Tối 8/9, phim phóng sự Ranh giới do đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng ê-kíp của VTV thực hiện đã được lên sóng và gây xôn xao dư luận. Tìm kiếm từ khóa về phim trên Google, có 91.900 kết quả trả về sau một cú nhấp chuột. Nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng liên tục chia sẻ đường link xem lại bộ phim.
Phần đông khán giả đều dành những lời lẽ đẹp đẽ, đầy tính tri ân và cảm phục cho đội ngũ y bác sĩ trong phim, cũng như khen ngợi ê-kíp sản xuất đã trụ vững ở tuyến đầu để đưa đến cho người xem những hình ảnh chân thực nhất về đại dịch Covid-19.
Nhưng đâu đó, giữa những lời khen vẫn là mối bận tâm về quyền riêng tư của các bệnh nhân xuất hiện trong tác phẩm, cũng tính nhân văn của đội ngũ làm phim.
Phim tài liệu Ranh giới được ghi hình ở khu K1 Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TP.HCM). Ảnh: Đoàn làm phim. |
Những chiến sĩ áo trắng
“Mỗi bệnh nhân qua khu K1 đều không có người nhà, đó là cái thiệt thòi của những sản phụ vào lúc này. Cái khó xử ở đây là mình phải chạy đua với cả hai mạng sống cùng một lúc. Nên mình bù đắp được cho họ cái gì thì mình bù”, bác sĩ gây mê Lữ Thị Khánh Phương chia sẻ trong phóng sự Ranh giới.
Như lời bác sĩ Lữ Thị Khánh Phương chia sẻ, những ca bệnh tại khu K1 Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) đều là những ca bệnh đặc biệt, bởi mỗi bệnh nhân đều mang trên mình hai (thậm chí là ba) sinh mệnh. Đây là khu điều trị dành cho các sản phụ mắc Covid-19.
Theo số liệu ê-kíp đưa ra, tính từ ngày 30/5 tới ngày 1/9, khu K1 đã tiếp nhận 861 sản phụ F0. Trong đó, 804 ca đã "mẹ tròn con vuông", 5 ca tử vong trong quá trình điều trị, 57 ca trở nặng và chuyển lên khu điều trị cao hơn.
Người Việt thường có câu "cửa sinh là cửa tử" để nói về mức độ nguy hiểm của các sản phụ trong khoảnh khắc sinh con. Với những sản phụ được đưa vào khu K1 Bệnh viện Hùng Vương, cửa tử đối với họ còn mang một hàm ý khác.
Trong thời gian bốn tháng trên, lực lượng y tế luôn túc trực ở khu điều trị, làm việc với 300% công suất (như ê-kíp nhận định) để giữ được mạng sống khỏe mạnh cho cả sản phụ và em bé. Ngay những giây đầu tiên của tác phẩm, khán giả đã nhận thấy cường độ làm việc căng thẳng của lực lượng y tế khi hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang xoay xở giữa việc thông báo trường hợp của sản phụ cho bác sĩ, điều phối kỹ thuật viên lắp đặt đường truyền oxy lỏng, cũng như luôn tay gọi điện thoại xin thêm người trợ giúp.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chụp ảnh cùng hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang - người đã mắc Covid-19 sau 18 ngày trực chiến ở khu K1. Ảnh: ĐLPCC. |
Tác phẩm dài 50 phút, không có lời bình, không có dẫn truyện, giống như cách làm phim quen thuộc của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. Suốt chiều dài phóng sự, chỉ có tiếng nói đầy những thuật ngữ chuyên môn, tiếng thúc giục, tiếng an ủi vỗ về bệnh nhân của các y bác sĩ, y tá, hộ sinh và kỹ thuật viên bệnh viện. Xen lẫn trong tiếng người bị bóp méo vì bộ trang phục bảo hộ và hai lớp khẩu trang kín kẽ là tiếng thở oxy của bệnh nhân, và tiếng chuông điện thoại réo rắt thót tim.
Toàn bộ cảnh phim chỉ diễn ra tại khu K1 Bệnh viện Hùng Vương, không di chuyển nhiều, không bối cảnh rộng, nhưng đã đủ khắc họa sâu sắc cho người xem tính chất nguy hiểm, khốc liệt của dịch bệnh, cũng như sức mạnh kiên cường của đội ngũ "chiến sĩ áo trắng".
Có khán giả đặt ra câu hỏi rằng mới chỉ một khu bệnh, tình hình đã căng thẳng đến nghẹt thở như trong thước phim, vậy với tình hình leo thang số ca F0 trên cả nước suốt 4 tháng qua, đội ngũ y tế tuyến đầu đã phải đối mặt với những gì?
