Quá khứ buồn của Ngọ "sẹo"
Vừa rót chén trà nóng mời khách, anh vừa vào thẳng câu chuyện của riêng mình.
Anh sinh năm 1962 ở Phúc Thọ (Hà Tây cũ) với cái tên cúng cơm là Trần Văn Ngọ. Cái tên hiền lành, chân chất ấy chứng tỏ ngày sinh ra anh, bậc sinh thành chỉ muốn anh sống bình yên với ruộng đồng mộc mạc. Cha hy sinh ở chiến trường Sông Bé (nay là Bình Phước) để lại một mình mẹ gánh vác nuôi anh và đứa em gái ăn học. Không chịu nổi cảnh mẹ góa con côi, mẹ anh tái giá.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh được Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng thu tuyển đào tạo khóa đầu tiên vào năm 1980 tại Phú Thọ. Học xong, làm việc ở đấy được vài năm thì phát hiện mình bị ung thư gan. Được các y bác sĩ Viện 109 tận tình chữa trị cả năm trời, chứng ung thư bị đẩy lùi, anh xuất viện về nằm nhà. Sức dài vai rộng, nằm không mãi cũng chán, anh rủ vài người bạn xuôi Nam tìm việc làm.
Sinh kế nuôi thân chỉ là cái cớ. Anh vào Nam để tìm mộ phần của bố. Theo lời những đồng đội cũ của bố thì bố anh hy sinh ở chiến trường tỉnh Sông Bé có địa danh là Vườn Chuối.
Từ Hà Tây, anh nhảy tàu vào đến Đồng Xoài (tỉnh Sông Bé cũ, nay là Bình Phước) bằng 2 bàn tay trắng và cái túi rỗng không. Vào đến nơi, anh gia nhập vào đám lâm tặc phá rừng chặt cây đốt than. Ở những nơi như thế, luật rừng thay thế luật pháp. Con người tranh giành nhau từng gốc cây rừng, từng miếng cơm manh áo. Họ không tranh luận nhau bằng lý lẽ. Cái đúng chỉ được khẳng định bằng nắm đấm, bằng dao, búa và tất cả những thứ có thể hạ gục người đối diện. Lúc này, khi có chút đỉnh tiền, anh lại đi tìm hài cốt cha.
Trong môi trường như thế, kẻ lang bạt xa quê như anh cũng đành dùng sức mạnh để tồn tại. Chút võ nghệ được người anh vốn là cựu binh Biệt động thành dạy dỗ trước khi xuôi Nam và cái chất liều mạng bất cần đời đã giúp Ngọ nổi bật trong đám người ngợm hỗn mang giữa rừng. Chỉ sau vài trận giáp chiến với đối thủ, tên tuổi anh được đám thảo khấu lan truyền nhau. "Nhất hổ nan địch quần hồ", dù đã nổi tiếng, song một mình không thể chống trả số đông. Anh dùng uy thế và nắm đấm của mình thu phục, quy tựu một số đàn em bao quanh. Thế là Ngọ trở thành đại ca giữa chốn xô bồ của rừng hoang.
Vậy mà có lần, khi đang ngồi nhậu say ngất ngưởng, một tên lưu manh "cắc ké" rình rập từ phía sau chém trộm một nhát rựa để đòi món nợ máu, rồi chạy mất tiêu. Nhát chém không làm Ngọ chết nhưng đã khắc dấu giang hồ vĩnh viễn trên gò má trái của anh.
Năm 1985, anh quyết rời cánh rừng đầy rẫy ân oán, gom góp hết vốn đi tìm mộ bố lần cuối. Nghe kể nơi nào ở Sông Bé thời kháng chiến có xảy ra chiến trận là anh lần tới tìm mộ. Đến tận đêm 29 tháng Chạp tết năm 1983 anh vẫn còn lang thang đọc bia từng ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bến Cát vẫn không tìm thấy cha.
Niềm hy vọng cuối cùng đã tắt, anh bắt xe về Di Linh (Lâm Đồng) tìm đến nhà một người anh họ đang làm tài xế cho công ty thương nghiệp xin tá túc.
Nghe một số bạn bè kể vùng kinh tế mới Lâm Hà ở Lâm Đồng là vùng đất di dân Hà Nội. Anh chia tay người anh họ về Lâm Hà tìm cơ hội sinh nhai. Về vùng đất mới, anh chăm chỉ làm thuê, cuốc mướn. Ai thuê gì cũng làm, miễn có tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày.
Dù không muốn trở lại con đường của quá khứ buồn nhưng vết sẹo trên gương mặt cứ tố cáo "hành tung đại ca" của anh với đám thảo khấu mới nổi ở vùng đất lạ. Một ngày của năm 1989, bỗng dưng một gã lưu manh ngẫu hứng muốn thể hiện "bản lĩnh dân chơi" bằng cách đánh anh để lấy "số má giang hồ". Cơn liều lĩnh đã ngủ yên, bất chợt thức giấc. Anh chộp lấy con dao mổ thịt đâm một nhát chí mạng vào bụng gã lưu manh. Nạn nhân bị xổ ruột nhưng nhờ được cấp cứu kịp thời nên giữ được mạng sống. Còn anh phải ra tòa lĩnh án 15 tháng tù giam.
