay lên bàn, chậm rãi gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại, ba mẹ mình.
“Trước hết, tôi xin lỗi gia đình bị hại vì một hành động thiếu suy nghĩ của tôi mà gây hậu quả lớn như thế. Xin lỗi ba mẹ vì con chưa trả hiếu được cho ba mẹ. Chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ của con mà con phải trả giá bằng mạng sống của mình”, Tình hối hận.
“Bị cáo xin pháp luật cho bị cáo hiến tạng cho y học để 1 phần được cảm thấy thanh thản”, bị cáo Tình nói.
Quả thật, với tâm trạng của một người dự tòa, tôi đã mong hắn khóc một tiếng để được thấy phần “người” trong y thức dậy. Nhưng không. Suốt phiên tòa và cả 60 giây nói lời sau cùng, không có một giọt nước mắt nào rơi, cũng không có một cái cúi đầu hay ngoảnh mặt lại phía sau. Chỉ có những tiếng khóc của người nhà nạn nhân cứ vang lên đến xé lòng.
Khi tòa tuyên án, Tình đứng xao nhãng, lúc xoa tay, lúc vẽ lên bàn, cảm giác như tìm một điểm tựa cho bớt trống trải.
Không bất ngờ, cũng không ngạc nhiên, HĐXX tuyên bản án tử dành cho Tình vì hành vi của hắn là “tận cùng của tội ác”. Từng người rời khỏi phòng xử án, im lặng như thể ai cũng biết trước bản án dành cho hung thủ này.
Gương mặt kẻ sát nhân ấy vẫn không bộc lộ cảm xúc, hay là chính tôi cũng không thể hiểu nỗi cảm xúc của gã trai tàn nhẫn đó.
Lê từng bước chân nặng nhọc khỏi phiên tòa, người nhà của ông Chinh như không còn sức để khóc. Họ ngồi xuống ghế đá trong khuôn viên tòa, mỗi người một ánh nhìn.
“Nó chết thì cũng không giải quyết được gì. Người nhà mình ra đi oan uổng quá”, chị ruột của ông Chinh nói không thành tiếng.
Phiên tòa đã kết thúc, Tình tiếp tục bị tạm giam và sau đó đón nhận cái chết đến với mình như một sự trừng phạt cho tội ác dã man đã gây ra. Nhưng với những người thân của nạn nhân thì nỗi đau vẫn chưa chấm hết sau phiên tòa và ngay cả khi kẻ thủ ác đã đền tội.