Nơi cửa sinh đối đầu cửa tử
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ lý do anh chọn khu điều trị K1 để ghi hình: "Cuộc sống giống như vòng tròn luân hồi, dịch bệnh đã cướp đi rất nhiều sinh mạng nhưng bên cạnh đấy vẫn có những em bé được chào đời".
Góc nhìn của đạo diễn được thể hiện ngay trong những thước phim chân thực của Ranh giới. Tác phẩm được ghi hình trong 15 ngày, ghi nhận được không chỉ khoảnh khắc y bác sĩ hết mình cứu chữa cho sản phụ, mà còn cả giây phút những sinh mệnh mới cất tiếng khóc chào đời.
Giữa những lo lắng, căng thẳng của quá trình điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ cũng có khoảnh khắc mỉm cười khi lại có thêm một em bé cất tiếng khóc chào đời.
Giây phút hạnh phúc hiếm hoi của tác phẩm được áp dụng hiệu ứng slow-motion (làm chậm hình ảnh), như tạo cho người xem một khoảng nghỉ ngơi nhẹ nhõm trước khi tiếp tục căng thẳng đến nghẹt thở với hành trình giành lại mạng sống sản phụ từ "bàn tay tử thần" của Covid-19.
Ảnh màn hình khoảnh khắc y bác sĩ giúp sản phụ F0 "mẹ tròn con vuông". |
Ở nơi điều trị, các sản phụ cũng có những giây phút nản lòng, muốn bỏ máy thở, muốn trở về nhà chờ chết. Nhưng sau cùng, dưới lời động viên cùng sự kiên nhẫn của y bác sĩ, họ vẫn kiên cường tập ăn, tập thở, chỉ với mong muốn được "muốn gặp con" và "muốn về nhà".
Nhưng không phải lúc nào nỗ lực của đội ngũ y tế và khát vọng sống của bệnh nhân cũng chiến thắng.
Ranh giới có phân đoạn đội ngũ bác sĩ quyết định phải bỏ bào thai 21 tuần tuổi để giữ mạng cho sản phụ. Không có lời dẫn, nhưng người xem đủ hiểu đưa ra quyết định trên không phải việc dễ dàng.
Ám ảnh người xem nhất có lẽ là trường đoạn dài tới 12 phút mô tả chi tiết quá trình nỗ lực cấp cứu sản phụ T.T.V. Khi tiếng píp dài báo hiệu tim ngừng đập vang lên, các bác sĩ gục đầu, đội ngũ y tế đều ngẩn người vì phải buông tay thêm một sợi dây sinh mạng. Đây là những thước phim ám ảnh đến mức đau đớn.
Tuy nhiên, trường đoạn trên cũng vấp phải ý kiến trái chiều của khán giả. Rất nhiều người vẫn còn lăn tăn về cách chỉnh sửa hậu kỳ của phóng sự Ranh giới.
Suốt chiều dài phim, không ít lần ê-kíp quay cận cảnh khuôn mặt các sản phụ, kể cả những người bệnh trở nặng, không thể tự thở được hoặc ngất xỉu tới ngã khỏi giường, cũng như sản phụ bắt đầu hồi phục và có thể trả lời phỏng vấn mạch lạc. Ngay cả tên tuổi đầy đủ của bệnh nhân, số điện thoại người nhà, cũng bị đưa lên sóng đầy đủ ngay trên kênh truyền hình quốc gia.
Khoảnh khắc thập tử nhất sinh của sản phụ. Ảnh: ĐLPCC. |
Thậm chí, ê-kíp còn quay cận mặt cha ruột sản phụ T.T.V, đặc tả khoảnh khắc ông khóc nghẹn khi hay tin con gái giấu gia đình một mình nhập viện và đã qua đời.
Trở lại với phim phóng sự Ranh giới, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư khẳng định sản phụ đều đã đồng ý ghi hình và bệnh nhân nào trở nặng, mất ý thức chỉ có cảnh quay từ sau lưng.
Khắc họa thẳng thắn, không trốn tránh hay che đậy nỗi đau có thể là thủ pháp làm việc riêng của một số đạo diễn. Nhưng ít nhất, ê-kíp và đạo diễn Lưu Quỳnh Tư có thể chọn những góc quay tế nhị hơn, thay vì quay thẳng mặt một người đang đau đớn vì mất con hoặc một sản phụ tím tái khuôn mặt vì không thở được.
Ảnh màn hình cảnh quay y bác sĩ ngủ gục trên nền đất sau nhiều ngày làm việc liên tục. |