“Một cánh tay chìa ra số phận đang chìm”
"Tù mồ côi" như Ngọ không thân nhân thăm nuôi, nỗi buồn cứ trôi qua chấn song sắt và quá khứ cứ chập chờn giấc ngủ. Ngọ không biết đời mình sẽ trôi về đâu sau khi ra tù. Anh nhận thức rất rõ đời mình đang rơi tự do vào hố thẳm mà không biết đáy nông sâu.
Bỗng một hôm, cán bộ quản trại gọi Ngọ lên gặp một sĩ quan công an lạ mặt. Anh nghĩ, có lẽ công an muốn khai thác anh về những băng nhóm tội phạm ở địa bàn. Anh định bụng sẽ phòng thủ bằng cách im lặng. Cuộc trò chuyện khởi đầu rất tẻ nhạt. Tuy nhiên, người sĩ quan chỉ chăm chăm hỏi thăm về gia cảnh. Suốt hàng chục năm lang bạt, anh chưa từng có dịp bày tỏ với ai về gia cảnh của mình. Bây giờ có người chạm đến, anh say chuyện lúc nào không hay.
Kết thúc buổi trò chuyện, người sĩ quan không hề nói lý do buổi tâm tình. Sau này, Ngọ mới biết, ông ấy chính là Thượng tá Đặng Đình Hóa đang là Phó trưởng công an huyện Đức Trọng vừa được điều chuyển về làm Trưởng công an huyện Lâm Hà (Năm 1991, cán bộ Hóa lại được điều động về công an Lâm Đồng làm Trưởng phòng An ninh kinh tế). Vừa về nhận nhiệm vụ, Thượng tá Đặng Đình Hóa rà soát lại các vụ án trên địa bàn. Khi đọc đến hồ sơ của Ngọ, Thượng tá Hóa phát hiện ra Ngọ có cha là liệt sĩ, bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Sau buổi gặp gỡ, đích thân Thượng tá Hóa đi gặp các cơ quan hành pháp xin bảo lãnh cho Ngọ được giảm án, tha tù trước hạn. Trong khi chờ đợi các thủ tục pháp lý, ông lại tìm gặp Bí thư xã Liên Hà xin cấp cho Ngọ một lô đất thổ cư.
Nhớ lại thời điểm này, Ngọ bồi hồi: "Chú Hóa là ân nhân của tôi. Những việc làm của chú ấy đã kéo tôi lên từ vũng lầy của cuộc đời. Suốt những tháng năm lang thang, chưa ai tốt với tôi như thế. Nếu không có nghĩa cử của chú ấy, tôi không biết bây giờ đời mình trôi về đâu. Ngày ra tù, tôi cảm thấy mình làm điều sai là có lỗi với ân nhân của mình. Vì vậy, tôi quyết chí làm ăn. Tôi, hơn ai hết, hiểu rất rõ giá trị cuộc sống khi có một cánh tay chìa ra lúc số phận đang chìm".
Không chỉ cấp đất, chính quyền xã còn hỗ trợ cho Ngọ vay vốn xóa đói giảm nghèo. Anh dùng tiền đó mua dê, bò chăn thả đồng thời cất quán bán cơm, phở.
Ngọ chia sẻ: "Chơi được thì phải làm được. Lấy vợ rồi, không làm thì lấy gì nuôi con? Nghĩ thế nên tôi gom góp chút tiền mở quán cơm. Thấy người ta bán dê sống rất rẻ nên tôi mua mấy con về làm thịt bán dần. Làm thịt không kịp, nó đẻ, tôi để nuôi luôn. Dịp may dê lên giá, tôi bán 6-7 triệu đồng mỗi con. Bán được dê tôi gom tiền đầu tư thêm đàn bò. Lúc đó tôi làm say lắm, năm 2000, vợ chồng tôi có lưng vốn mở nhà hàng dịch vụ tiệc cưới, nấu ăn, cho thuê rạp, thuê âm thanh nhạc sống. Hồi đó, dịch vụ nấu tiệc của vợ chồng tôi nổi tiếng khắp vùng này đấy. Thời điểm năm 2002 mà có tháng kiếm vài trăm triệu từ dịch vụ nấu ăn. Nhưng cái nghề "làm dâu trăm họ" ấy vất vả quá nên tôi không làm nữa, đổ hết tiền vào mua mấy ha đất trồng cà phê, chanh dây. Cứ như thế, hơn chục năm trời làm cật lực, được bao nhiêu tiền lại đổ hết vào mua đất, mở rộng diện tích".
