Rửa mũi giúp giảm nguy cơ diễn biến nặng hoặc tử vong khi mắc Covid-19. Ảnh: icloudhospital. |
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ear, Nose & Throat hồi tháng 9. Theo đó, việc giảm lượng virus xâm nhập vào cơ thể sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nghiên cứu phát hiện việc rửa mũi trong vòng 24 giờ sau khi nhiễm nCoV có thể ngăn chặn virus xâm nhập vào phổi, tránh các tổn thương vĩnh viễn hay nguy cơ tử vong.
Amy Baxter, tác giả của nghiên cứu, cho biết cho nước muối vào xoang giúp giảm nhẹ nguy cơ. “Nếu có tạp chất lọt vào cơ thể, càng xả chúng ra ngoài, bạn càng có khả năng loại bỏ bụi bẩn, virus và những thứ khác tốt hơn”, bà Baxter giải thích.
Thụ thể ACE2 trong tế bào - liên kết với protein gai của virus dẫn đến mắc Covid-19 - có rất nhiều trong khoang mũi, phổi và miệng. Việc rửa mũi bằng nước muối có thể giúp ngăn virus bám vào các thụ thể này.
Các nhà nghiên cứu cho biết rửa mũi không tốn kém và an toàn, có thể thực hiện tại nhà bằng cách sử dụng nửa thìa cà phê muối và baking soda, pha với nước sôi hoặc nước cất.
Baxter khẳng định: “Ở những khu vực xa trung tâm y tế, sự can thiệp đơn giản này có thể làm giảm khả năng mắc bệnh nặng”.
Nghiên cứu liên quan đến việc so sánh dữ liệu từ những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ cao (như người bị béo phì, cao huyết áp hoặc tiểu đường, trên 55 tuổi) đã rửa mũi với dữ liệu của 3 triệu trường hợp mắc Covid-19 từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Các nhà nghiên cứu phát hiện chỉ 1,3% bệnh nhân Covid-19 đã rửa mũi phải nhập viện. Số liệu cho thấy tỷ lệ nhập viện thấp hơn 8 lần so với con số 11% số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện trong dữ liệu của CDC.
Theo ĐH Wisconsin - Madison (Mỹ), người bị viêm xoang cấp tính, mạn tính hay cảm lạnh thông thường, viêm mũi dị ứng đều có thể sử dụng phương pháp rửa mũi để làm sạch khoang mũi. Khoa Y học gia đình và Sức khỏe cộng đồng của trường từng xuất bản nghiên cứu khoa học về phương pháp này. Theo đó, rửa mũi là cách điều trị truyền thống ở Ấ Độ, được gọi là “jala-neti”.
Tôi từng sống ở Thái Lan và biết rửa mũi là thói quen vệ sinh phổ biến ở Thái Lan, Việt Nam và Lào. Ở đó, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp hơn Mỹ”, bà Baxter nói.
Rửa mũi là phương pháp phổ biến ở Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á. Ảnh: Masseyeandear. |
Kyle Schwartz, đồng tác giả của nghiên cứu, công tác tại ĐH Edinburgh Napier (Scotland), nói với SciDev.Net rằng các quốc gia Đông Nam Á có "một số thực hành văn hóa có thể mang lại lợi thế cho họ" trong việc đối phó với đại dịch Covid-19.
“Việc đeo khẩu trang cũng đã được bình thường hóa ngay từ đầu đại dịch. Họ cũng chuyển sang cúi chào thay vì bắt tay khi chào hỏi nhau. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng việc áp dụng biện pháp rửa mũi cũng mang lại lợi thế cho các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Lào so với các nước khác của châu Á”, ông Schwartz nói.
Shantanu Panja, bác sĩ phẫu thuật mắt - mũi - họng và đầu, cổ tại Bệnh viện Đa khoa Apollo ở Kolkata, Ấn Độ, người không tham gia vào nghiên cứu, tin những phương pháp này "dễ dàng thực hiện mà không gây thêm chi phí cho bệnh nhân".
"Jala-neti đã là một phần của các bài tập yoga của Ấn Độ trong hàng nghìn năm. Vì vậy, nó không có gì mới đối với người dân ở đây”, vị chuyên gia phát biểu.