Ngọ cưới một cô gái cùng xã làm vợ. Hai vợ chồng gom góp tiền mua 12 ha đất nông nghiệp trồng cà phê. Đất rộng, việc nhiều, Ngọ thu tuyển hơn 20 nhân công chăm sóc cà phê. Anh đào ao nuôi cá tầm giữa vườn cà phê. Lợi nhuận từ những vụ cà phê đầu, Ngọ mua thêm 20 ha đất nông nghiệp nữa.
Những năm đó, chanh dây là một loại cây mang lại lợi nhuận khá cao, nhưng chưa có nhiều người trồng. Ngọ dành ra 5 ha trồng loại cây này. Nhờ biết nắm bắt thời cơ, mỗi vụ thu hoạch chanh dây, Ngọ thu về hơn một tỷ đồng.
Chỉ sau vài năm rời nhà tù, Ngọ trở thành một đại gia ở vùng đất mới Lâm Hà.
Tỷ phú nông dân
Hiện trang trại 32 ha của Ngọ không chỉ có cà phê mà còn xen canh 5.000 cây mắc ca và 10.000 cây bơ Mỹ. Mắc ca là một giống mới còn xa lạ với nông dân Việt Nam. Anh nói: "Muốn làm giàu phải biết đi đầu. Cái gì người ta chưa trồng, mình trồng".
Tự tìm hiểu qua sách báo và tham khảo những người bạn là kỹ sư nông nghiệp, Ngọ nhận ra mắc ca là một loại thực phẩm xuất xứ từ Úc có chức năng chống lão hóa rất tốt cho người già. Đây là cây lấy quả nổi tiếng và đang trở thành cây trồng được quốc tế hóa như cà phê, ca cao. Mắc ca đóng hộp nhập khẩu có giá hơn 1,5 triệu đồng một hộp 250 gr. Nhân mắc ca giòn mà không cứng như hạt điều hay nhân lạc, dùng ăn sống, luộc rang hoặc xào nấu với đồ mặn đều rất ngon. Khi độn vào kem cốc, kẹo sôcôla, bánh ga tô và nhiều loại đồ ngọt khác đều làm cho các đồ ăn này tăng hẳn giá trị. Anh còn nhận ra rằng nhân mắc ca có thể độn vào xôi, nấu chè, làm nhân bánh dẻo, bánh nướng và rất nhiều món ăn cổ truyền khác của dân tộc. Trên thế giới, mắc ca đã được đưa lên bàn ăn của các gia đình giàu có hoặc yến tiệc sang trọng.
Nắm được những thông tin đó, Ngọ ra Hà Nội tìm đến Viện Nghiên cứu cây trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin tài liệu. Khi đã biết chắc mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng Lâm Hà anh quyết định đầu tư.
Được cán bộ Viện Nghiên cứu cây trồng hướng dẫn, Ngọ đến Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên mua 70 kg hạt giống mang về ươm rồi mua mầm từ cây trưởng thành sai quả về ghép để cho ra giống cây năng suất cao để cung cấp giống cho bà con nông dân.
Theo anh Ngọ, mắc ca có giá 350 ngàn đồng một kg, một ha có thể trồng 400 cây, chỉ cần mỗi cây cho 200 kg trái, đã có 7 triệu đồng một cây. Như vậy một ha có thể thu 2,8 tỷ đồng! Anh tiết lộ thêm, một công ty của Úc đã đến Lâm Hà khảo sát để xây dựng nhà máy thu mua, chế biến hạt mắc ca. Nếu tính toán về cây mắc ca của Ngọ đúng thì vài năm nữa, anh sẽ là siêu tỷ phú ở vùng đất Lâm Hà này.
Một công dân chí thú làm ăn trở thành đại gia là chuyện bình thường. Nhưng với Ngọ, đó là điều phi thường. Nếu cách nay 24 năm, với cái mã số tù mà dân giang hồ gọi là "số má", anh tiếp tục lao vào con đường ảm đạm cũ; Nếu cách nay 24 năm, vị Thượng tá Trưởng công an huyện Lâm Hà chỉ là một công chức quan liêu, thích điều hành công việc trên bàn giấy trong phòng lạnh thì ngày nay, có lẽ, không chỉ có mỗi Ngọ "sẹo" mà Lâm Hà còn phải đương đầu với rất nhiều phiên bản giang hồ của Ngọ "sẹo".
Chiêm nghiệm từ "nhánh rẽ" của Trần Văn Ngọ cho thấy, cánh tay yêu thương của người cán bộ công an có trách nhiệm với xã hội đã chìa ra kịp lúc sẽ cứu được một cảnh đời lạc lối. Không ai còn nhớ quá khứ buồn của Ngọ nữa. Ngày nay, người ta chỉ thấy một đại gia Ngọ, có 4 đứa con ngoan. Hai đứa con gái lớn tốt nghiệp đại học hàng không ở TP.HCM. Hai đứa nhỏ vẫn còn học phổ thông đều là học sinh giỏi